Cổ phiếu vận tải biển: Coi chừng "án" kiểm soát!

Theo doanhnhansaigon.vn

(Tài chính) Một số cổ phiếu vận tải biển đang trong diện cảnh báo (lỗ trong năm 2012) mặc dù đã tăng giá rất mạnh nhưng vẫn không thể khỏa lấp một rủi ro: chỉ cần tiếp tục thua lỗ sẽ rơi vào diện bị kiểm soát và khi đó sẽ chỉ được giao dịch trong 15 phút cuối phiên.

Cổ phiếu vận tải biển: Coi chừng "án" kiểm soát!
Nhìn vào diễn biến giá cổ phiếu vận tải biển từ đầu tháng 12 đến nay, có thể thấy một sự "đuối nhẹ” khi các mã hầu như đi ngang hoặc giảm giá. Nguồn: internet
Làm sao để bù lỗ?  

Cổ phiếu VOS của Vosco, một trong những ông lớn của ngành vận tải biển, đã tăng từ hơn 2.500 đồng/CP lên hơn 5.000 đồng. VOS hiện đang nằm trong diện cảnh báo do thua lỗ trong năm 2012. Mặc dù quý III/2013, Công ty đã có lãi trước thuế hơn 29 tỷ đồng (cùng kỳ 2012 lỗ hơn 25 tỷ đồng), nhưng lũy kế 9 tháng đầu năm 2013, VOS vẫn còn lỗ gần 166 tỷ đồng.

Như vậy, trong quý cuối cùng của năm nay, VOS sẽ phải đạt lợi nhuận từ 166 tỷ đồng trở lên thì mới có thể hòa vốn hoặc lãi. Nhưng rõ ràng 166 tỷ đồng, lớn gấp 5 lần lợi nhuận đạt được trong quý III, quả là một con số đầy cam go.

Chín tháng đầu năm 2013, Vitranschart (VST) đã lỗ gần 172 tỷ đồng. Điểm cải thiện của VST trong quý III là đã... lỗ (gần 24 tỷ đồng) ít hơn cùng kỳ năm 2012 (hơn 52 tỷ đồng). Cũng phải nói thêm là trong quý III vừa rồi, VST đã thu được khoản lợi nhuận khác trị giá hơn 16 tỷ đồng nhờ bán tàu VTC Light.

Việc bán tàu không phải lúc nào cũng có thể thực hiện, trong khi ngành vận tải biển dù có những nét tích cực cũng không thể xoay chiều 180 độ từ khó khăn sang thuận lợi. Vậy nên, khả năng VST có thể san bằng thua lỗ của 3 quý đầu năm trong 1 quý cuối năm là cực kỳ khó khăn.

Hồi đầu năm nay, giá trị sổ sách (BV) của VNA (Vinaship) còn ở mức gần 16.000 đồng/CP, nhưng đến 30/9/2013, BV của VNA chỉ còn lại gần 12.000 đồng/CP. Nguyên nhân là vì sau 9 tháng đầu năm 2013, VNA đã lỗ thêm 86 tỷ đồng, bào mòn vốn chủ sở hữu và tất nhiên là BV cũng giảm theo.

Thời gian qua, VNA cũng đã tăng từ 2.500 đồng/CP lên 4.000 đồng. So với BV khoảng 12.000 đồng thì 4.000 đồng/CP vẫn rẻ hơn 66%, nhưng yếu tố "rẻ” cũng rất vô chừng.

Trong trường hợp quý IV, Công ty cải thiện được kết quả kinh doanh (3 quý đầu năm 2013 Công ty đã lỗ hơn 86 tỷ đồng) thì cổ phiếu còn duy trì được kỳ vọng về khả năng vượt khó, yếu tố rẻ vẫn còn đó. Nhưng nếu vẫn tiếp tục thua lỗ, làm ăn bết bát thì sẽ khó lòng xem VNA là rẻ. Mua một cổ phiếu rẻ, nhưng BV cứ giảm dần dần, thì sẽ... hết rẻ.

