Cổ phiếu được margin: Vừa thừa, vừa thiếu

Theo Đầu tư Chứng khoán

Nhiều công ty chứng khoán (CTCK) cho rằng, quyết định giảm tỷ lệ ký quỹ về 50% là đúng nhưng chưa đủ, bởi danh sách cổ phiếu được margin vẫn chưa khớp với nhu cầu thị trường.

Cổ phiếu được margin: Vừa thừa, vừa thiếu
Trong Top 20 cổ phiếu có khối lượng giao dịch lớn nhất toàn thị trường, có tới 8 cổ phiếu không được giao dịch ký quỹ
Cho phép cổ phiếu… không có nhu cầu

SD4, cổ phiếu nằm trong danh sách những mã được phép giao dịch ký quỹ. Nhưng tại nhiều CTCK, việc đưa SD4 vào danh mục được phép ký quỹ chỉ để… cho vui. Vốn điều lệ 103 tỷ đồng, với mức giá chỉ hơn 4.000 đồng, tổng giá trị vốn hóa của SD4 chỉ hơn 43 tỷ đồng. Lại thêm cổ đông nhà nước nắm giữ đến 62,14% vốn điều lệ, nên tổng giá trị thị trường cổ phiếu SD4 trong tay các nhà đầu tư (NĐT) chỉ chưa đến 17 tỷ đồng. Cộng thêm thanh khoản ở mức “khiêm tốn”, chưa đến 2.500 cổ phiếu/phiên tính bình quân 3 tháng gần đây, chẳng mấy CTCK mặn mà với việc cho khách hàng giao dịch ký quỹ SD4. Và có cho giao dịch ký quỹ cũng chẳng NĐT nào cần.

LM7, một cổ phiếu khác cũng niêm yết trên HNX, nằm trong danh sách được phép giao dịch ký quỹ. Nhưng với vốn điều lệ 50 tỷ đồng, năm 2012 LM7 chỉ ước lãi 2,557 tỷ đồng, tương đương mức thu nhập 500 đồng/cổ phiếu. Con số lợi nhuận này chẳng đủ hấp dẫn để phân biệt tốt xấu, lãi lỗ vì khoảng cách quá gần so với mức hòa vốn. Lợi nhuận không khác biệt, LM7 cũng chẳng có gì ấn tượng về thành tích giao dịch. Khối lượng giao dịch bình quân phiên tính trong 3 tháng nay của cổ phiếu này chỉ đạt 1.600 cổ phiếu, cho thấy NĐT không mặn mà với LM7! Mức giá hơn 3.000 đồng/cổ phiếu cũng khiến LM7 có quy mô vốn quá nhỏ để CTCK quan tâm. Hơn nữa, ở cái mức giá cổ phiếu như vậy, không ít NĐT cũng đặt câu hỏi hoài nghi về tương lai của Lilama 7 (đơn vị phát hành cổ phiếu LM7).

Cấm… cổ phiếu được quan tâm

PVX, cổ phiếu của doanh nghiệp (DN) có kết quả kinh doanh âm trong báo cáo tài chính bán niên năm 2012, và đương nhiên, không nằm trong danh sách được phép giao dịch ký quỹ. Nhưng, xét về mức độ được NĐT quan tâm, thì PVX lại thuộc hàng số 1. Bình quân giao dịch mỗi phiên lên tới 4,651 triệu cổ phiếu tính trong 3 tháng gần nhất, PVX đã cho thấy sức nóng của mình trên thị trường chứng khoán (TTCK).

Thống kê cho thấy, trong Top 20 cổ phiếu có khối lượng giao dịch lớn nhất toàn thị trường, có tới 8 cổ phiếu không được giao dịch ký quỹ với lý do bị lỗ hoặc có lỗ lũy kế (xem bảng, danh sách cổ phiếu bị bôi màu vàng). Điều này có nghĩa là, 40% số cổ phiếu mà NĐT quan tâm nhất thì không nằm trong danh sách được giao dịch ký quỹ, trong khi nhiều cổ phiếu thị trường không có nhu cầu giao dịch, thì lại được phép vay vốn để mua. Cấm cái thị trường cần và cho cái không ai muốn, vô tình lại là hiện trạng đang có trên TTCK Việt Nam .

Và hệ quả là gì? Hàng loạt CTCK đều có một mẫu số chung: số tiền khách hàng đang vay margin thấp hơn rất nhiều tổng số vốn CTCK sẵn sàng cung cấp margin. Tất nhiên, câu chuyện này không hoàn toàn do lỗi của việc không khớp giữa danh sách cổ phiếu được margin với nhu cầu của NĐT. Nó còn do tác động của các yếu tố khác, trong đó đáng kể nhất là NĐT chưa sẵn sàng quay trở lại với thị trường, chưa đặt cược vào sự tăng điểm bền vững. Nhưng sự lệch pha ấy đã khiến các CTCK không tối đa hóa khả năng phục vụ nhu cầu của khách hàng.

