Cổ phiếu dầu khí trở lại thời hoàng kim

Theo vnexpress.net

(Tài chính) Công ty lãi lớn, giá xăng, gas tăng liên tiếp là yếu tố khiến cổ phiếu nhóm này lạc quan.

Cổ phiếu dầu khí trở lại thời hoàng kim
Thông tin giá xăng đột ngột tăng thêm 600 đồng một lít xuất hiện đúng vào thời điểm cuối năm khiến không ít người dân và các doanh nghiệp (DN) bức xúc. Ngược lại trên sàn chứng khoán, giới đầu tư - đặc biệt là những người đang nắm giữ các mã dầu khí lại xem đây là tin tốt ngày cuối năm.

Tính riêng 3 tháng qua, tăng trưởng giá cổ phiếu dầu khí đạt trên 40%, cao gấp 8 lần mức tăng của Vn-Index và gần 3 lần so với HNX-Index. Nổi bật nhất là cổ phiếu VIP của Công ty Cổ phần Vận tải xăng dầu VIPCO, đơn vị gần như được hưởng lợi trực tiếp từ giá xăng tăng khi đạt tốc độ tăng trưởng thị giá 61,7%.

Khởi đầu sóng đầu năm nay phải kể đến cổ phiếu GAS của Tổng Công ty khí Việt Nam. Lên sàn giữa năm 2012 với vị thế là DN niêm yết lớn nhất, GAS được giới đầu tư rất kỳ vọng. Dù vậy, diễn biến giá mã này lại không như nhiều người mong muốn khi khối lượng thấp, chỉ vài chục nghìn cổ phiếu và loanh quanh mức giá dưới 40.000 đồng.

Chỉ đến năm 2013, thị trường đón nhiều đợt sóng chứng khoán, GAS mới bắt đầu có thanh khoản lên đến hàng triệu cổ phiếu và trở thành tâm điểm trên sàn cùng các mã cơ bản khác như PVD, PET, DPM.

Tuy nhiên, dấu ấn đậm nhất về nhóm cổ phiếu dầu khí chỉ vừa bắt đầu 3 tháng gần đây, khi các blue-chip như GAS, PVD, PET, DPM chuyển sang đi ngang sau giai đoạn tăng giá. Đây cũng là thời điểm các cổ phiếu còn lại của dòng dầu khí đồng loạt tăng phi mã.

Nổi bật nhất là PVT của Tổng công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí khi giá tăng 67,5%, lên 12.900 đồng một cổ phiếu nhờ hàng loạt tin tức hỗ trợ như lợi nhuận tăng đột biến, được quỹ ETF chọn vào danh mục. Nếu tính chung cả năm 2013, cổ phiếu này cũng đã tăng đến 214,6% giá.

Trên sàn HNX, cổ phiếu PVG của Công ty Cổ phần Kinh doanh Khí hóa lỏng Miền Bắc cũng có mức tăng giá ấn tượng. Tính từ những phiên cuối tháng 11 đến nay, PVG lên hơn 46,5% giá, mức cao nhất là 14.500 đồng một cổ phiếu vào hôm 19/12.

Một trong các yếu tố khiến cổ phiếu dầu khí tăng trưởng mạnh như thời gian qua là do kết quả kinh doanh khả quan trong nhiều năm được phản ánh từ DN. Chẳng hạn Công ty Phân phối Khí thấp áp Dầu khí Việt Nam (Mã CK: PGD) kể từ khi thành lập có mức tăng trưởng doanh thu đều đặn trên 70% và lợi nhuận sau thuế gần 30 % hàng năm. 9 tháng đầu năm 2013, DN này đạt 4.787 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, vượt 57% kế hoạch cả năm.

Còn Tổng công ty Khí Việt Nam lãi sau thuế 9 tháng đầu năm hơn hơn 10.000 tỷ đồng, tăng gần 40% so với cùng kỳ năm trước và là một trong những DN thuộc top lãi nghìn tỷ năm nay. Đến ngày 30/9, công ty này vẫn còn hơn 8.500 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.

