Công nghệ hỗ trợ thế nào với tài chính tiêu dùng?

Theo Chí Kiên/thoibaonganhang.vn

Các ngân hàng và công ty tài chính không ngừng đầu tư vào nền tảng công nghệ số nhằm hạn chế rủi ro, đồng thời tối ưu hóa trải nghiệm người dùng và quy trình cho vay.

Các ngân hàng và công ty tài chính không ngừng đầu tư vào nền tảng công nghệ số nhằm hạn chế rủi ro, đồng thời tối ưu hóa trải nghiệm người dùng và quy trình cho vay.
Các ngân hàng và công ty tài chính không ngừng đầu tư vào nền tảng công nghệ số nhằm hạn chế rủi ro, đồng thời tối ưu hóa trải nghiệm người dùng và quy trình cho vay.

Vai trò của thông tin dữ liệu

Theo các chuyên gia tài chính – ngân hàng, sự tăng trưởng của tài chính tiêu dùng sẽ mang đến những sự phát triển tích cực cho nền kinh tế. Vấn đề đặt ra là cho vay tiêu dùng phải tránh được rủi ro và minh bạch, trong khuôn khổ pháp luật cho phép.

Để đảm bảo tránh rủi ro cho trong hoạt động cho vay thì thông tin dữ liệu về khách hàng hiện nay đóng vai trò khá quan trọng. Tại các nước phát triển, hệ thống dữ liệu công dân nói chung và dữ liệu tài chính cá nhân nói riêng phát triển khá mạnh và ổn định, hỗ trợ lớn cho hoạt động tín dụng tiêu dùng cũng như đảm bảo an toàn cho các nhà cung cấp dịch vụ.

Hệ thống dữ liệu về thông tin định danh được tập trung thống nhất trên toàn quốc, rất ít xảy ra sai sót liên quan đến loại dữ liệu này; Các dữ liệu thông tin về thanh toán hóa đơn điện, nước, gas, điện thoại, truyền hình cáp, hóa đơn các dịch vụ tiện ích tưởng chừng như không quan trọng nhưng lại được coi là nguồn dữ liệu đầu vào quan trọng để đánh giá khách hàng vay, đặc biệt với khách hàng chưa từng có quan hệ tín dụng với TCTD.

Tại Việt Nam, tuy còn nhiều hạn chế về vốn và công nghệ nhưng theo ông Đỗ Hoàng Phong – Tổng giám đốc Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) , câu chuyện về thông tin tín dụng hỗ trợ tín dụng tiêu dùng đã và đang phát triển theo hướng đi chung của thế giới.

CIC đã đầu tư hệ thống công nghệ hiện đại, có thể tích hợp được nhiều nguồn thông tin khác nhau từ các nguồn trong và ngoài ngành; tổ chức thu thập các nguồn thông tin phi truyền thống. Để đảm bảo tính sẵn sàng dữ liệu của dữ liệu, CIC không chỉ thu thập thông tin về khách hàng đã và đang có quan hệ tín dụng mà còn mở rộng thu thập thông tin về khách hàng tiềm năng của các TCTD.

Tuy nhiên, đại diện của CIC cho rằng, bản thân các TCTD, nhất là các công ty tài chính (CTTC) cần đầu tư nhiều hơn nữa hệ thống công nghệ và xây dựng hệ thống quản lý khách hàng vay, áp dụng các chuẩn mực trong quản trị rủi ro, áp dụng mức lãi suất hợp lý với mức độ tín nhiệm của khách hàng. “Vì nếu không làm tốt và chặt chẽ các quy định trong việc cấp tín dụng sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động của chính các CTTC và ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng vay.” – ông Phong chia sẻ.

Đặc biệt, các CTTC cần tìm hiểu kỹ các thông tin về khách hàng trước khi đưa ra quyết định cho vay. Các thông tin này có thể là lịch sử vay nợ của khách hàng, là các lịch sử thanh toán của khách hàng, nhằm hỗ trợ các CTTC có cái nhìn cụ thể và chính xác hơn về khách hàng vay của mình.

Tăng cường quản trị rủi ro và trải nghiệm cho khách hàng

Theo nhận định của bà Nguyễn Thùy Dương - Phó Tổng giám đốc phụ trách khối Dịch vụ tài chính (EY Việt Nam), ước tính đến năm 2019, thị trường cho vay tiêu dùng tại Việt Nam sẽ đạt khoảng 44 tỷ đô la hoặc 1 triệu tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng hàng năm kép (CAGR) từ năm 2013 tới năm 2016 của thị trường cho vay tiêu dùng nói chung là 44% và của các CTTC nói riêng là 91%, cho thấy sức nóng tăng trưởng của các công ty này.

Với dự kiến tốc độ tăng trưởng tín dụng cao vẫn còn tiếp diễn trong những năm tới, thì nhu cầu nâng cao hiệu quả xử lý các đề nghị vay, tăng cường quản trị rủi ro và giảm chi phí hoạt động thông qua việc ứng dụng khoa học công nghệ vào quy trình cho vay là rất cấp thiết.

Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 với sự ra đời của một loạt các công nghệ đột phá khiến các CTTC đang phải nỗ lực mạnh mẽ hơn bao giờ hết để đáp ứng nhu cầu và kỳ vọng ngày càng lớn về chất lượng sản phẩm cũng như trải nghiệm người dùng. Trong vài năm trở lại đây, không chỉ những ngân hàng lớn mà các CTTC không ngừng đầu tư vào nền tảng công nghệ số nhằm tối ưu trải nghiệm người dùng và quy trình cho vay, từ đó gia tăng vị thế cạnh tranh của mình trong thị trường cũng như mở rộng thị phần trong nước và quốc tế.

Tại thị trường Việt Nam chưa có cho vay tự động (digital lending) đúng nghĩa. Tuy nhiên, các CTTC đang ngày một nỗ lực để áp dụng công nghệ tiên tiến nhất cho mục tiêu tăng cường trải nghiệm khách hàng và hiệu quả hoạt động.

Đơn cử như FE CREDIT – hiện đang dẫn đầu thị trường cho vay tiêu dùng tín chấp về cả quy mô và chất lượng, gần đây đã chính thức mở thêm kênh chăm sóc khách hàng trên Zalo. Chỉ với thao tác đơn giản, người dùng đã có thể ngay lập tức trò chuyện trực tuyến với nhân viên chăm sóc khách hàng khi cần được hỗ trợ; tra cứu thông tin chi tiết về khoản vay, thẻ tín dụng.

Lãnh đạo FE CREDIT cho biết, kênh chăm sóc khách hàng trực tuyến trên nền tảng công nghệ này giúp khách hàng sử dụng các tiện ích trên nền tảng Zalo, thay vì phải đi đến điểm giao dịch hoặc gọi vào tổng đài, lên website hoặc tải ứng dụng riêng của FE CREDIT.

“Tận dụng sức mạnh của công nghệ đã và đang mang lại các trải nghiệm thú vị cho khách hàng. Tiếp cận khách hàng tiềm năng qua ứng dụng công nghệ khẳng định sự nhạy bén của các CTTC trong tham vọng chinh phục thị trường tài chính tiêu dùng tiềm năng, với phần lớn khách hàng trẻ.” – bà Nguyễn Thùy Dương cho biết.