Cổ phiếu lệch pha kết quả kinh doanh

Theo Hoàng Hà/thoibaokinhdoanh.vn

Kết quả kinh doanh luôn được đánh giá tích cực và xếp hạng tín nhiệm của ngành ngân hàng ngày càng cao, nhưng diễn biến của cổ phiếu trên sàn lại không mấy khả quan.

Kết quả kinh doanh luôn được đánh giá tích cực và xếp hạng tín nhiệm của ngành ngân hàng ngày càng cao. Nguồn: Internet.
Kết quả kinh doanh luôn được đánh giá tích cực và xếp hạng tín nhiệm của ngành ngân hàng ngày càng cao. Nguồn: Internet.

Thống kê trong 6 tháng đầu năm có tới 14/17 ngân hàng đang niêm yết cổ phiếu trên hai sàn HoSE, HNX và đăng ký giao dịch cổ phiếu trên UPCoM chứng kiến sự sụt giảm thị giá chứng khoán.

Theo tìm hiểu của Thời báo Kinh Doanh, đang có sự lệch pha giữa “sức khỏe” của các nhà băng với giá cổ phiếu trên sàn.

“Sức khoẻ” tốt, cổ phiếu đi ngược

Thống kê cho thấy trong quý I/2019, mức tăng trưởng lợi nhuận toàn ngành ngân hàng đạt khoảng 11,8% so với cùng kỳ năm 2018.

Hiện nay, một số nhà băng đã bắt đầu công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm với những con số tăng trưởng hết sức ấn tượng.

Chẳng hạn, SCB ghi nhận lợi nhuận trước thuế 6 tháng đạt 93 tỷ đồng, trong đó, hoạt động kinh doanh nổi bật nhất là khoản thu nhập 290 tỷ đồng lãi thuần từ hoạt động kinh doanh chứng khoán và 503 tỷ đồng lãi thuần từ hoạt động dịch vụ, tăng trưởng 22% và 58%.

Cập nhật mới nhất của TPBank cũng cho thấy, kết thúc 6 tháng đầu năm 2019, tổng lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 1.620 tỷ đồng, tăng 596 tỷ đồng, tương đương hơn 1,5 lần so với cùng kỳ, đạt 50,6% kế hoạch ĐHĐCĐ đề ra.

Chưa có con số chính thức nhưng Vietcombank cũng đã công bố ước đạt lợi nhuận hơn 11.000 tỷ đồng, hoàn thành 54% kế hoạch cả năm 2019.

Một số ngân hàng khác như VIB, Techcombank, VPBank, Sacombank, MB, LienVietPostBank… cũng được dự báo sẽ đạt những con số lợi nhuận ấn tượng.

Tuy nhiên, dù kết quả kinh doanh sáng sủa nhưng dường như vẫn chưa củng cố được niềm tin của nhà đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng.

Thống kê trong 6 tháng đầu năm của 17 ngân hàng đang niêm yết cổ phiếu trên 2 sàn HoSE, HNX và đăng ký giao dịch cổ phiếu trên UPCoM, có tới 14 nhà băng chứng kiến sự sụt giảm thị giá chứng khoán.

Trong đó, mức sụt giảm lớn nhất là cổ phiếu TCB của Techcombank và LPB của LienVietPostBank, với mức giảm hơn 15% trong nửa đầu năm. Một số mã cổ phiếu của các ngân hàng khác trung bình khoảng giảm dưới 5%.

Đáng chú ý, mức sụt giảm thị giá cổ phiếu của Techcombank lại lệch pha với kết quả kinh doanh. Cụ thể, trong quý I/2019, lợi nhuận trước thuế của nhà băng này ở mức kỷ lục là 2.600 tỷ đồng.

Theo đánh giá của giới phân tích, cổ phiếu ngân hàng ngày càng có sự phân hóa rõ rệt. Trong khi cổ phiếu một số ngân hàng đang rớt giá thì một số cổ phiếu như VCB (Viecombank), EIB (Eximbank), MB (MB)… không ngừng tăng lên.

