Công bố loạt giải pháp điều hành kinh tế 2013

Theo VnEconomy

Ngày 03 tháng 01 năm 2012, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2013, trong đó nhấn mạnh việc tiếp tục điều hành tài khóa và tiền tệ một cách chặt chẽ, thận trọng nhưng cũng linh hoạt theo diễn biến của nền kinh tế.

Công bố loạt giải pháp điều hành kinh tế 2013
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh trình bày báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 3/1/2012 và Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 10/5/2012 của Chính phủ
Theo Nghị quyết này, một loạt giải pháp đã được đề ra cho năm 2013, tập trung cho nhiều nhóm vấn đề lớn, trong đó quan trọng nhất là tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát.

Nghị quyết xác định, việc thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, thận trọng, hiệu quả, theo đó Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, hiệu quả; sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ của chính sách tiền tệ; gắn kết chặt chẽ với chính sách tài khoá theo mục tiêu kiềm chế lạm phát, tăng cường ổn định vĩ mô và bảo đảm tăng trưởng hợp lý.

Lãi suất và tín dụng sẽ được điều hành phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế; đảm bảo an toàn thanh khoản và hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng và của nền kinh tế.

Trong khi đó, sẽ điều hành tỷ giá theo tín hiệu thị trường, bảo đảm giá trị đồng tiền Việt Nam; hoàn thiện cơ chế quản lý thị trường vàng, tập trung khắc phục bất cập trong quản lý, ổn định thị trường vàng, bảo đảm giá vàng trong nước sát với giá vàng quốc tế; thực hiện các biện pháp đồng bộ để cải thiện cán cân thanh toán quốc tế và tăng dự trữ ngoại hối.

Chính phủ cũng yêu cầu mở rộng các hình thức thanh toán qua ngân hàng và thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế; tiếp tục triển khai có hiệu quả đề án đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2011-2015 theo Quyết định số 2453/QĐ-TTg ngày 27 tháng 12 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ.

Một nội dung quan trọng khác là sẽ cơ bản hoàn thành việc cơ cấu lại các tổ chức tài chính, tín dụng yếu kém; kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động tài chính, ngân hàng; hỗ trợ phát triển lành mạnh thị trường chứng khoán.

Về chính sách tài khóa, sẽ điều hành theo phương châm “chặt chẽ, triệt để tiết kiệm”, theo đó Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp về NSNN, bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ thu, chi theo kế hoạch. Phấn đấu tăng thu, triệt để tiết kiệm chi, giảm bội chi ngân sách nhà nước.

Bộ Tài chính được giao nhiệm vụ tăng cường chống thất thu, nợ đọng thuế, chống chuyển giá, đẩy mạnh kiểm tra, thanh tra thuế, nhất là các lĩnh vực, khoản thu có khả năng thất thu cao; xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu thuế; tăng cường chế tài, thực thi pháp luật về thuế.

Trong khi đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ; rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên các dự án đầu tư của Nhà nước, ưu tiên bố trí vốn cho các dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng nhưng chưa bố trí đủ vốn, các dự án trọng điểm, cấp bách, hiệu quả, có khả năng hoàn thành trong năm 2013; bố trí hoàn trả vốn đã được ngân sách ứng trước.

Cũng về đầu tư công, sẽ hạn chế tối đa khởi công dự án mới sử dụng vốn NSNN; kiên quyết điều chuyển hoặc thu hồi vốn đầu tư đối với các công trình, dự án chậm triển khai, không hiệu quả, phân bổ vốn và sử dụng không đúng đối tượng và không ứng trước vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ cho các công trình, dự án, trừ các dự án phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, quốc phòng, an ninh cấp bách.