Cơ hội vẫn còn lớn

Theo thoibaokinhdoanh.vn

(Tài chính) Cơ hội đầu tư tốt nhất chính là lúc thị trường chán nản nhất. Chiến lược tốt nhất là mua trong những phiên điều chỉnh mạnh các cổ phiếu tốt, với giá hời mà đám đông hoảng loạn bán ra.

Cơ hội vẫn còn lớn
Cơ hội đầu tư tốt nhất chính là lúc thị trường chán nản nhất. Nguồn: internet
"Nghèo thì lâu, giàu thì mau", câu nói trong dân gian đang đúng trên thị trường chứng khoán (TTCK). Sau khi đạt đỉnh hơn nghìn điểm cách đây nhiều năm, mua vào là thắng, giới đầu tư chứng khoán bước vào chu kỳ giảm điểm kỷ lục.

Chỉ số cũng trở về mức thấp nhất có khi chỉ VN-Index đáy cực thấp là hơn 300 điểm, còn sàn Hà Nội xuống sâu hơn 50% của vạch xuất phát, giờ mới lần mò về mức hơn 80 điểm.

Cuối năm ngoái, nhà đầu tư (NĐT) doanh nghiệp (DN), giới chuyên gia ai ai cũng dự đoán chứng khoán sẽ tăng. Mới 2 tháng đầu năm 2014, chứng khoán đã tăng tới gần 20%, vượt qua mọi dự báo của giới chuyên gia. Một số người vẫn còn ngỡ ngàng không thể tin nổi những nhận định của mình lại sai lệch khó có thể chấp nhận.

Thanh khoản lớn là chỉ báo tăng

Thực tế chứng minh, các chuyên gia rất giỏi phân tích chứng khoán của khu vực khi được các công ty chứng khoán (CTCK) mời về tổ chức hội thảo, dự báo thường không đúng ở TTCK Việt Nam.

Cho nên, có thời điểm CTCK nào cũng đua nhau tổ chức hội thảo, phân tích, nhân định, đánh giá, nhưng giới đầu tư càng bỏ tiền vào chứng khoán, càng thua lỗ, nên chẳng ai thèm nghe.

Giờ thị trường đang tăng trở lại, nhiều hội thảo để thu hút, lôi kéo NĐT bắt đầu được các CTCK triển khai rầm rộ, nhưng thông tin, dự đoán thị trường sẽ điều chỉnh, giảm. Tuy nhiên, dù tăng nóng suốt 2 tháng, nhưng thị trường thể hiện nội lực mới của mình là điều chỉnh trong phiên hoặc một vài phiên rồi bật tăng trở lại.

Người nào vừa bán xong lại vội vã mua vào sợ giá tăng tiếp, nên thanh khoản luôn ở mức cao. Mỗi phiên giao dịch vài nghìn tỷ đồng trở thành bình thường và khi dòng tiền đồng thuận đánh lên có lẽ những phiên 5.500 tỷ đồng, thậm chí là 7.000, hay 10.000 tỷ đồng diễn ra thì cũng chẳng có gì là đáng kinh ngạc.

Thanh khoản hiện tại của TTCK Việt Nam còn thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực và thấp hơn so với quy mô nền kinh tế chúng ta.

Trong một xu hướng giá tăng (uptrend), nếu khối lượng gia tăng một cách từ từ cùng với giá thì sẽ là sự hỗ trợ cho đà tăng trưởng. Một số phiên chốt lời một cách đột biến, với khối lượng lớn ở mức giá cao hơn vài chục phần trăm khi mua vào thì "lòng tham" của NĐT đã thỏa mãn và bán ra với số lượng lớn.

Điều này sẽ dẫn đến hành động chốt lời mạnh khiến cho thanh khoản đột ngột gia tăng. Nhiều dự báo đây sẽ là khởi đầu cho một chu kỳ điều chỉnh, nhưng nhiều nghìn tỷ tiếp tục quay lại thị trường nhằm đẩy giá tăng cao.

Hiện tại, giới đầu tư vẫn hy vọng về một sóng tăng giá tiếp theo của thị trường trong bối cảnh khối ngoại vẫn đang tiếp tục mua rất mạnh. Lịch sử trên TTCK có rất nhiều phiên tăng đột biến, sau đó là chu kỳ giảm điểm kéo dài, nhưng cũng có những giao đoạn giao dịch đột biến mà vẫn tăng giá như hiện tại.

