Công ty chứng khoán huy động vốn mới để cấp margin - Dấu hiệu khan vốn hay cơ hội?

Theo Hồng Quân/bizlive.vn

Từ đầu quý IV/2017 đến nay, một loạt các công ty chứng khoán công bố thông tin về kế hoạch huy động vốn nhằm bổ sung vốn hoạt động và cho vay ký quỹ. Thị trường quý IV/2017 được dự báo sẽ tăng nóng trong khi hạn mức tín dụng của ngân hàng dành cho ngành trong năm đã cạn.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Ồ ạt huy động vốn trong những tháng cuối năm 2017

Mới đây, Hội đồng quản trị của CTCP Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh - HSC (mã HCM) vừa thông qua việc phát hành riêng lẻ 800 tỷ đồng trái phiếu nợ doanh nghiệp, với lãi suất cố định, tối đa 10%/năm, kỳ hạn 1 năm.
Tương tự như HSC, Công ty Chứng khoán Bản Việt - VCSC cũng sẽ phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu, lãi suất tối đa không quá mức lãi suất tiền gửi trung hạn bình quân của BIDV, Vietinbank cộng thêm 4,5%/năm, kỳ hạn 24 tháng nhằm bổ sung vốn cho hoạt động kinh doanh của công ty, tái cơ cấu các khoản nợ với lãi suất theo hướng ổn định hơn.
Song song với phát hành trái phiếu, các công ty chứng khoán cũng ký hợp động vay vốn với các ngân hàng và doanh nghiệp.
Trong tháng 10/2017, HĐQT Chứng khoán Phú Hưng đã thông qua việc điều chỉnh Hợp đồng hạn mức tín dụng với Ngân hàng Sinopac, chi nhánh TP. Hồ Chí Minh từ mức 500.000 USD (hiện tại) lên mức 1 triệu USD.
Đồng thời, thông qua hợp đồng vay vốn với CTCP CX Technology (Việt Nam) với hạn mức vay 45 tỷ đồng, thời hạn vay 1 năm, lãi suất 8,5%/năm.
Công ty Chứng khoán VietinbankSC thông qua việc rút vốn 104,133 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex, trong thời hạn 3 tháng để bổ sung vốn kinh doanh/đầu tư.
Vốn trái phiếu doanh nghiệp đang trở nên ưu việt hơn với các công ty chứng khoán trong bối cảnh tín dụng ngân hàng cho ngành chứng khoán bị hạn chế, và tính ổn định không cao.
VCSC cho rằng, khả năng mở rộng hạn mức tín dụng từ các ngân hàng khá hạn chế vì room cho vay đối với lĩnh vực chứng khoán của các ngân hàng bị khống chế ở mức tối đa 5% vốn chủ sở hữu của ngân hàng. Tiêu chuẩn định giá tài sản cầm cố thế chấp cũng khá nghiêm ngặt và thường ở tỷ lệ rất thấp nên để giải ngân được từ nguồn vốn ngân hàng đòi hỏi phải có lượng tài sản cầm cố gấp nhiều lần ( 3- 4 lần) so với số tiền cần giải ngân. Hơn nữa nguồn vốn dùng cho hoạt động kinh doanh hiện tại có tính ổn định chưa cao do kỳ hạn giải ngân của ngân hàng thường ngắn, không quá 6 tháng.
Khan vốn hay cơ hội mới cho thị trường?

Thống kê báo cáo tài chính các công ty chứng khoán, tổng dư nợ cho vay khách hàng (vay margin) đến hết ngày 30/09/2017 của TOP 10 công ty chứng khoán dẫn đầu thị phần môi giới chứng khoán lên đến 24.241 tỷ đồng, tăng 34,5% so với đầu năm.
Lãnh đạo của một công ty chứng khoán dự báo quý IV/2017 thị trường có thể tăng nóng hơn khi có nhiều hàng “khủng” hơn hết thời gian bị hạn chế nhà đầu tư vay margin. Vì vậy, với kỳ chu kỳ giao dịch của thị trường, giá trị giao dịch quý IV sẽ cao hơn các quý trước, dự báo nhu cầu vay vốn đầu tư của nhà đầu tư trong quý IV sẽ lớn.
Trong khi đó từ phía cung, Thông tư 36 có hiệu lực từ tháng 2/2015 quy định các tổ chức tín dụng (TCTD) chỉ được phép cho vay đầu tư, kinh doanh chứng khoán dưới 5% vốn điều lệ nên nguồn vốn phục vụ nhu cầu vay margin bị hạn chế, nhất là những tháng cuối năm khi room tín dụng ngân hàng cho ngành gần như đã sử dụng hết.
Do đó, để có nguồn vốn dồi dào, các công ty chứng khoán sẽ phát hành trái phiếu doanh nghiệp cho cả cá nhân và tổ chức để huy động vốn phục vụ hoạt động cho vay margin.
Thống kê báo cáo tài chính quý III/2017 của các công ty chứng khoán gồm SSI, ACBS, VCSC, MBS, VNDS, SHS, VCBS, VPBS cho thấy, tại ngày 30/09/2017, số dư nợ vay dạng trái phiếu 5.511 tỷ đồng, tăng 28,2% so với cuối năm 2016. Ước tính có khoảng 2.000 tỷ đồng vốn vay bằng nguồn trái phiếu sẽ được đưa vào thị trường trong những tháng cuối năm Đinh Dậu.