Còn nhiều băn khoăn với cổ phiếu ngành dược

Theo Linh Đan/thoibaokinhdoanh.vn

Cổ phiếu ngành dược từ lâu được xem là nhóm cổ phiếu an toàn cao, bởi sản phẩm kinh doanh có đặc thù liên quan đến sức khỏe. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang có diễn biến phức tạp, một số cổ phiếu dược sẽ được hưởng lợi, từ đó sẽ tạo đà bứt phá. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, cổ phiếu nhóm ngành này vẫn cần nhiều thời gian hơn để kiểm định.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Báo cáo phân tích xu hướng tăng trưởng mới đây của Chứng khoán SSI về xu hướng tăng trưởng nhóm cổ phiếu ngành dược phẩm cho biết, giá trị thị trường dược phẩm Việt Nam sẽ tăng ở mức 9-10% trong năm 2020. Theo đó, ngành này sẽ tiếp tục tăng trưởng do xu hướng dân số già hóa, chi phí dành cho chăm sóc sức khỏe gia tăng và tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế cũng như tuổi thọ trung bình tăng lên.

Nhiều tiềm năng

Theo đại diện của Bộ phận phân tích và tư vấn đầu tư SSI, ngành dược đang có nhiều tiềm năng cho sự tăng trưởng như xu hướng dân số già hóa, chi phí dành cho chăm sóc sức khỏe tăng, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế và tuổi thọ trung bình của người dân tăng dựa trên cơ sở dự báo của Tổng cục Thống kê.

Theo dự báo này, dân số Việt nam có độ tuổi từ 65 trở lên có thể đạt tới 7,4 triệu người và tăng gần 7,9% tổng dân số vào năm 2020, sau đó sẽ tăng tiếp 18,1% đến năm 2049 và mức tăng này nhanh hơn nhiều so với con số 7,1% của năm 2014.

Ngoài ra, độ phủ của bảo hiểm y tế cho người dân đã tăng từ 60%/năm 2010 lên 90%/ năm 2019 và mục tiêu tỷ lệ 90,7% vào năm 2020. Thêm vào đó, dân số đô thị hóa của Việt Nam đang tăng lên nhanh chóng, đạt khoảng 36,2 triệu người vào năm 2020 (tăng từ 33,6% năm 2015 lên 36,8% năm 2020).

Thêm vào đó, mức thu nhập bình quân đầu người liên tục được cải thiện càng làm rõ ràng hơn động lực cho sự tăng trưởng của ngành dược trong thời gian tới. Trong một báo cáo gần đây, Cục quản lý Dược (Bộ Y tế) ước tính tổng giá trị ngành sẽ đạt 7,7 tỷ USD trong năm 2021.

Một yếu tố hỗ trợ khác cho ngành dược chính là xu hướng mua bán và sáp nhập (M&A) trong ngành dược cũng đang mở ra tiềm năng tăng trưởng cho các doanh nghiệp với sự tham gia đầu tư của khối ngoại.

Điển hình nhất là thương vụ Công ty Chế tạo thuốc Taisho (Nhật Bản) đã tiến hành mua lại CTCP Dược Hậu Giang (mã: DHG) trong năm 2019 với tỷ lệ sở hữu 51% vốn điều lệ.

Mới đây nhất, CTCP Dược - Trang thiết bị Y tế Bình Định (mã: DBD) cũng đã có động thái đề xuất nới room cho các nhà đầu tư nước ngoài lên 100%. Đồng thời, lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản cho phép nhà đầu tư nước ngoài sở hữu hơn 25% cổ phần mà không cần chào mua công khai.

Ngoài ra, các giao dịch M&A dự kiến cũng sẽ được thực hiện trong năm 2020, như Công ty Kimia Farma (Indonesia) cho biết đang xem xét việc mua lại chuỗi cửa hàng bán lẻ dược phẩm Việt Nam.

Các công ty dược phẩm nước ngoài thường có xu hướng tiến hành M&A để tận dụng nguồn lực có sẵn để giảm chi phí và rút ngắn thời gian gia nhập thị trường Việt Nam.