Hệ quả thứ hai, có lẽ đáng ngại hơn, chính là tình trạng lách các quy định pháp luật về margin đã và đang xảy ra. Nhiều CTCK cho biết, đối với những cổ phiếu có thanh khoản lớn, kết quả kinh doanh bị lỗ, nhưng nếu xét thấy DN không phải đối mặt với nguy cơ phá sản, họ vẫn cho khách hàng vay vốn để mua. Để phục vụ nhu cầu của NĐT, họ sử dụng biện pháp cho khách hàng ký cầm cố cổ phiếu, hoặc đẩy việc ký vay vốn với bên thứ 3 để tránh giới hạn margin. “Việc này khiến chi phí vay của NĐT cao hơn một chút và thủ tục chậm hơn, nhưng có cầu thì ắt có cung”, tổng giám đốc một CTCK cho hay.

Để xảy ra tình trạng này, mục đích minh bạch hóa của cơ quan quản lý khi cho phép CTCK cung cấp dịch vụ margin đã bị thui chột đi một phần.

Nên giao quyền tự chủ danh mục margin cho CTCK?

Một sự thật hiển nhiên là, khi DN vẫn báo lãi, nhưng giá cổ phiếu bị chiết khấu quá lớn so với giá trị sổ sách (được báo cáo), thì có nghĩa là, phía sau những con số được công khai ấy, có thể thị trường đã nhìn ra được câu chuyện khác. Và câu chuyện về những DN ngày hôm nay vẫn báo lãi lớn, ngày mai công bố thông tin lỗ đã không còn xa lạ. Thị trường tin vào báo cáo tài chính công bố của DN, nhưng không phải tất cả. Nhất là những trường hợp DN nằm giáp ranh giữa lãi và lỗ.

Trong khi đó, đối với nghiệp vụ cho vay giao dịch ký quỹ của CTCK, quan trọng nhất là việc thu hồi vốn. Để thu hồi vốn cho NĐT vay mua 1 cổ phiếu, việc lãi lỗ của DN phát hành chưa hẳn là yếu tố quan trọng. Thứ quyết định lớn nhất và đôi khi là tất cả, là thanh khoản của cổ phiếu ấy.

Điểm tích cực hơn trong quản trị rủi ro các CTCK là, đa số CTCK lớn hiện nay đã có nhiều bài học về quản trị rủi ro và đã xây dựng hệ thống quản lý tự động. Điều này sẽ khiến họ chủ động hơn trong việc thu hồi vốn cho khách hàng vay, đồng thời thận trọng hơn trong các quyết định giải ngân. Vấn đề quan trọng lúc này là, khi nào, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các Sở Giao dịch Chứng khoán giao quyền tự chủ lại cho các CTCK, để tránh tình trạng lệch pha, dẫn đến lách luật như hiện nay.

Cổ phiếu được margin: Vừa thừa, vừa thiếu - Ảnh 1

Ông Nguyễn Hoàng Giang, Tổng giám đốc CTCK VNDirect (VNDS)


Hiện nay, tổng giá trị cho vay NĐT của VNDS đã đạt mức xấp xỉ 500 tỷ đồng, cao hơn rất nhiều so với mức bình quân 3 tháng trước đây khoảng 300 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số này cũng nhỏ hơn rất nhiều so với năng lực tài chính mà VNDS có thể cung cấp cho khách hàng, lên tới 1.500 tỷ đồng.

Chúng tôi cho rằng, quy định của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về việc cho phép điều chỉnh tỷ lệ giao dịch ký quỹ 50:50 thay vì mức 40:60 như trước kia là rất hợp lý, nhưng có nhiều lý do khiến chúng tôi đã nhiều lần đề xuất Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở nên cho phép CTCK tự điều chỉnh danh mục cho phép giao dịch ký quỹ.

Trước hết, cho vay ký quỹ được lấy từ nguồn tiền của CTCK và CTCK phải chịu trách nhiệm về tài sản của họ. CTCK hiện nay đang bị giới hạn tỷ lệ vay nợ là 3 lần vốn chủ sở hữu. Điều này có nghĩa là, nguồn vốn CTCK cũng bị giới hạn so với trước (tối đa 6 lần). Khi nguồn lực bị giới hạn, CTCK sẽ phải tìm cách tối ưu hóa nguồn vốn và thận trọng hơn trong từng quyết định, quy mô rủi ro cũng bị giảm đi. Mọi điều CTCK đều dẫn đến một mục tiêu là sinh lợi và vì thế, đảm bảo an toàn cho đồng vốn mà mình bỏ ra là điều hết sức quan trọng, tự mỗi CTCK đều phải và đã ý thức được điều đó.

Thứ hai, như đối với CTCK VNDS, hiện nay chúng tôi đều thực hiện quản trị margin bằng hệ thống tự động, chứ không phải xử lý bằng tay nữa. Việc tự động hóa đã cho phép CTCK quản trị rủi ro tốt hơn, phản ứng kịp thời hơn với thị trường.

Yếu tố cuối cùng chính là nhu cầu NĐT. Hiện nay, NĐT dùng margin chủ yếu ngắn ngày, và họ thích vay vào những cổ phiếu thanh khoản tốt. Điều này cũng giúp CTCK dễ thu hồi vốn hơn, nhưng những cổ phiếu này đôi khi không nằm trong danh sách margin.