Có cơ sở để tiếp tục giảm lãi suất

Theo Đầu tư Chứng khoán

Theo lời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, lạm phát giảm là cơ sở để giảm lãi suất. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng báo cáo tháng này chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước dưới 0,5%, như vậy cả năm chỉ khoảng 7%, đủ cơ sở để hạ lãi suất.

Có cơ sở để tiếp tục giảm lãi suất
Để đón đầu việc giảm lãi suất, hiện tại đã có nhiều ngân hàng giảm lãi suất huy động cả kỳ hạn ngắn và dài. Mặt bằng lãi suất kỳ hạn dài đến nay chỉ còn khoảng 11%, lãi suất trần cho kỳ hạn ngắn vẫn đang giữ cố định ở 9%. Trong khi trong 2 tháng trước, lãi suất kỳ hạn dài chủ yếu là 13%.

Trước đó, vào đầu tháng 12, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng cho biết đang kiến nghị Chính phủ hạ lãi suất huy động và lãi suất cơ bản khoảng một điểm phần trăm so với lãi suất quy định hiện nay.

Còn theo một chuyên gia ngân hàng, việc giảm lãi suất phải đi kèm với việc kiểm tra các ngân hàng lách trần lãi suất. Còn không, việc giảm lãi suất chỉ là biện pháp hành chính, và lãi suất thực sự vẫn ở mức cao. Vị này cũng cho rằng trong năm 2013, Ngân hàng Nhà nước nên tính toán để bỏ luôn trần lãi suất, và đưa lãi suất về đúng với diễn biến thị trường tiền tệ.

Tuy nhiên, theo ông Trương Văn Phước, Tổng Giám đốc Eximbank, lãi suất hạ không phải là vấn đề lớn nhất với doanh nghiệp. Ông nêu ví dụ, ở ngân hàng ông có những khoản vay lãi suất chỉ 7%/năm nhưng vẫn không có doanh nghiệp vay. Dư nợ tín dụng của Eximbank trong năm 2012 dự kiến âm khoảng 7%. Theo ông Phước, vấn đề hiện nay là doanh nghiệp không dám vay vốn để đầu tư, mở rộng sản xuất, trong điều kiện khó khăn chung của kinh tế trong nước và thế giới. Vì vậy, tháo gỡ đầu ra là vấn đề cần hơn cả việc giảm lãi suất.

Còn theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TPHCM, tín dụng của thành phố này chỉ tăng 5,4% trong năm nay, dù chỉ tiêu là từ 8-10%. Ông Minh cho biết hiện nay doanh nghiệp không mặn mà với vay vốn. Thực tế, gói 200.000 tỷ đồng mà thành phố cho vay hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất hàng hóa cung ứng Tết Nguyên đán, chủ yếu chỉ giải ngân được cho doanh nghiệp bình ổn giá, do ngân sách ưu đãi lãi suất. Và nhiều doanh nghiệp hiện đang lo lắng về việc khó tiêu thụ hàng hóa cuối năm.

"Thanh khoản ngân hàng năm nay tốt hơn năm ngoái rất nhiều, do tín dụng ra chậm, nên ngân hàng phải giải ngân vào trái phiếu một phần để tránh rủi ro", ông Minh nói thêm.