Từ đầu năm 2014 đến nay, các phiên giao dịch vài nghìn tỷ trở nên bình thường như những phiên giao dịch vài trăm tỷ mua - bán khi thị trường đi xuống. Như vậy, thanh khoản thị trường là chỉ báo vô cùng quan trọng quyết định sự tăng hay giảm giá dài hạn của thị trường.

Hiện tại có những phiên, chỉ số VN-Index có lúc giảm, lúc tăng nhưng thanh khoản khá ổn định và vẫn tăng ở mức cao nhất từ khi thị trường được thiết lập. Tính thanh khoản cao sẽ đưa TTCK Việt Nam sang trang mới, được NĐT lớn của nước ngoài tiếp tục huy động, đổ tiền vào đầu tư.

Các chuyên gia thường lấy TTCK Thái Lan để so sánh, khi giao dịch mỗi phiên của họ lên tới mười mấy nghìn tỷ, gấp 4, 5 so với phiên đột biến của Việt Nam. Điều đó cho thấy thanh khoản của TTCK Việt Nam còn thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực.

Cơ hội vẫn còn lớn

Sự thật cho thấy, chỉ cần quyết định nới "room" được bung ra, sức hút dòng vốn ngoại, các quỹ đầu tư trên thế giới lại tiếp tục đổ vào Việt Nam tìm kiếm cơ hội để đầu tư. Hơn thế nữa, các DN lớn vài nghìn tỷ bắt đầu cổ phần hóa để lên sàn. Lúc ấy sẽ có nhiều phiên giao dịch vào nghìn tỷ xuất hiện giúp thị trường sôi động hơn. Xu hướng thị trường vẫn tiếp tục tăng, cổ phiếu sẽ vượt qua những vạch xuất phát, còn không thì bị loại khỏi cuộc chơi.

Trước đây, những mã giao dịch hàng chục triệu cổ phiếu/phiên được cho là lớn thì nay để đánh lên những cổ phiếu PVX ITA FLC SCR, VND… thì những phiên giao dịch hàng chục triệu diễn ra thường xuyên.

Hiện tại, các CTCK có vẻ như rất căng thẳng, mất phương hướng trong việc dự báo thị trường. Thị trường không phải cứ phân phối đỉnh là giảm như trước mà lại lấy đà bật tăng trở lại. Chỉ cần buổi sáng chốt lời, sang phiên chiều lại bật tăng trở lại nên rất khó dự báo.

Kinh tế Việt Nam lại đang có những tín hiệu lạc quan, như GDP tăng trưởng cao dần hàng quý, sức cầu cải thiện và hàng tồn kho giảm, chỉ số PMI cải thiện liên tục và vượt mức 50 điểm trong 5 tháng liên tiếp… Đây sẽ là năm TTCK thăng hoa với mức tăng trưởng tốt khi lãi suất giảm, kìm chế lạm phát thành công, gia nhập TPP. Thị trường sẽ tăng rất bền vững nhờ dòng tiền vào TTCK. Các chuyên gia CTCK MBS, đã tăng mức dự báo chỉ số VN-Index có thể đạt 655 điểm năm nay.

Trên TTCK, nếu so sánh với các nước trong khu vực, kỳ vọng tăng trưởng của thị trường không có nổi trội, tuy nhiên xét về giá, TTCK Việt Nam ở mặt bằng thấp, nhưng không phải là rẻ, bởi lợi suất yêu cầu từ TTCK Việt Nam cao hơn đáng kể so với các thị trường khác.

Thị trường cũng ghi nhận những chuyển biến tích cực trong quyết tâm giải quyết nợ xấu, phá băng thị trường bất động sản và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Những thông tin này đang tạo tâm lý hưng phấn với NĐT chứng khoán.

Cơ hội đầu tư tốt nhất chính là lúc thị trường chán nản nhất. Chiến lược tốt nhất là mua trong những phiên điều chỉnh mạnh các cổ phiếu tốt, với giá hời mà đám đông hoảng loạn bán ra. Sau đó nắm giữ để có thể nhân số tài sản của mình lên khi mọi dự báo là TTCK sẽ tiếp tục tăng.