Cổ phiếu chứng khoán: Bao giờ có “sóng”

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

Sau khoảng thời gian khá dài “án binh bất động”, nhóm cổ phiếu chứng khoán đã bắt đầu có sự chuyển biến tích cực. Nhưng, để khẳng định nhóm cổ phiếu này sẽ tạo thành sóng hay không thì cần phải có thời gian.

Thời gian qua, thị trường tăng điểm liên tục nhưng nhóm cổ phiếu chứng khoán vẫn “lặng sóng”.
Thời gian qua, thị trường tăng điểm liên tục nhưng nhóm cổ phiếu chứng khoán vẫn “lặng sóng”.

Nhóm cổ phiếu chứng khoán, nhất là hai cổ phiếu HCM và SSI, đã phục hồi khá tốt trong phiên giao dịch 21/6 sau khi giảm mạnh trong tuần qua. Bà Lê Nguyệt Ánh, Giám đốc phân tích, CTCK ACB (ACBS) cho biết, các cổ phiếu chứng khoán thường đóng vai trò tín hiệu của dòng tiền do khi thị trường phục hồi, hoạt động và lợi nhuận của các công ty chứng khoán cũng tốt lên.

Ngoài ra, thanh khoản cao và giao dịch dễ dàng cũng là nguyên nhân khiến nhà đầu tư ưa chuộng cổ phiếu chứng khoán. Tuy nhiên, với mức tăng và thanh khoản trong phiên hôm qua, các cổ phiếu này có vẻ vẫn chưa phải tâm điểm của dòng tiền.

Thông tin kết quả kinh doanh quý II đang là tâm điểm của thị trường trong ngắn hạn. Chính vì vậy, theo bà Ánh, bên cạnh cổ phiếu chứng khoán, nhóm cổ phiếu thép, dầu khí dự báo sẽ nhận được sự quan tâm của thị trường do kết quả kinh doanh được dự báo sẽ cải thiện nhờ giá hàng hóa phục hồi. Ngoài ra, nhóm cổ phiếu xây dựng, bất động sản, xi măng dự kiến cũng có kết quả kinh doanh rất tốt, nhưng vẫn ở mức giá hợp lý.

Với góc nhìn trung lập, ông Vũ Minh Đức, Phó giám đốc phân tích kỹ thuật, CTCK VPBank (VPBS) cho rằng, trong ngắn hạn, các cổ phiếu chứng khoán sẽ khó có sóng vì không có yếu tố nào hỗ trợ cho cả ngành này. Hơn nữa, do đặc thù kinh doanh, khách hàng và hiệu quả kinh doanh của các CTCK cũng khác nhau, dẫn đến định giá của nó cũng khác nhau. Tuy nhiên, theo ông Đức, nhóm cổ phiếu chứng khoán có thể có triển vọng tăng giá là những mã liên quan đến việc nới room lên 100% và có nhà đầu tư nước ngoài đã, đang và sẽ có thể quan tâm như HCM, SSI, VND…

Tuy nhiên, theo ông Dương Văn Chung, Giám đốc đầu tư, CTCK MB (MBS), nhóm cổ phiếu chứng khoán vẫn được kỳ vọng sẽ có sự “trỗi dậy” trong thời gian tới, đặc biệt là nếu VN-Index vượt qua mức 640 điểm.

“Trong gần 7 năm qua, thị trường vẫn chưa thể vượt qua mốc này, nhưng tôi vẫn bảo lưu quan điểm, VN-Index sẽ cán mốc 640 điểm ngay trong quý III. Và đây sẽ là cơ hội cho nhóm cổ phiếu chứng khoán tạo nên sự đột phá mới”, ông Chung nói và phân tích thêm, nhóm cổ phiếu ngành chứng khoán đã nằm im hơn 1 năm trở lại đây và đã có một thời gian dài tích lũy nên nếu đầu tư ngắn hạn, có thể tận dụng xu hướng này.

Cũng theo ông Chung, nhóm chứng khoán vốn là nhóm có sự phản ứng nhanh nhạy hơn nên sẽ kích hoạt được dòng tiền đầu cơ trong nước quen thuộc. Bên cạnh đó, những thông tin liên quan đến những tiện ích giao dịch mới như giảm thời gian thanh toán dự kiến sẽ được triển khai trong thời gian tới sẽ tăng thanh khoản cho thị trường và giúp cho triển vọng lợi nhuận của các công ty chứng khoán được cải thiện.

Nhìn nhận trong ngắn hạn, cổ phiếu ngành chứng khoán có thể chưa có sự bứt phá mạnh mẽ, nhưng theo ông Lê Đức Khánh, Giám đốc chiến lược, CTCK Maritime (MSI) nhóm cổ phiếu này sẽ có sự “bùng nổ” trong giai đoạn quý III, đặc biệt là cuối năm. Vì sao lại như vậy? Theo ông Khánh, do đặc tính của nhóm cổ phiếu chứng khoán đó là phản ứng khá nhạy với thị trường khi dòng tiền bùng nổ cũng như là việc thị trường chuyển sang trạng thái uptrend mạnh mẽ.

Hơn nữa, nhóm ngành chứng khoán cũng được kỳ vọng sẽ đạt được lợi nhuận tốt hơn trong năm nay, đặc biệt là quý cuối năm. Đặc biệt, nếu các công ty chứng khoán có chiến lược điều chỉnh cơ cấu vốn phù hợp hơn để có thể cải thiện mức sinh lời lên mức hấp dẫn hơn, khi đó sức hấp dẫn của nhóm cổ phiếu này sẽ tăng lên.

Cũng đã có câu hỏi đặt ra như, trong thời gian qua, thị trường đã tăng và rõ ràng ngành chứng khoán đáng ra phải được hưởng lợi nhiều nhất nhưng vẫn đứng im? Vậy cổ phiếu của ngành chứng khoán đang bị nhà đầu tư “lãng quên” hay chờ thời gian dài tích lũy để đột phá? Và cũng như nhiều nhóm ngành, sự phân hóa đối với nhóm ngành chứng khoán khá rõ nét, nên nếu có sóng ngành, thì cơ hội rất lớn đối với những CTCK có thị phần trong top đầu.