Cổ đông lớn chi tiền tỷ “ôm thêm” cổ phiếu

Theo Huyền Anh/thoibaokinhdoanh.vn

Từ đầu năm đến nay, thị trường chứng khoán liên tục chứng kiến nhiều “ông chủ” doanh nghiệp (DN) chi tiền tỷ “ôm thêm” cổ phiếu, khiến giá cổ phiếu (CP) tăng phi mã.

VIB là ngân hàng đầu tiên lên sàn năm 2017 với giá khởi điểm 17.000 đồng/CP.  Nguồn: Internet
VIB là ngân hàng đầu tiên lên sàn năm 2017 với giá khởi điểm 17.000 đồng/CP. Nguồn: Internet

Theo các chuyên gia phân tích chứng khoán, việc các chủ DN và người nhà vung tiền mua CP thông thường có thể xuất phát từ mục đích đầu tư, nâng tỷ lệ sở hữu tại DN. Nhưng việc mua nhằm “đỡ giá” cũng không phải là chuyện hiếm trên sàn chứng khoán.

Chi hàng trăm tỷ gom cổ phiếu

Do đó, dù đã nắm lượng CP lớn trong tay song nhiều ông chủ vẫn sẵn sàng bỏ ra hàng trăm tỷ đồng mua CP của DN mình.

Cụ thể, trong giai đoạn tháng 5 – 6, ông Nguyễn Quang Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) công ty Cổ phần Chế biến thực phẩm nông sản xuất khẩu Nam Định (NDF), đã đăng ký mua hai đợt với tổng khối lượng 300.000 CP, tương đương tỷ lệ 2,54% vốn điều lệ của công ty này.

Mới đây, ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank – mã: STB) công bố thông tin về giao dịch của cổ đông nội bộ. Cụ thể, ông Dương Công Minh sẽ chi hơn 220 tỷ đồng để đăng ký mua 18 triệu CP Sacombank.

Trong thông tin phát đi mới đây, công ty Cổ phần Tập đoàn FLC (mã: FLC) công bố, Chủ tịch HĐQT Trịnh Văn Quyết đã mua 11 triệu CP, nâng lượng sở hữu từ 144.187.150 CP (tỷ lệ 22,6%) lên 155.187.150 CP (tỷ lệ 24,32%), giao dịch thực hiện từ ngày 15/9/2017 đến ngày 13/10/2017. 

Công ty Cổ phần Transimex (TMS), thành viên HĐQT Bùi Minh Tuấn đăng ký mua 500.000 CP, giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 18/10/2017 đến ngày 16/11/2017. 

Tại công ty Cổ phần Đầu tư thương mại SMC, bà Nguyễn Ngọc Ý Nhi, thành viên HĐQT, đăng ký mua 200.000 CP, giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 19/10/2017 đến ngày 17/11/2017.

Trước đó, trên thị trường chứng khoán, giới đầu tư cũng chứng kiến rất nhiều vụ vào cuộc của đại gia đình các đại gia để mua gom CP, như trường hợp ngân hàng VIB, một người thân khác của Chủ tịch Đặng Khắc Vỹ là ông Đặng Quang Tuấn (con trai ông Vỹ) vừa đăng ký mua vào 28,1 triệu CP VIB, tương đương 4,98% vốn điều lệ, nhằm mục đích đầu tư. Với mức giá giao dịch 22.000 đồng/CP, dự kiến, ông Tuấn phải chi ra khoảng 620 tỷ đồng. 

Ngày 18/10, ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (mã: VPB) vừa công bố thông tin về giao dịch của người liên quan đến cổ đông nội bộ. Theo đó, bà Đỗ Quỳnh Ngân, vợ ông Nguyễn Đức Vinh – Tổng Giám đốc VPBank – đăng ký mua 10 triệu CP VPB. 

Thời gian giao dịch dự kiến từ ngày 19/10/2017 đến ngày 17/11/2017 bằng phương thức khớp lệnh và thỏa thuận. Nếu giao dịch thành công, bà Ngân sẽ nắm 0,67% vốn của VPBank. Với giá CP VPB trên sàn hiện hơn 41.000 đồng/CP, để sở hữu 10 triệu CP đăng ký, bà Ngân dự kiến sẽ phải bỏ ra không dưới 400 tỷ đồng.

Có thể kể thêm việc vợ Chủ tịch Thiên Nam chi hơn 30 tỷ đồng cho con gái chào mua công khai hơn 1,2 triệu CP; vợ chồng Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen (HSG) Lê Phước Vũ mua thêm CP để nâng tỷ lệ sở hữu lên trên 51% trong năm 2012…

Tác động tích cực đến thị trường

Động thái mạnh tay bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để gom CP đã tác động tích cực đến thị trường chứng khoán. Nhiều CP ngân hàng đã tăng mạnh, đồng thời khối lượng giao dịch tăng vọt.

Trong tháng 7/2017, CP NDF xu hướng giảm và chốt phiên giao dịch cuối tháng chỉ còn 11.000 đồng/CP. Nhưng trước thông tin Chủ tịch HĐQT và ủy viên HĐQT tiếp tục “gom” 670.000 CP, tương đương 8,53% cổ phần của công ty, thị giá NDF bắt đầu hồi trở lại, về mức 14.200 đồng/CP (chốt phiên ngày 16/8/2017).

VIB là ngân hàng đầu tiên lên sàn năm 2017 với giá khởi điểm 17.000 đồng/CP. Đến nay, giá CP này đã tăng lên hơn 21.000 đồng/CP. Tại VPBank, sau hơn hai tháng lên sàn, CP VPB đã chính thức vượt ngưỡng 41.000 đồng/CP và trở thành CP có thị giá cao nhất dòng ngân hàng.

Trước xu thế “ông chủ” đổ tiền vào CP, các chuyên gia trong ngành lý giải, ngành ngân hàng đã tích cực hơn, đã qua giai đoạn sóng gió, nên giờ đây, làn sóng đầu tư vào ngân hàng dường như đang hồi sinh trở lại.

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng việc lãnh đạo và người thân chi tiền khủng mua CP DN có nhiều nguyên nhân. Đó có thể đơn thuần với mục đích lợi nhuận trong đầu tư bởi vì họ nhìn thấy sự phát triển của DN trong thời gian tới. 

Bên cạnh đó, yếu tố gia tăng nắm giữ CP để trở thành cổ đông lớn, có vị trí nhất định tại DN là điều rất quan trọng với các chủ DN. 

“Dù với bất cứ lý do gì thì việc các chủ DN chi tiền khủng mua vào CP sẽ có tác động nhất định đến thị trường cả tích cực và tiêu cực. Bởi vì khi mua với số lượng lớn, một mặt sẽ giúp đẩy giá CP lên nhưng cũng không loại trừ hiện tượng làm giá”, ông Hiếu nói.

Từ đầu năm đến nay, có thể thấy CP ngân hàng liên tục thăng hoa, trong nhiều giai đoạn còn đóng vai trò dẫn dắt thị trường. Đây cũng là nhóm CP được các nhà đầu tư mong đợi nhất. 

Do đó, với tư cách là các cổ đông nội bộ của ngân hàng, không có lý do gì mà những “ông chủ” và người nhà bỏ lỡ cơ hội này.