Cổ phiếu TJC của Công ty Cổ phần Dịch vụ Vận tải và Thương mại cũng đã tăng gấp đôi từ 2.500 đồng/CP lên 5.000 đồng sau hơn 2 tháng. Lãi lũy kế năm 2013 của TJC tính đến thời điểm 30/9/2013 vẫn là số dương nhưng cũng chỉ vỏn vẹn 373 tỷ đồng lãi ròng.

Khoản lợi nhuận của TJC đạt được là không lớn nên chỉ cần sơ sẩy hoặc gặp phải một rủi ro nào đó là khả năng công ty có thêm một năm 2013 thua lỗ vẫn có thể xảy ra.

Gần xa tùy... thị trường

Thử đặt giả thiết nếu trong số những cổ phiếu kể trên (đang nằm trong diện cảnh báo) có thêm một năm 2013 thua lỗ và phải rơi vào diện kiểm soát thì kịch bản sẽ như thế nào? Từ nửa cuối tháng 1/2014 trở đi, các doanh nghiệp niêm yết sẽ công bố báo cáo tài chính quý IV/2013.

Nếu kết quả chính xác, thì tất nhiên là kịch bản báo cáo tài chính đã qua kiểm toán cũng sẽ cho kết quả thua lỗ sẽ hiển hiện và có thể nhà đầu tư sẽ bắt đầu hành động từ đây. Có thể cổ phiếu sẽ bị bán tháo, giá giảm trở lại, chẳng ai muốn giữ một cổ phiếu khi biết rằng sắp bị rơi vào diện kiểm soát, bị giao dịch hạn chế.

Cũng có thể xuất hiện một kịch bản có lẽ là tích cực nhất, đó là khả năng các công ty sẽ có quý IV với nhiều bước tiến ngoạn mục trong hoạt động kinh doanh và kết thúc năm 2013 với báo cáo tài chính có lãi hoặc hòa vốn. Điều này cũng có thể xảy ra, nhưng xem chừng hơi khó.

Một kịch bản khác có phần hơi mạo hiểm, nhưng cũng thực tế hơn, đó là chừng nào có báo cáo tài chính quý IV, hoặc tới khi báo cáo tài chính kiểm toán 2013 được công bố, gần 4 tháng nữa thì mới tính, còn bây giờ cổ phiếu tăng là chuyện của... thị trường.

Nhưng nhìn vào diễn biến giá cổ phiếu vận tải biển từ đầu tháng 12 đến nay, có thể thấy một sự "đuối nhẹ” khi các mã hầu như đi ngang hoặc giảm giá. Đây là chỉ báo cho việc củng cố rồi tăng tiếp, hay là dấu hiệu cho thấy cổ phiếu đã bắt đầu hạ nhiệt, có lẽ cần thêm thời gian.

Người thận trọng sẽ cho rằng, cổ phiếu vận tải biển sẽ cần chờ thêm thời gian để tăng tiếp, nhưng nếu theo chiều hướng lạc quan thì sẽ nghĩ khác. Dẫn chứng ư?

Hãy cứ nhìn PXM (Xây lắp Dầu khí Miền Trung) hiện đang bị giao dịch dưới dạng kiểm soát, tức là chỉ được giao dịch trong 15 phút cuối để xác định giá đóng cửa, nhưng thời gian qua đã tăng giá gấp 3 lần, từ 600 đồng/CP lên 1.800 đồng.

Điều này có nghĩa là cho dù cổ phiếu có bị cảnh báo hay kiểm soát thì gặp lúc thị trường hưng phấn vẫn cứ tăng. Và nói như một chuyên gia về đầu tư ngắn hạn, đã "đánh ngắn" thì phải theo thị trường! Án kiểm soát gần hay xa là tùy vào quan điểm mỗi người!