Cổ đông trông cổ tức

Theo Báo Thanh Niên

Đã bước sang tháng cuối cùng của năm 2012 nhưng có nhiều doanh nghiệp vẫn chưa trả cổ tức năm 2011 và thậm chí năm 2010 cho cổ đông.

Cổ đông trông cổ tức
Cổ đông nhiều DN vẫn đang mòn mỏi chờ cổ tức của năm 2010 - 2011

Chiếm dụng tiền

Điệp khúc hoãn chi trả cổ tức đang xảy ra ngày càng nhiều. Không ít doanh nghiệp (DN) đến nay vẫn chưa trả cổ tức năm 2011 cho các cổ đông và còn xin lùi thời hạn sang năm 2013. Chẳng hạn như Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng và đô thị dầu khí (PTL) thông báo lùi thời hạn trả cổ tức bằng tiền mặt năm 2011 sang tận tháng 6/2013. Đây là lần thay đổi thứ 3 với cùng một lý do "một số khoản nợ khách hàng chuyển trả chưa về kịp tài khoản như cam kết nên chưa thu xếp được nguồn tiền để thanh toán cổ tức”.

Tương tự, các cổ đông của Công ty Cổ phần Công nghiệp khoáng sản Bình Thuận (KSA) cũng sẽ chỉ nhận được cổ tức năm 2011 vào năm 2013 thay vì vào cuối năm 2012 như thông báo trước đó. Lý do cũng là vì khách hàng chưa trả nợ. Hay Công ty Cổ phần Vật tư kỹ thuật nông nghiệp Cần Thơ (TSC) đã thông qua tỷ lệ chia cổ tức bằng tiền mặt năm 2011 là 15% nhưng đến nay vẫn chưa có thời điểm chi trả cụ thể.

Nản hơn cả là trường hợp các cổ đông của Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển du lịch Vinaconex (VCR) khi công ty này đã lùi thời gian trả cổ tức năm 2010 (1.500 đồng/CP) sang cuối tháng 3/2013 thay vì trả vào tháng 6/2012 vừa qua. Một số nhà đầu tư (NĐT) bức xúc cho rằng, hành động này chính là chiếm dụng vốn của cổ đông. Nếu sòng phẳng hơn, công ty phải tính lãi đối với số tiền cổ tức chậm chi trả như tiền vốn phải đi vay bên ngoài.

Phải có ràng buộc

Theo ông Nguyễn Hoàng Long. Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Âu Việt, tình hình thị trường ảm đạm đã khiến các NĐT thất vọng, những trường hợp kéo dài thời gian chi trả cổ tức của những năm trước càng khiến cho NĐT sụt giảm niềm tin vào DN đó. Hiện các văn bản pháp luật đều không có quy định cụ thể về thời gian chi trả cổ tức của DN niêm yết nói riêng hay công ty đại chúng nói chung. Do đó đây được xem là chuyện nội bộ của từng DN.

Vì vậy cổ đông nên ràng buộc trách nhiệm của DN bằng cách đưa vào nghị quyết đại hội cổ đông thường niên về thời gian cụ thể để chi trả cổ tức. Khi đó, cổ đông cũng sẽ có cơ sở pháp lý để khiếu nại khi cần thiết vì DN đã không thực hiện đúng theo nghị quyết. “Cổ đông có quyền lên tiếng đòi quyền  lợi của mình. Nếu không thì cũng không có ai bên ngoài can thiệp vào và khi đó càng chịu thiệt khi DN cố tình trì hoãn thời gian trả cổ tức”, ông Long nói.

Còn ông Phan Dũng Khánh, Trưởng phòng Phân tích đầu tư Công ty chứng khoán Maybank Kim Eng cho rằng, có thể cổ đông cũng sẽ thông cảm cho những DN đang gặp khó khăn về tiền mặt nên lùi thời gian trả cổ tức. Nhưng cũng không thể "ngâm" quá lâu. Bởi điều này không chỉ khiến cho uy tín của DN xuống thấp mà còn thể hiện công tác quản trị quá kém. Đây cũng là một trong những lý do khiến cho NĐT nản lòng, thị trường chứng khoán khó hồi phục. Bản thân các DN phải tập trung cải tổ lại bộ máy nhân sự cấp cao để nâng cấp công tác quản trị, từ đó hạn chế tình trạng “thất hứa” với cổ đông.

Tháng 11 vừa qua, Ủy ban Chứng khoán nhà nước và Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) đã công bố kết quả Thẻ điểm quản trị công ty (QTCT) 2012 cho các DN niêm yết sau khi khảo sát tại 100 DN niêm yết. Kết quả năm nay bình quân điểm số QTCT của các DN chỉ đạt 42,5%, thấp hơn hai đợt khảo sát trước đó. Không có DN  nào đạt kết quả tốt vì toàn bộ điểm số QTCT đều ở mức dưới 60%. DN có điểm số thấp nhất thậm chí chỉ đạt 17,4%.