Cổ phiếu quá rẻ, cơ hội cho ai?

Theo Nam Minh/thoibaonganhang.vn

Thị trường có thể còn khó đoán định nhưng việc suy giảm gần 30% chỉ trong 3 tháng qua cho thấy trong một chừng mực nào đó, VN-Index đang ở khá gần mức đáy.

VN-Index đang ở khá gần mức đáy. Nguồn: internet
VN-Index đang ở khá gần mức đáy. Nguồn: internet

Do ảnh hưởng bởi Covid-19, khá nhiều cổ phiếu có chất lượng tốt bất chợt giảm giá đến bất ngờ chỉ trong 3 tháng qua. Đơn cử như mã FPT giảm từ 61.000 đồng xuống còn 44.000 đồng/cổ phiếu (tương đương với mức giảm 27%), mã CTD của xây dựng Coteccons giảm hơn một nửa xuống còn 52.300 đồng/cổ phiếu, mã HBC của Tập đoàn xây dựng Hòa Bình thậm chí còn rớt xuống dưới mệnh giá quanh quẩn 7.000 đồng/cổ phiếu, mã HPG của Tập đoàn Hòa Phát giảm hơn 40% xuống chỉ còn 16.800 đồng/cổ phiếu. Ngôi sao hàng đầu trên thị trường bán lẻ: MWG của Công ty cổ phần Thế giới Di động giảm một mạch từ 130.000 đồng xuống chỉ còn 63.000 đồng/cổ phiếu.

Tình cảnh tương tự cũng diễn ra trên một số mã bất động sản có chất lượng tài sản tốt, nợ thấp như KDH, NLG... khiến cho nhiều người thẫn thờ. Trong bối cảnh thị trường chứng khoán đã bước vào giai đoạn con gấu, việc giảm giá của hàng loạt các cổ phiếu lớn tuy bất ngờ nhưng là xu thế khó tránh khỏi.

Nhưng đối với những nhà đầu tư có tầm nhìn trung và dài hạn, thời điểm hiện nay lại mang đến cơ hội tốt để gia tăng tỷ lệ sở hữu. Đơn cử, ông Nguyễn Xuân Quang - Chủ tịch bất động sản Nam Long đã đăng ký mua thêm 5 triệu cổ phiếu NLG, quỹ đầu tư Pyn Elite tiếp tục tăng mua và nâng tỷ lệ sở hữu tại Nam Long lên 6,01%.

Tại Công ty cổ phần Thế giới Di động, ông Trần Kinh Doanh - Tổng giám đốc công ty này đăng ký mua thêm 720.000 cổ phiếu, dự định nâng số lượng nắm giữ lên 4,7 triệu cổ phiếu, tương đương 1% vốn; trong khi Chủ tịch HĐQT Thế giới Di động Nguyễn Đức Tài đăng ký mua thêm 500.000 cổ phiếu để nâng tỷ lệ sở hữu lên 2,7%. “Trong ngắn hạn dịch Covid - 19 sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của Thế giới Di động trong quý II và III. Tuy nhiên, triển vọng dài hạn của doanh nghiệp vẫn tươi sáng. Kết quả kinh doanh kỳ vọng sẽ hồi phục lại trong quý IV năm nay và trở lại đà tăng trưởng mạnh trong năm 2021”, Công ty chứng khoán Agribank nhận định.

Tại Vinamilk, nhà đầu tư F&N Dairy Investments Pte. Ltd vừa thông báo đã mua thêm gần 6 triệu cổ phiếu VNM. Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của quỹ ngoại này đã được nâng lên mức 17,65% và là cổ đông lớn thứ hai sau Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước tại một trong những thương hiệu thực phẩm lớn nhất Việt Nam.

Hàng không tê liệt khiến cho cổ phiếu VJC của Vietjet Air liên lục mất giá nhưng trong dài hạn, tình thế có thể đảo ngược. Theo các nhà phân tích thuộc Công ty chứng khoán KBS, VJC sẽ được hưởng lợi trong dài hạn nhờ sự xuất hiện của sân bay Long Thành giúp tăng thêm số chuyến bay có điểm đến hoặc đi từ khu vực phía Nam. Hãng vẫn duy trì lợi thế cạnh tranh của mình trong mảng hàng không giá rẻ. Bên cạnh đó, mảng quốc tế với biên lợi nhuận và doanh thu phụ trợ cao hơn sẽ giúp VJC duy trì được tốc độ tăng trưởng trong những năm tới.

Thị trường có thể còn khó đoán định nhưng việc suy giảm gần 30% chỉ trong 3 tháng qua cho thấy trong một chừng mực nào đó, VN-Index đang ở khá gần mức đáy. Đối với các nhà đầu tư tham lam, một chút cẩn trọng là điều cần thiết vào thời điểm nhạy cảm này. Để hạn chế rủi ro, họ có thể giải ngân từng bước vào nhóm các cổ phiếu có nền tảng ổn định, dòng tiền kinh doanh dương và nhất là có tỷ trọng nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu thấp.

Theo Công ty chứng khoán KIS Vietnam, thị trường vẫn có cơ hội dài hạn trong nhiều lĩnh vực có tiềm năng tăng tốc sau đại dịch như bất động sản, vật liệu xây dựng, công nghệ thông tin, tiêu dùng thiết yếu. Về mặt tăng trưởng kinh tế, Việt Nam sẽ quay lại mức đỉnh trước dịch trong nửa cuối năm nay do tiêu dùng nội địa, dòng vốn FDI và thương mại quốc tế sẽ sớm quay trở lại. “Giả định bức tranh kinh tế tốt hơn trong nửa cuối, chúng tôi cho rằng thị trường chứng khoán đang mang lại nhiều cơ hội giá trị cho nhà đầu tư”, KIS Vietnam nhận định.