Cổ phiếu dệt may bỏ lỡ TPP?

Theo saigondautu.com.vn

(Tài chính) Dệt may được kỳ vọng là ngành được hưởng lợi lớn nhất khi Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Thế nhưng, nhóm cổ phiếu dệt may đang niêm yết trên thị trường chứng khoán lại không có nhiều doanh nghiệp tận dụng được lợi thế này.

Các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã niêm yết hiện vẫn còn khiêm tốn. Nguồn: internet
Các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã niêm yết hiện vẫn còn khiêm tốn. Nguồn: internet

Cơ hội lớn

Năm 2013 khép lại với nhiều thành công đối với ngành dệt may với tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm đạt hơn 20 tỷ USD (tăng 18% và vượt xa mức kế hoạch 18 tỷ USD đặt ra vào đầu năm). Trong năm qua, hàng dệt may Việt Nam tăng trưởng tốt ở tất cả 4 thị trường nhập khẩu chính là Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc. Cụ thể, xuất khẩu dệt may sang thị trường Hoa Kỳ đạt 8,61 tỷ USD (tăng 14,3%), châu Âu đạt 2,72 tỷ USD (tăng 11,8%), Nhật Bản đạt 2,39 tỷ USD (tăng 20,3%) và Hàn Quốc đạt 1,67 tỷ USD (tăng 27,9%).

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), 4 tháng đầu năm xuất khẩu dệt may đạt 5,94 tỷ USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2013. Thống kê của VITAS, nhiều doanh nghiệp hiện đã có đủ hợp đồng xuất khẩu đến hết quý III-2014. Điều này loại bỏ những lo ngại về khả năng thiếu hụt đơn hàng trong năm nay.

Thực tế, ngành dệt may cũng đặt mục tiêu khá tham vọng cho năm 2014 với tổng giá trị xuất khẩu đạt 23,5-24,5 tỷ USD (tăng 17-22% so với 2013). Kế hoạch này cũng cho thấy triển vọng của các công ty trong ngành nhìn chung khá sáng sủa trong 2014.

Theo đó, Hoa Kỳ luôn là thị trường xuất khẩu chủ yếu của dệt may Việt Nam với tỷ trọng chiếm ổn định trên 40%. Bên cạnh đó, thị trường Nhật Bản đang được các doanh nghiệp dệt may tích cực khai thác trong các năm gần đây, tỷ trọng của thị trường này đã và đang tăng dần, hiện đã lên mức 12% trong năm 2013, gần ngang bằng với tỷ trọng hàng dệt may xuất sang khu vực châu Âu (13%).

Hoa Kỳ và Nhật Bản đều là những quốc gia chủ chốt tham gia đàm phán TPP, nên đây cũng sẽ là 2 thị trường lớn nhất của Việt Nam trong tương lai, đặc biệt sau khi TPP được ký kết thành công. Dự kiến sau khi TPP có hiệu lực, sẽ có đến hơn 90% mặt hàng dệt may xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, Nhật Bản (cũng như các nước ký kết TPP) được điều chỉnh thuế suất về mức 0% so với mức trung bình 17% hiện tại.

Điểm đáng lưu ý là Trung Quốc, nước đang chiếm thị phần xuất khẩu lớn nhất vào Hoa Kỳ, đến hiện tại chưa tham gia đàm phán TPP và ít có khả năng quốc gia này tham gia. Đây là lợi thế cạnh tranh đáng kể dành cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam.

Bỏ lỡ “miếng ngon”

Hiệp định TPP tạo cơ hội lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may Việt Nam nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức. Tính đến các vòng đàm phán hiện tại, Hoa Kỳ không có thay đổi trong quan điểm xác định “nguồn gốc hàng hóa”. Theo đó chỉ những hàng hóa tuân thủ nguyên tắc xuất xứ “yarn forward” (từ công đoạn tạo ra sợi trở đi) mới được hưởng mức thuế suất ưu đãi do TPP mang lại.

Trong khi đó, Việt Nam chỉ mới đáp ứng khoảng 50% nhu cầu nguyên liệu sợi trong nước, số còn lại nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc, Đài Loan và Hàn Quốc. Chỉ duy nhất có Hàn Quốc vừa lên tiếng xác nhận sẽ tham gia đàm phán TPP, trong khi Trung Quốc và Đài Loan hoàn toàn chưa có sự quan tâm đối với hiệp định này.

Chính vì vậy, khả năng mất phần TPP nếu doanh nghiệp dệt may Việt Nam không mau chóng gia tăng tỷ trọng nội địa hóa các công đoạn từ sợi trở đi. Các doanh nghiệp nội sẽ phải nhường “phần bánh ngon nhất” cho các doanh nghiệp FDI, vốn đang đổ bộ ồ ạt vào Việt Nam trong những năm qua để sản xuất các nguyên phụ liệu cũng như thành phẩm ngành dệt may nhằm đón đầu TPP.

Số liệu thống kê trong năm 2013 và những tháng đầu năm 2014 đều cho thấy phần lợi ích xuất khẩu nghiêng hẳn về phía nhóm doanh nghiệp dệt may FDI khi nhóm này chiếm đến hơn 60% tổng tỷ trọng giá trị hàng dệt may xuất khẩu.

Cơ hội là vậy, nhưng theo Công ty chứng khoán Maybank KimEng, số lượng cũng như quy mô các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã niêm yết hiện vẫn còn khiêm tốn và con số các công ty chưa niêm yết có thể tự chủ nguồn nguyên liệu trong sản xuất để có thể giành trọn vẹn lợi thế từ TPP mang lại.

Trong số các doanh nghiệp dệt may đang niêm yết, chỉ có Công ty cổ phần Dệt may Thành Công (TCM) và Công ty cổ phần Dệt may Huế (HDM) là đáp ứng được nguyên tắc xuất xứ hàng hóa “từ khâu sợi trở đi”.