“Cơn sốt” tỷ giá có đáng lo?

Theo thoibaokinhdoanh.vn

Những ngày gần đây, tỷ giá liên tục tăng mạnh, chạm mức cao nhất 10 tháng qua. Nhiều ý kiến lo ngại rằng khi USD mạnh lên sẽ tăng áp lực cho VND, gây bất lợi cho xuất khẩu, đồng thời với áp lực tăng lạm phát trong nước bởi yếu tố mùa vụ cuối năm.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Nhiều chuyên gia kinh tế kiến nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần điều chỉnh mạnh hơn nữa tỷ giá trong nước. Tuy nhiên, cơ quan này cho rằng diễn biến tăng tỷ giá những ngày qua là hết sức bình thường.

Từ 9/11 đến nay, NHNN liên tục tăng tỷ giá trung tâm, từ đó gây hiệu ứng tăng đối với tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng thương mại, khiến dư luận lo ngại sẽ có một đợt sóng tỷ giá trong tháng còn lại của năm 2016.

Tỷ giá trung tâm tăng gần 1%

Tuần qua, tỷ giá VND/USD liên tục biến động và tăng giá, so với thời điểm 10 tháng đầu năm, tỷ giá trung tâm đã tăng 0,96%. Tỷ giá VND/USD khép lại một tuần liên tục biến động và tăng giá khi đóng cửa kết thúc tuần giao dịch vào 18/11 khi các ngân hàng đồng loạt điều chỉnh tỷ giá đến 105 – 110 đồng so với đầu giờ sáng, tương đương mức tăng 0,5 – 0,6%.

Nếu như vào lúc 10h30 sáng, ngân hàng Vietcombank niêm yết tỷ giá tại 22.495 – 22.585 đồng/USD (mua – bán), tăng 105 đồng so với đầu giờ sáng, thì đến 16h chiều tỷ giá tại VietcomBank là 22.450 – 22.550 đồng/USD; tại VietinBank là 22.475 – 22.545 đồng/USD; tại BIDV là 22.470 – 22.540 đồng/USD.

Tuy nhiên, trong phiên giao dịch sáng ngày 19/11, tỷ giá USD/VND niêm yết tại các ngân hàng thương mại hầu như đi ngang. BIDV và VietcomBank tỷ giá giữ nguyên chiều mua vào và giữ nguyên chiều bán ra so với ngày 18/11.

Tỷ giá niêm yết tại Vietcombank ở mức 22.420 – 22.500 đồng/USD (mua vào – bán ra). Ngân hàng Vietinbank niêm yết tỷ giá USD/VND ở mức 22.420 – 22.500 đồng/USD (mua vào – bán ra), điều chỉnh giảm 5 đồng chiều mua vào và giảm 5 đồng chiều bán ra so với ngày 18/11.

Lãnh đạo các ngân hàng cho biết nguyên nhân chính đẩy tỷ giá tăng mạnh là do sự mạnh lên của đồng USD trên thị trường quốc tế, do tác động từ kết quả cuộc bầu cử Mỹ và khả năng FED sẽ tăng lãi suất trong thời gian tới. Còn trong nước, cung cầu USD vẫn bình thường. Cụ thể, 10 tháng đầu năm, Việt Nam vẫn xuất siêu, giải ngân vốn FDI tốt, kiều hối tiếp tục tăng.

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng hiện giá vàng thế giới đang thấp hơn giá trong nước 2,7 triệu đồng mỗi lượng. Có thể mức chênh lệch này cũng là nguyên nhân khiến nhu cầu USD tăng lên phục vụ hoạt động đầu cơ nhập lậu vàng.

Trên thị trường quốc tế, giá vàng giao ngay tại châu Á đang có biên độ tăng 1,8 USD, giao dịch là 1.226,8 USD/ounce. Giá vàng miếng SJC tại Hà Nội đang được niêm yết là 35,75 triệu đồng/lượng – 35,9 triệu đồng/lượng, giảm từ 30.000 đồng –80.000 đồng/lượng mỗi chiều so với cuối ngày hôm trước, nhưng vẫn cao hơn giá vàng thế giới.

Lo ngại khi USD mạnh lên sẽ tăng áp lực cho VND, gây bất lợi cho xuất khẩu, đồng thời với việc lạm phát trong nước được dự báo tăng bởi giá dịch vụ, y tế đã tăng và yếu tố mùa vụ cuối năm.

Giới phân tích tài chính cho rằng NHNN cần cân nhắc khả năng điều chỉnh thêm tỷ giá. Trước diễn biến tăng mạnh của tỷ giá, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách cũng đã nhiều lần khuyến nghị NHNN điều chỉnh tỷ giá nhiều hơn nữa.

Tuy nhiên, nhóm phân tích của công ty chứng khoán MB (MBS) cho rằng hiện tại, NHNN đủ dư địa để điều hành tỷ giá ổn định và mức mất giá của VND so với USD sẽ không quá cao.

Tỷ giá tăng là hết sức bình thường

Thực tế, thời gian qua, Việt Nam đang có điều kiện thuận lợi để giữ ổn định tỷ giá, tâm lý găm giữ ngoại tệ trong nền kinh tế đã giảm mạnh so với trước đây nhờ cách thức điều hành tỷ giá mới linh hoạt và những diễn biến thuận lợi về cung cầu ngoại tệ.

Dù thời điểm hiện nay, tỷ giá liên ngân hàng tăng ở mức khoảng 22.450 VND/USD. Song, mức tỷ giá này vẫn thấp hơn khoảng 50 đồng so với mức tỷ giá vào cuối năm 2015.

Theo đánh giá của NHNN, diễn biến tăng tỷ giá những ngày qua là hết sức bình thường, phù hợp với xu hướng tăng tỷ giá trung tâm do NHNN công bố trong thời gian qua.

Trên thị trường, cầu ngoại tệ không có yếu tố đột biến, thanh khoản tốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của các tổ chức và cá nhân được các TCTD đáp ứng kịp thời và đầy đủ.

Còn cầu ngoại tệ cuối năm chưa có áp lực tăng cao do tín dụng tiếp tục được NHNN kiểm soát ở mức hợp lý; một phần nhu cầu mua ngoại tệ của khách hàng sẽ được đáp ứng bằng nguồn tín dụng ngoại tệ của hệ thống ngân hàng khi NHNN tiếp tục gia hạn cho vay bằng ngoại tệ đến hết năm 2017.

Tuần trước, NHNN đã ban hành Thông tư số 31/2016/TT-NHNN, tiếp tục cho phép các doanh nghiệp xuất khẩu được vay ngoại tệ nhằm đáp ứng nhu cầu vốn ngắn hạn đến hết năm 2017.

Đây được xem là biện pháp thiết thực hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu được vay vốn với lãi suất thấp hơn hẳn so với vay bằng VND, giúp giảm sức cầu về USD trong ngắn hạn và dịu đi phần nào sức ép lên VND trong thời điểm cuối năm.

Trước đó, vào các năm 2013, 2014, 2015 và 2016, nhằm ổn định thị trường tỷ giá trước những biến động cuối năm, NHNN đều có động thái điều chỉnh thị trường.

Lạm phát hai tháng cuối năm được Ban Kinh tế Trung ương nhận định là tăng khoảng 0,5%. Dự báo lạm phát trong năm 2016 sẽ được kiểm soát dưới 5% như Nghị quyết của Quốc hội đề ra.