Cổ phiếu ngân hàng: Kỳ vọng bứt phá

Theo baocongthuong.com.vn

Thị trường chứng khoán từ đầu tháng 3 đến nay đã có sự bứt phá đáng kể, vượt đỉnh 720 điểm vào ngày giao dịch cuối cùng của tuần trước. Cùng với các mã chứng khoán trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản, sản xuất thực phẩm, cổ phiếu ngân hàng đang trở thành hàng "hot" trên thị trường.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Sau một thời gian dài "thất sủng", cổ phiếu ngân hàng đã lấy lại niềm tin của các nhà đầu tư. Đều đặn trong thời gian qua, các mã cổ phiếu như CTG, VCB, SHB, ACB, BID,MBB… đều có những phiên tăng đáng kể về giá trị và khối lượng giao dịch. Có những phiên giao dịch, cổ phiếu ngân hàng luôn ở thế dẫn dắt thị trường. 

Mức tăng của cổ phiếu ngân hàng không nóng như thời kỳ hoàng kim vài năm trước mà khá ổn định, chắc chắn, thể hiện niềm tin của nhà đầu tư với kết quả kinh doanh của các nhà băng. Đơn cử như tại phiên giao dịch cuối tuần trước, ngày 24/3, SHB đã tăng 7,7% trị giá với 18,8 triệu đơn vị được khớp; ACB tăng 3,2% với lượng giao dịch 5,95 triệu đơn vị; BID tăng 1,43% với 5,85 triệu đơn vị được khớp; MBB tăng 1,62% với 1,6 triệu đơn vị được khớp; VCB và CTG cũng có mức tăng trên dưới 1%.

Theo bà Nguyễn Thu Hà – Chuyên viên phân tích Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) - nguyên nhân của sức hấp dẫn nhóm cổ phiếu ngân hàng đối với các nhà đầu tư là từ đầu năm đến nay có nhiều chính sách hỗ trợ thuận lợi cho ngân hàng như Quyết định số 2509/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước về nâng tỷ lệ cho vay trên tổng tiền gửi (LDR) từ 80% lên 90% đối với nhóm 3 ngân hàng thương mại cổ phần do nhà nước nắm quyền chi phối; thời hạn áp dụng Basel II lùi lại đến năm 2020; chính phủ đề cập đến vấn đề nới room cho nhà đầu tư ngoại…

Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh năm 2016 và quý I/2017 của các ngân hàng khá khả quan với mức tăng tín dụng quý I/2017 ước đạt 2%... cũng là những yếu tố để nhà đầu tư kỳ vọng. 

Báo cáo phân tích của Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) vừa công bố đã đưa ra các nhận định cụ thể về từng mã cổ phiếu ngân hàng. Theo đó, VCB (Vietcombank) với vị thế lớn trong ngành và chất lượng tài sản luôn được bảo đảm thì cơ hội tăng trưởng dành cho ngân hàng này vẫn đang rộng mở. CTG (VietinBank) được đánh giá cao ở thị phần tín dụng và huy động cao; CTG cũng đang chủ động đầu tư phát triển phân khúc ngân hàng bán lẻ…, đây là những điểm cộng hấp dẫn của cổ phiếu này đối với nhà đầu tư. 

Điều đáng nói là cổ phiếu ngân hàng không chỉ hấp dẫn nhà đầu tư trong nước mà còn được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Trong các phiên giao dịch tăng điểm vừa qua có một phần không nhỏ nguồn vốn của nhà đầu tư nước ngoài đổ vào cổ phiếu ngân hàng.

Bà Nguyễn Thu Hà cho rằng, những thông tin về xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng nói chung và các ngân hàng niêm yết nói riêng đã khá minh bạch và rõ ràng, giúp nhà đầu tư có cái nhìn cụ thể và đánh giá chính xác hơn trước khi bỏ tiền mua cổ phiếu.

"Theo tính toán của BVSC, trường hợp kịch bản tăng trưởng tín dụng ở mức trung bình thì lợi nhuận của các ngân hàng đang niêm yết cũng tăng khoảng 16,5%. Còn nếu tăng trưởng tín dụng tốt thì lợi nhuận các ngân hàng này có thể lên tới khoảng 19%. Đây là yếu tố thu hút quan tâm của nhà đầu tư trong và ngoài nước đối với các cổ phiếu ngân hàng, nhất là các ngân hàng top đầu"- bà Hà chia sẻ.

Để tăng sức hút của cổ phiếu ngân hàng đang niêm yết nói riêng, tăng cường phát triển lành mạnh của toàn hệ thống nói chung, nhằm tạo động lực cho những cổ phiếu ngân hàng sắp lên sàn, các chuyên gia trong lĩnh vực chứng khoán cho rằng, cần có những chính sách cụ thể hơn trong việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, xử lý nợ xấu. Đồng thời, các ngân hàng phải bảo đảm kế hoạch tăng vốn của mình theo đúng lộ trình.

Theo kế hoạch năm 2017, một số ngân hàng dự kiến sẽ lên sàn như VPBank, Techcombank, KienLongBank, VIB… Các chuyên gia phân tích chứng khoán đánh giá, việc lên sàn của một số ngân hàng thương mại cổ phần lớn sẽ có nhiều thuận lợi. Đồng thời giúp cho ngành "xương sống" của nền kinh tế minh bạch hơn.