Có “quản” được kinh doanh vàng miếng?

Theo Báo Lao động

Một ngày trước khi Nghị định 24 của Chính phủ về hoạt động kinh doanh vàng được thực thi, phóng viên đã khảo sát các cửa hàng bán lẻ có bán vàng miếng tại một số địa bàn lớn trên cả nước.

Có “quản” được kinh doanh vàng miếng?

Theo ghi nhận ngày 9.1, nhiều tiệm vàng không còn trưng bày vàng miếng lên kệ như trước, chỉ có khách hỏi mới đem ra. Nhiều chủ tiệm vàng không “đạt chuẩn” tỏ ra bất bình và cũng có những tiệm vàng đã nghĩ đến những con đường “lách” quy định.

Dân không biết, cửa hàng bắt chẹt

Bà Nguyền Thị Hiền - hiện sống tại xã Hưng Nhân - huyện Vĩnh Bảo, TP.Hải Phòng trước đây có mua vàng miếng của một cửa hàng trên thị trấn để tích lũy. Cách đây một tuần, do nhu cầu gia đình cần chi tiêu đột xuất, bà có mang vàng đi bán. Tuy nhiên, khi đến cửa hàng vàng thì hân viên báo giá là 41,5 triệu đồng/lượng và 42 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, xem giá vàng thông báo trên tivi khi đó là trên 46 triệu đồng/lượng.

Thấy chênh lệch quá lớn bà hỏi lại nhân viên thì được biết, đó là mức giá thông báo của các Cty chính ở Hà Nội, còn những cửa hàng nhỏ thì giá không được như thế. Bà Hiền đành mang vàng về nhà cất và huy động tiền từ nguồn khác thay vì bán vàng. Bà cũng cho biết, nếu không có công việc nào cần lượng tiền lớn thì bà tiếp tục giữ số vàng trên. “Nếu gia đình có tiền nhàn rỗi thì có lẽ cũng mang ra mua vàng, người dân như chúng tôi có biết làm thế nào ngoài việc mua vàng cất giữ đâu” - bà Hiền nói.

Khảo sát một số điểm kinh doanh vàng bạc đá quý nhỏ lẻ ở nội thành Hà Nội, các DN này đã từ chối mua bán vàng miếng từ nhiều tuần qua. Khi được hỏi về nhu cầu bán vàng miếng, chị H – chủ tiệm vàng ở quận Đống Đa (Hà Nội) - cho biết: “Chỉ mua vàng trang sức, không mua vàng miếng. Cuối năm rồi, nhỡ bị “đội thị trường” bắt được thì nguy”. Một số người dân đã cảnh giác hơn trong việc mua bán vàng miếng. Anh Nguyễn Trung Lập – người dân ngụ tại đây - nói: “Vì có nhu cầu mua vàng nên tôi tìm hiểu khá kỹ thông tin. Lượng vàng mua tương đối lớn nên để chắc chắn, tôi thường giao dịch ở ngân hàng thay vì ra các cửa hàng vàng, tránh rủi ro xảy ra”.

Các chủ tiệm vàng tìm cách “lách”

Khi được hỏi về quy định sẽ hạn chế các DN kinh doanh vàng miếng, bà Hoa - chủ một tiệm vàng lâu năm ở quận 5 (TP. Hồ Chí Minh) - khá bức xúc khi cho rằng kinh doanh trang sức, lâu nay họ cũng thực hiện đầy đủ các quy định pháp luật, thực hiện nghĩa vụ thuế, không vi phạm hàng gian hàng giả... Vì vậy, hộ cá thể được phép kinh doanh các sản phẩm không bị cấm, quyền kinh doanh của họ bình đẳng với các DN khác. Nếu hộ cá thể không kinh doanh, các Cty trang sức như PNJ, SJC, SBJ, Doji... nghiễm nhiên được lợi. Bà Hoa cũng cho biết, nếu Nghị định 24 áp dụng thì nhu cầu trang sức vàng giá bình dân sẽ không được đáp ứng, có thể tái diễn tình trạng thời bao cấp là sản xuất trang sức lén lút trong nhà bán cho khách quen.

Anh Hùng - chủ một tiệm vàng tại trung tâm vàng bạc đá quý ngay gần chợ Bến Thành, quận 1 (TP. Hồ Chí Minh) - cho hay, nếu Ngân hàng Nhà nước đã quyết định siết kinh doanh vàng miếng thì tất nhiên những tiệm vàng nhỏ không được cấp phép như về mặt hình thức sẽ không dám trưng vàng và mua bán công khai, nhưng không có nghĩa ngừng mua bán. Cũng giống như câu chuyện mua bán ngoại tệ lâu nay vậy.

Khá thẳng thắn, chủ tiệm vàng này cho biết thực tế lâu nay từ khi thị trường vàng bị độc quyền, việc mua bán không còn nhộn nhịp như trước. Bên cạnh đó, giờ tiệm vàng phải cẩn thận với vàng SJC bao bì cũ, rồi vàng nhái, giả nên kinh doanh khó khăn hơn, vì vậy chủ yếu là giao dịch cho khách quen. Và do vậy, trong thời gian tới hoạt động này sẽ vẫn có thể diễn ra bình thường vì thực chất những giao dịch này lâu nay cũng không “công khai”.

Có cầu ắt có cung. Với nhu cầu và thói quen tích luỹ vàng của người dân Việt Nam như hiện nay, một khi người dân có nhu cầu mua vàng miếng, chắc chắn sẽ có một nơi nào đó cung cấp. Việc sẽ xuất hiện thị trường ngầm để mua và bán vàng miếng, dù là vàng SJC hay là vàng miếng kiểu trang sức, đến tận tay người dân có nhu cầu là điều dễ dàng dự báo được. Bởi thị trường vàng từ trước đến nay, đặc biệt ở các vùng quê, chủ yếu dựa trên chữ tín, nên sự tồn tại của thị trường ngầm sẽ hoạt động một cách bền vững, song hành với các đơn vị kinh doanh chính thống. Nói cách khác, sự tồn tại của thị trường ngầm sẽ làm vô hiệu hoá đáng kể quy định về địa điểm kinh doanh vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước.

Theo một chủ tiệm vàng miếng trên đường Lý Thường Kiệt (Hà Nội) tiết lộ “bí quyết” kinh doanh, trong kinh doanh vàng miếng, chữ tín rất quan trọng. Chỉ cần cửa hàng giữ chứ tín, mua bán nhất quán, chênh lệch giá không cao ắt người dân vẫn tìm đến. “Như vậy cửa hàng vẫn có đường sống” -  anh này nói. Nhiều ý kiến cho rằng, các hoạt động buôn lậu chắc chắn sẽ xuất hiện trở lại khi thị trường ngầm được tái thiết lập. Bên cạnh đó, việc thu hẹp hoạt động kinh doanh vàng miếng nếu không được kiểm soát tốt rất có thể tạo kẽ hở cho vàng nhẫn, vàng thỏi các loại bùng phát, thay thế vàng miếng.

Bởi khi giá vàng SJC chênh lệch quá cao so với giá thế giới, các loại vàng miếng khác, vàng nhẫn, vàng nguyên liệu có giá mềm hơn sẽ lên ngôi. Do đó, nhiều chuyên gia tỏ ý lo ngại rằng việc quản lý điểm giao dịch vàng miếng đã khó, nếu quản thêm gần chục ngàn điểm kinh doanh vàng trang sức liệu cơ quan quản lý nhà nước và Ngân hàng Nhà nước có đủ sức làm?