Một số DN khác như Tổng Công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (Mã CK: PVD), Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (Đạm Phú Mỹ, Mã CK: DPM), Tổng công ty cổ phần Vận tải Dầu khí (Mã CK: PVT), Công ty cổ phần Kinh doanh Khí hóa lỏng miền Nam (Mã CK: PGS) cũng đều là những đơn vị có doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng đều đặn hàng năm.

Kết quả kinh doanh quý III vừa qua tăng đột biến cũng là nguyên nhân hút dòng tiền lớn vào các cổ phiếu dầu khí. Hiện tại, hầu hết các DN trong lĩnh vực này đã hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm, thậm chí có đơn vị đạt mục tiêu lãi 2013 chỉ trong một quý.

Một yếu tố nữa phải kể đến là các thông tin thị trường xuất hiện thời gian qua cũng góp phần hỗ trợ đà tăng nhóm cổ phiếu dầu khí. Chẳng hạn giá xăng tiếp tục tăng gần 600 đồng hay tin giá gas tăng 80.000 đồng một bình đầu tháng 12 được xem là động lực mạnh khiến các cổ phiếu PGS, PVG, VIP lên giá.

Trong quá khứ, giai đoạn năm 2009-2010, nhóm cổ phiếu dầu khí từng có thời kỳ hoàng kim với hàng loạt mã tăng nóng như PVA, PVX, PVG, PGS. Khi đó, các nhà đầu tư thường đùa nhau cứ “mua cổ phiếu dầu khí là thắng” và không cần quan tâm đến yếu tố cơ bản của DN niêm yết. Tỷ lệ tăng giá các mã này đều từ vài chục cho đến vài trăm phần trăm.

Tuy nhiên, sau thời kỳ này, hầu hết giá mã dầu khí đều giảm mạnh và dần không còn là tâm điểm của thị trường, có cổ phiếu từng là trụ cột trên sàn cũng xuống giá dưới 10.000 đồng. Chẳng hạn như PVA rơi từ mức giá cao nhất 87.800 đồng về còn 2.200 đồng sau 5 năm, theo mức đã điều chỉnh các yếu tố gây pha loãng giá. Còn ông lớn PVX – vốn được coi là một trong những mã thanh khoản cao nhất sàn cũng lao dốc từ 31.300 đồng về 2.100 đồng một cổ phiếu.

Trao đổi với phóng viên, chuyên gia phân tích tại Công ty Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) đánh giá 2013 mà là năm tích cực đối với đa số cổ phiếu họ dầu khí. Trong khi các DN sản xuất khác còn gặp nhiều khó khăn, lĩnh vực dầu khí vẫn có lợi thế là ngành thiết yếu khiến kết quả kinh doanh tăng mạnh, dẫn đến tác động tích cực lên giá cổ phiếu, vị này chia sẻ.

Yếu tố đầu cơ chứng khoán từ các đội lái đối với nhóm cổ phiếu dầu khí, theo vị này, là chưa thể xác định rõ vì “dựa trên số liệu, chỉ số và lợi nhuận ngành thì những đơn vị này đúng là tốt hơn các công ty niêm yết lĩnh vực khác”. Dù số liệu công bố của các DN Việt Nam khó đảm bảo, chuyên gia phân tích tại Chứng khoán SHS cho rằng vẫn có thể tạm tin tưởng để tham khảo do các công ty được so sánh trên một mặt bằng chung và độ minh bạch chưa đạt chuẩn như nhau.

Trong dài hạn, vị này cho biết các cổ phiếu dầu khí vẫn có triển vọng tốt nhưng trong năm tới sức bật có thể chưa bằng các lĩnh vực khác. “Dòng tiền có thể sẽ tập trung vào cổ phiếu mang tính rủi ro cao như bất động sản hay tài chính-ngân hàng. Trong bối cảnh kinh tế đang hồi phục như hiện tại thì nhóm cổ phiếu này mới xuất hiện nhiều sức bật. Thời gian qua sóng bất động sản cũng xuất hiện nhiều và được phản ánh các thông tin vĩ mô tích cực. Còn các mã dầu khí có thể dành cho những nhà đầu tư thích ổn định, an toàn trong trung và dài hạn”, ông đánh giá.