Có vàng cũng khổ!

Theo Người Lao động

Gửi vàng ở ngân hàng phải trả phí, ngại phiền phức; mang về nhà cất thì sợ bị trộm cắp…

 Có vàng cũng khổ!
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Vài tuần trước, nhà chị Thùy (quận 7 - TP. Hồ Chí Minh) bị kẻ trộm đột nhập giữa ban ngày lấy điện thoại di động, laptop và một số tài sản quý giá khác. Khi bọn trộm đang cạy tủ thì bị phát hiện nên tháo chạy… May mắn, số vàng mẹ Thùy dành dụm từ nhiều năm nay chưa bị kẻ trộm cuỗm đi nhưng đến giờ, gia đình chị vẫn không biết cất chúng ở đâu cho yên tâm.

Nơm nớp lo trộm

Sau đó, chị Thùy chở mẹ ra phòng giao dịch một ngân hàng thương mại cổ phần trên đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7) hỏi dịch vụ giữ hộ vàng. Nhân viên phòng giao dịch này cho biết ngân hàng có dịch vụ giữ hộ vàng nhưng phải đến chi nhánh lớn.

“Nhân viên nói gửi vàng ở ngân hàng giúp bảo quản vàng tốt hơn, không bị phai màu nhưng tôi e ngại mỗi lần đến rút sẽ bị phiền phức, khi cần gấp thì ngân hàng lại không làm việc. Chưa kể gửi giữ hộ vàng phải trả phí và thấy nhân viên ngân hàng cũng không mặn mà nên tôi đành mang về nhà” - chị Thùy nói.

Đến giờ, mẹ chị Thùy đang lo lắng với số vàng dành dụm nhiều năm qua. “Mẹ tôi cất vàng không phải để đầu tư, kinh doanh lướt sóng gì, chỉ như một tài sản bảo toàn giá trị và cũng không có ý định bán khi chưa cần thiết nên giờ chỉ lo chỗ cất sau khi ngân hàng ngừng huy động vàng” - chị Thùy giải thích.

Chị Linh, nhà ở quận Tân Phú - TP. Hồ Chí Minh, cho biết: Từ vài năm nay, tiền tiết kiệm chị đều mua vàng, không bận tâm giá cao hay thấp mà chỉ giữ vàng như một kênh bảo toàn tài sản khi lạm phát tăng, tiền đồng mất giá. “Bây giờ trộm cắp nhiều, lúc nào cũng phải cẩn thận. Kinh tế khó khăn, tiết kiệm được vài đồng càng khó. Có vàng cũng chẳng dám nói với ai, lo lắng quá, chắc tôi phải mua két sắt cho yên tâm hơn” - chị Linh bộc bạch.

Khi hỏi về dịch vụ giữ hộ vàng tại các ngân hàng, nhiều người đều lắc đầu. “Gửi ở ngân hàng cũng không yên tâm bởi liệu miếng vàng mình gửi vào, đến lúc rút ra có đúng là miếng đó? Giờ vàng miếng giả, nhái SJC vẫn còn nên tôi cũng sợ, tốt nhất là để ở nhà dù vẫn không an tâm” - chị Vân, nhà ở quận Phú Nhuận - TP. Hồ Chí Minh, người hơn 20 năm nay chọn mua vàng để dành, nói.

Nguồn vàng trong dân càng “chôn chặt”

Chị Ngọc, nhân viên văn phòng một công ty ở quận 3 - TP. Hồ Chí Minh, cho rằng vàng là loại tài sản đứng đầu mà người dân muốn nắm giữ. Bên cạnh việc bảo toàn giá trị khi tiền đồng mất giá, nó còn có tính thanh khoản cao hơn hẳn các loại khác như chứng khoán, bất động sản… Từ ngày con chị Ngọc đi học xa nhà, chị càng “thủ” vàng để khi cần có thể bán ngay, chuyển thành tiền gửi cho con. “Dù vàng không còn là phương tiện thanh toán như trước nhưng nó vẫn có tính thanh khoản rất cao. Nếu Nhà nước hạn chế người dân giao dịch vàng miếng, họ sẽ chuyển sang vàng nhẫn, vàng nữ trang bởi mục đích hàng đầu giữ vàng là để phòng thân” - chị Ngọc giải thích.

Trong khi đó, hơn 400 tấn vàng theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước vẫn đang tiếp tục “nằm chết” trong dân. Theo các chuyên gia, chỉ cần huy động được một nửa lượng vàng này, sẽ có khoảng 10 tỉ USD đưa vào nền kinh tế. Đến nay, đề án huy động vàng trong dân được Ngân hàng Nhà nước ấp ủ hơn 1 năm qua vẫn chưa rõ ràng.

Theo Ngân hàng Nhà nước, huy động vàng trong dân sẽ không theo hướng đơn giản là gửi tiết kiệm mà chuyển sang quan hệ mua - bán, Ngân hàng Nhà nước là người điều tiết cuối cùng. Ngân hàng Nhà nước sẽ mua vàng khi giá thấp để tăng dự trữ ngoại hối và bán ra với giá cao khi thị trường có biến động bất thường về thanh khoản… nhưng đến nay, giải pháp này vẫn chưa được áp dụng trên thị trường.

Chưa hết, từ ngày 25/11/2012, các ngân hàng thương mại, theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước, đã chấm dứt huy động vàng và một số ngân hàng chuyển sang dịch vụ giữ hộ. Tuy nhiên, do không còn được huy động, cho vay vàng và không được chuyển vàng giữ hộ sang tiền đồng… nên nhiều ngân hàng không mặn mà triển khai dịch vụ này. Với các ngân hàng có dịch vụ giữ hộ vàng, không phải phòng giao dịch, chi nhánh nào cũng áp dụng khiến người dân lúng túng.

Chuyên gia kinh tế, PGS., TS. Ngô Trí Long cho rằng chính sách quản lý vàng cần bảo đảm quyền sở hữu hợp pháp của tổ chức, cá nhân như quyền nắm giữ, chuyển nhượng, cầm cố, thế chấp… theo quy định của pháp luật đồng thời hạn chế dùng vàng làm phương tiện thanh toán. “Quản lý thị trường vàng phải có những giải pháp thích hợp để huy động được nguồn vàng rất lớn trong dân, 400-500 tấn, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội” - ông Long nhìn nhận.