Co-phieu-lech-pha-ket-qua-kinh-8893-1339

Cổ phiếu ngân hàng không còn thực sự hấp dẫn nhà đầu tư như trước

Cơ hội đầu tư cổ phiếu vẫn còn

Chẳng hạn, VCB vẫn giữ vị trí cao nhất trong nhóm cổ phiếu ngân hàng, với giá 71.900 đồng/cp tính đến phiên ngày 10/7 và vẫn trong xu hướng tăng khá tốt. Trong khi đó, mã EIB là cổ phiếu tăng mạnh nhất trong 6 tháng đầu năm với mức tăng 33,6%.

Dù thị giá cổ phiếu ngân hàng giảm trong thời gian qua, tuy nhiên giới đầu tư đánh giá cơ hội đầu tư đối với nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn có nếu nhà đầu tư chọn được cổ phiếu tốt.

Cổ phiếu ngành ngân hàng sẽ phù hợp với trường phái đầu tư giá trị với những kế hoạch và kỳ vọng trung, dài hạn thay vì đầu cơ, lướt sóng kiếm lời trong ngắn hạn.

Báo cáo “Ngành Ngân hàng – Triển vọng ổn định khi chính sách thắt chặt tiền tệ” do Khối Phân tích VNDIRECT vừa phát hành đã đưa ra những khuyến nghị cho các nhà đầu tư khi tìm hiểu về cổ phiếu ngân hàng.

VNDIRECT khuyến nghị mua cho MB với giá mục tiêu: 34.000 đồng và ACB với giá mục tiêu: 39.500 đồng.

Theo phân tích của VNDIRECT, MB đang tích cực mở rộng cho vay bán lẻ và tài chính tiêu dùng, nhờ đó tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) sẽ cải thiện.

Nhóm chuyên gia của VNDIRECT dự báo MB sẽ đạt mức tăng trưởng thu nhập phí cao nhờ vào việc số hóa, phân phối bảo hiểm (bancassurance) và bán chéo sản phẩm thông qua mạng lưới của đối tác.

Trong khi đó, ACB có tập khách hàng bán lẻ lớn và kinh nghiệm dày dạn trong lĩnh vực bán lẻ. Gần đây, ACB đã đưa ra nhiều sản phẩm mới để mở rộng tập khách hàng như một phần trong chiến lược tăng thu nhập phí.

Dù TCB đang giảm giá, nhưng nhóm phân tích VNDIREC vẫn đưa ra khuyến nghị lần đầu cho cổ phiếu này do Techcombank có mô hình kinh doanh theo hệ sinh thái độc đáo, giúp giảm rủi ro tín dụng, tăng cường bán chéo sản phẩm và cho phép xây dựng nguồn thu nhập ngoài lãi cao và đa dạng nhất trong các ngân hàng Việt Nam. Theo đó, VNDIREC khuyến nghị mua TCB với giá mục tiêu 27.400 đồng.

Đối với VCB, nhóm phân tích hạ khuyến nghị từ mua sang nắm giữ, với giá mục tiêu 73.800 đồng, vì giá cổ phiếu đã gần đạt giá mục tiêu của VNDIRECT nhưng dự báo và giá mục tiêu của VNDIRECT không thay đổi.

Theo chuyên gia VNDIRECT, chu kỳ tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng Việt Nam đã đạt đỉnh trong năm 2017 – 2018 và ngành ngân hàng đã chuyển sang giai đoạn tăng trưởng ổn định.

Do đó, nhà đầu tư nên mua cổ phiếu của các nhà băng có vị thế tốt hơn để mở rộng mảng cho vay bán lẻ và thu nhập ngoài lãi trong khi định giá hấp dẫn hơn so với các ngân hàng trong khu vực.