Cổ phiếu ngân hàng khởi sắc

Theo Lâm Anh/thoibaonganhang.vn

Với sự tích cực của nền kinh tế, việc định giá cổ phiếu ngân hàng (NH) cũng được nâng lên một mức mới.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tổng thu nhập hoạt động của 13 NH niêm yết đạt 83,4 ngàn tỷ đồng (tăng 29% so với cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế tương ứng là 17,6 ngàn tỷ đồng (tăng 25% so với cùng kỳ).

Theo CTCK Rồng Việt, sự khởi sắc này có sự hỗ trợ không nhỏ của chính sách tiền tệ. Mặc dù năm 2017, quy định điều chỉnh tỷ lệ sử dụng vốn huy động ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ mức 60% về mức 50% và NHNN tiếp tục cho phép tỷ lệ này ở mức 45% trong năm 2018 thay vì 40% như kế hoạch ban đầu. Bên cạnh đó, lãi suất ổn định ở mặt bằng thấp nhờ lạm phát thấp và nguồn tiền gửi từ Kho bạc Nhà nước đã giúp chi phí vốn tăng không nhiều, qua đó giúp thu nhập lãi tăng trưởng mạnh. Giới chuyên môn dự báo xu hướng này vẫn được duy trì trong nửa cuối năm 2017 và nửa đầu năm 2018.

Với sự tích cực của nền kinh tế, việc định giá cổ phiếu NH cũng được nâng lên một mức mới. Chẳng hạn như từ đầu năm đến nay, các tổ chức xếp hạng tín dụng, Fitch, S&P và Moody’s nâng xếp hạng tín nhiệm các NH. Môi trường vĩ mô thuận lợi cũng giúp các NH đạt tăng trưởng lợi nhuận cao, với tăng trưởng lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2017 toàn ngành đạt 39% so với cùng kỳ và ROE tăng mạnh lên 7,5% (năm 2016 đạt 5,7%), trong đó nhóm NHTM Nhà nước và NHTMCP có ROE cải thiện nhiều nhất.

Thực tế, tiến độ thu hồi nợ xấu kỳ vọng được đẩy nhanh với sự ra đời của Nghị quyết 42. Nhờ vậy, định giá ngành NH tăng trở lại, với P/B bình quân của các NH niêm yết tăng lên mức 2,1 lần từ mức 1,7 lần vào đầu năm. Loại trừ tác động của VCB (Vietcombank), mức P/B bình quân của các NH niêm yết là 1,7 lần, cao hơn P/B bình quân của các NH khu vực có cùng quy mô vốn hóa khoảng 20%.

Theo số liệu phân tích thì nhóm NHTM Nhà nước với hoạt động tăng vốn, cùng kết quả kinh doanh khả quan, có thể sẽ tiếp tục diễn biến tích cực trong năm 2018. Trong đó, cổ phiếu CTG (VietinBank) đang có định giá hấp dẫn nhất. CTG đã khá quyết liệt thực hiện tái cấu trúc mô hình hoạt động từ năm 2014 và tăng cường trích lập dự phòng rủi ro trái phiếu đặc biệt trong năm 2017.

Tuy nhiên, xét về giá trị cổ phiếu, hiện nay, VCB lại thể hiện khá tốt vai trò đầu ngành. Lợi nhuận sau thuế của NH này dự báo đạt trên 20% trong giai đoạn 2017-2019 và việc xử lý nợ xấu được củng cố. Cộng hưởng với thông tin bán vốn, việc thoái vốn các TCTD không chỉ giúp VCB tăng vốn cấp 1 mà còn mang lại lợi nhuận đột biến cho VCB trong năm 2018. Do đó, thị trường rất có thể sẽ tiếp tục phản ứng tích cực với VCB. Chỉ số P/B của VCB thời điểm lạc quan nhất là 3,5 lần và 2,7 lần là mức P/B bình quân trong ba năm gần đây của VCB.

Cũng nằm trong khối NHTM Nhà nước nhưng BIDV (BID) đang bị xem là ít lạc quan hơn. Theo đó, dự báo NH này sẽ đi chậm hơn so với các NH cùng nhóm do gánh nặng nợ xấu lớn, chi phí hoạt động có thể sẽ tăng mạnh trở lại trong các năm sau. Tuy nhiên, việc tìm kiếm đối tác chiến lược thành công cũng như tính hiệu quả của Nghị quyết 42 sẽ là chìa khóa quan trọng đối với hoạt động cũng như khả năng tăng trưởng lợi nhuận của BIDV. Do đó, nhà đầu tư cần cân nhắc giữa kỳ vọng tăng giá cổ phiếu và rủi ro của các vấn đề trên khi đầu tư BID. P/B của BID từng có thời điểm đạt 2,7 lần trong quá khứ và mức P/B bình quân trong ba năm gần đây của NH là 1,3 lần.

So với các NHTM Nhà nước,  nhóm NHTMCP tham gia thí điểm Basel II không chịu nhiều áp lực tăng vốn. Trả cổ tức bằng cổ phiếu đang là phương án được các NH này thực hiện. Các nhà chuyên môn đang có cái nhìn tích cực đối với ACB và MBB (Quân đội), với lợi nhuận cả hai NH dự báo tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm 2018. Trong đó, ACB được đánh giá tốt hơn vì chất lượng tài sản của NH liên tục được củng cố và sự kiên định với chiến lược kinh doanh cốt lõi mà NH có nhiều kinh nghiệm. Cụ thể, năm 2017 đánh dấu chương mới trong hoạt động của ACB khi NH gần như xử lý xong gánh nặng với các khoản tồn đọng phát sinh từ năm 2012 và trích lập xong dự phòng rủi ro trái phiếu đặc biệt. Thu nhập tăng trưởng mạnh trong năm 2017 cho phép ACB tăng cường trích lập dự phòng rủi ro các khoản nợ xấu nội bảng, qua đó củng cố chất lượng tài sản. Ngoài ra, với phần lớn giá trị tài sản đảm bảo các khoản nợ xấu tồn đọng cũ là cổ phiếu, sự khởi sắc của TTCK là cơ hội tốt để ACB thu hồi nợ.

Ngược lại MBB giải bài toán tăng trưởng thông qua việc mở rộng sang các mảng kinh doanh mới có tính rủi ro cao hơn, vốn cần thêm nhiều thời gian để đánh giá hiệu quả. Do vậy, giới phân tích giữ quan điểm thận trọng đối với khả năng tăng trưởng lợi nhuận mà vẫn đảm bảo chất lượng tài sản trong dài hạn của NH.