Còn lực hút dòng tiền lớn

Theo Đầu tư Chứng khoán

Động thái các nhà đầu tư (NĐT) ngoại đổ vốn vào thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam và tìm kiếm cơ hội lợi nhuận với tỷ suất sinh lời lớn hơn các thị trường phát triển sẽ tiếp tục giữ lửa cho thị trường.

    Bên cạnh đó, kết quả kinh doanh năm 2012 của doanh nghiệp đang vào mùa công bố được kỳ vọng sẽ tạo ra cú huých tiếp sức TTCK. Ông Trương Thanh Hải, Phụ trách Khối phân tích CTCK SHS trao đổi với phóng viên.

    Còn lực hút dòng tiền lớn - Ảnh 1
    Ông Trương Thanh Hải

    TTCK tăng mạnh trở lại sau giai đoạn điều chỉnh, song nhiều NĐT vẫn lo ngại rằng, khi khối ngoại “rút củi đáy nồi”, thị trường sẽ hết lực tăng. Quan điểm của ông về vấn đề này?

    Từ đầu tháng 12/2012, NĐT ngoại đã liên tục có động thái mua ròng mạnh, đặc biệt là giai đoạn cuối tháng 12/2012 và đầu tháng 1/2013. Từ đó đến nay, mặc dù có dấu hiệu giảm nhưng nhìn chung, khối này vẫn đang duy trì mua ròng. Các quỹ ETF đóng vai trò quan trọng trong lực mua ròng của NĐT nước ngoài. Chúng tôi nhận thấy, thời gian qua lượng tiền thu hút được của các quỹ này vẫn khá nhiều, do vậy có thể thấy lực cầu tiềm năng từ các quỹ vẫn còn.

    Lực mua của khối ngoại thời gian vừa qua có thể bắt nguồn từ việc UBCK đề xuất nới room cho khối ngoại, nhưng đến thời điểm hiện tại, đề xuất này vẫn chưa được phê duyệt. Nếu đề xuất nới room được Chính phủ phê duyệt thì khả năng khối ngoại sẽ tiếp tục duy trì sức mua ròng mạnh trên thị trường.

    Các doanh nghiệp đang vào mùa công bố thông tin kết quả kinh doanh năm 2012. Theo ông, thông tin này có ảnh hưởng như thế nào đến thị trường, NĐT nên chú ý gì đến các thông tin dạng này?

    Hiện đang là mùa công bố kết quả kinh doanh quý IV và cả năm 2012 của các doanh nghiệp niêm yết. Theo dữ liệu thống kê của chúng tôi, tính đến 23/1/2013, có 263 doanh nghiệp niêm yết đã công bố báo cáo tài chính quý IV/2012 với 204 doanh nghiệp báo lãi, 59 doanh nghiệp báo lỗ. Trong số 90/315 doanh nghiệp thuộc các ngành nghề được cho là chịu tác động mạnh của bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay như bất động sản, xây dựng, vật liệu xây dựng... đã công bố báo cáo tài chính, kết quả cho thấy có 65 doanh nghiệp báo lãi, 25 doanh nghiệp lỗ. Như vậy, có thể thấy, tính đến thời điểm này, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp bước đầu cho thấy dấu hiệu tích cực. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý là có nhiều doanh nghiệp lớn vẫn chưa thông báo kết quả hoạt động, do vậy chúng ta chưa thể có kết luận chính xác về tình hình chung của các doanh nghiệp niêm yết.

    Qua theo dõi, chúng tôi nhận thấy thông tin về kết quả kinh doanh có tác động mạnh trực tiếp đến diễn biến giá cổ phiếu, đặc biệt nếu như kết quả kinh doanh tích cực/tiêu cực hơn dự báo thông thường. Tuy nhiên, NĐT nên quan tâm đến việc đánh giá, lượng hóa thông tin, nguồn gốc kết quả kinh doanh từ hoạt động sản xuất - kinh doanh chính hay hoạt động mang tính chất nhất thời để có quyết định hợp lý.

    Có thể nhận định gì về những kịch bản thị trường từ nay đến Tết Nguyên đán, thưa ông?

    Theo chúng tôi, từ nay đến Tết Nguyên đán, diễn biến TTCK có thể sẽ kém sôi động hơn (do yếu tố kỳ nghỉ lễ tết kéo dài, dòng tiền sẽ giảm bớt sự tham gia). Do đó, chúng tôi cho rằng, thị trường sẽ tích lũy quanh mức 440 điểm với chỉ số VN-Index trong giai đoạn từ nay đến Tết Âm lịch. Tuy nhiên, với diễn biến hiện tại và những chính sách vĩ mô tích cực gần đây, chúng tôi cho rằng, thị trường đang có những chỉ báo khá tích cực cho xu hướng tăng điểm trung hạn.

    Theo ông, những chính sách gì có thể hỗ trợ hoặc tạo hứng khởi cho thị trường từ nay đến Tết Nguyên đán và giai đoạn sau Tết?

    Chúng tôi cho rằng, thông tin vĩ mô quan trọng mà nhà đầu tư đang chờ đợi trong giai đoạn này là những thông tin cụ thể về Công ty mua bán nợ quốc gia (VAMC), bởi vai trò quan trọng của tổ chức này trong việc đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu trong nền kinh tế, khơi thông dòng tín dụng.

    Ngoài ra, một số thông tin chính sách khác được kỳ vọng bao gồm: 1.Thông tin về việc tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại doanh nghiệp niêm yết và một số ngân hàng; 2. Giải pháp rõ ràng hơn về tiền tệ và tài khóa trong việc kích cầu, xử lý hàng tồn kho bất động sản; 3. Khả năng giảm lãi suất, số liệu tăng trưởng tín dụng thực tế.