Triển vọng tăng trưởng của ngành dược có sự phân hóa lớn đến từ những khó khăn mà các doanh nghiệp đang gặp phải
Triển vọng tăng trưởng của ngành dược có sự phân hóa lớn đến từ những khó khăn mà các doanh nghiệp đang gặp phải

 

Nhưng chưa chắc đã lạc quan

Thực tế, những tiềm năng của ngành dược luôn được các công ty chứng khoán đánh giá tích cực tại các báo cáo triển vọng ngành. Tuy nhiên, cổ phiếu ngành dược trên thị trường chứng khoán lại ít được quan tâm với thanh khoản thấp và giá cổ phiếu đi ngang, nếu ngoại trừ các yếu tố tích cực trong những phiên đầu năm Canh Tý.

Nguyên nhân của sự ít được chú ý này là đa số doanh nghiệp dược phẩm, y tế trên thị trường có cơ cấu tài chính lành mạnh với dòng tiền tốt, nhưng triển vọng lại có sự phân hóa lớn đến từ những khó khăn mà các doanh nghiệp đang gặp phải.

Việc phụ thuộc phần lớn vào nguyên liệu nhập khẩu trong khi giá dược liệu nhập khẩu tăng là nguyên nhân khiến biên lợi nhuận một số doanh nghiệp như Dược Hậu Giang, Imexpharm, Dược Hà Tây... có xu hướng giảm.

Về môi trường kinh doanh, hiện nay, thị phần ở kênh đấu thầu vào nhà thuốc bệnh viện (ETC) chiếm khoảng 70% thị phần của cả thị trường thuốc. Mảng này hiện chủ yếu đến từ thuốc nhập khẩu do chưa nhiều nhà máy trong nước đáp ứng được các tiêu chuẩn cần thiết, tiếp theo là khả năng cạnh tranh về giá trong bối cảnh đấu thầu thuốc bị siết chặt cả về giá và chất lượng.

Trong khi đó, kênh bán lẻ không cần kê đơn tại các nhà thuốc (kênh OTC), vốn là nguồn đóng góp doanh thu chính của nhiều doanh nghiệp, gần đây lại có tốc độ tăng trưởng chậm lại.

Hơn nữa, tại không ít doanh nghiệp dược, lượng lớn cổ phần đã được nắm giữ bởi các cổ đông lớn và cổ đông nội bộ, tỷ lệ cổ phiếu được tự do chuyển nhượng thấp. Hiện, trên thị trường có không quá 10 doanh nghiệp dược phẩm có vốn hóa trên 1.000 tỷ đồng.

Còn lại, đa số là những doanh nghiệp có sản phẩm đặc thù hoặc mang tính địa phương, phạm vi hoạt động bó hẹp, nhà đầu tư khó nắm bắt thông tin. Do đó, ngoài một số cổ phiếu đầu ngành, phần lớn cổ phiếu dược - y tế chỉ thực sự thu hút nhà đầu tư am hiểu doanh nghiệp, nhưng giá cổ phiếu ở mức cao, khó làm mới dòng tiền đầu tư.

Tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp cũng không mấy khả quan khi trong năm 2019, lợi nhuận của 11 doanh nghiệp dược được khảo sát đã giảm 1,3% so với kỳ cùng năm trước, đạt 2.171 tỷ đồng.

Doanh nghiệp có lợi nhuận lớn nhất ngành dược là Dược Hậu Giang với 631 tỷ đồng, giảm 3% so với năm 2018. Nguyên nhân được cho là do lợi nhuận quý III thấp nhất trong 4 năm. Đơn vị dược phân phối qua kênh OTC không hoàn thành kế hoạch kinh doanh khi chỉ đạt 99% kế hoạch doanh thu và 95% kế hoạch lợi nhuận năm.

Một doanh nghiệp dược OTC khác là Traphaco (mã: TRA) cũng báo lãi giảm 2,4%, còn 171 tỷ đồng trong năm 2019, hoàn thành kế hoạch năm sau khi điều chỉnh. Ngược lại, dù doanh thu kế hoạch giảm 14,3%, Traphaco vẫn chỉ đạt 1.710 tỷ đồng, bằng 92%.