Công ty chứng khoán vẫn nhiều lượng, thiếu chất

Theo stockbiz.vn

(Tài chính) Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng yêu cầu Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) tiếp tục triển khai quyết liệt chiến lược phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) và Đề án tái cấu trúc TTCK. Trong đó, tái cấu trúc lại các công ty chứng khoán (CTCK), công ty quản lý quỹ theo hướng thu hẹp về số lượng, nâng cao năng lực tài chính và chất lượng quản trị điều hành, quản trị rủi ro.

 Công ty chứng khoán vẫn nhiều lượng, thiếu chất
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng yêu cầu UBCKNN tiếp tục triển khai quyết liệt chiến lược phát triển TTCK và Đề án tái cấu trúc TTCK. Nguồn: internet

Sau 1 năm thực hiện Đề án “Tái cấu trúc TTCK và các doanh nghiệp bảo hiểm”, UBCKNN cho biết, hoạt động tái cấu trúc các CTCK vẫn đang tiếp tục được thực hiện theo lộ trình trên nguyên tắc không làm xáo trộn thị trường, đồng thời sử dụng các nghiệp vụ thị trường để tái cơ cấu thông qua cơ chế góp vốn minh bạch và tiêu chí bảo đảm năng lực, an toàn tài chính.

Bắt đầu được củng cố

Theo UBCKNN, tính đến cuối quý III/2013, đã có 3 CTCK bị chấm dứt hoạt động kinh doanh, 2 công ty bị yêu cầu tạm ngừng hoạt động, 1 công ty bị đình chỉ hoạt động; giảm 9/116 chi nhánh và giảm 5/42 phòng giao dịch. UBCKNN cũng đã đặt 5 CTCK vào diện kiểm soát và đặt 9 CTCK vào tình trạng kiểm soát đặc biệt, chấp thuận rút nghiệp vụ môi giới chứng khoán của 6 CTCK; nghiệp vụ tự doanh của 2 CTCK; nghiệp vụ bảo lãnh phát hành của 4 CTCK; rút nghiệp vụ tư vấn đầu tư chứng khoán của 1 công ty; triển khai thủ tục hợp nhất đối với 2 công ty, tiến hành thủ tục giải thể đối với 3 công ty; thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động lưu ký chứng khoán của 2 CTCK.

Song đến nay, hệ thống các tổ chức kinh doanh dịch vụ chứng khoán vẫn tồn tại tới 105 CTCK và 47 công ty quản lý quỹ. Theo Chủ tịch UBCKNN Vũ Bằng, nhiều CTCK đã không theo kịp với yêu cầu thị trường. Các CTCK tiếp tục đang ở thời kỳ tái cấu trúc nên nhiều công ty hoạt động còn hạn chế. Kết quả kinh doanh cho thấy, 58/94 CTCK có lỗ lũy kế (chiếm 63%) với số lỗ là (-5.267) tỷ đồng, giảm so với con số hơn 70% công ty lỗ năm 2012.

Tuy nhiên, con số đó vẫn có thể còn chưa phản ánh hết những khó khăn thực tế của các CTCK khi hiện nay còn nhiều lỗ hổng trong hệ thống kế toán của các CTCK, dẫn tới tình trạng báo cáo tài chính của các CTCK chưa phản ánh đầy đủ, minh bạch các thông tin trong quá trình hoạt động.

Trong khi đó, theo Hiệp hội kinh doanh Chứng khoán Việt Nam, đánh giá một CTCK tốt hay xấu rõ ràng phải nhìn vào số lượng thân chủ và sự thành bại của khách hàng của họ. Song, khi các CTCK còn đang vật lộn với sự sinh tồn, chứng minh rõ vai trò thành viên thị trường, người môi giới trung gian bảo lãnh phát hành không tránh khỏi những chệch choạc.

Hiệp hội các nhà đầu tư chứng khoán cho rằng, vẫn còn quá nhiều CTCK. Còn Hiệp hội kinh doanh Chứng khoán Việt Nam cho rằng, việc có quá nhiều các CTCK, công ty quản lý quỹ trong lúc quy mô thị trường Việt Nam còn nhỏ bé, đã tạo nên khó khăn và dẫn đến tình trạng các công ty lôi kéo cán bộ, khách hàng, vi phạm nguyên tắc nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp. Cũng chính vì vậy công tác quản trị kinh doanh còn quá yếu, chưa có sự hỗ trợ kịp thời của các cơ quan quản lý đối với thị trường nhạy cảm này nhằm thúc đẩy thị trường phát triển theo đúng quỹ đạo.

Định hướng cho bền vững

Giải pháp tái cấu trúc CTCK tiếp tục được UBCKNN nhấn mạnh là nhiệm vụ trọng tâm năm 2014, tiếp tục thực hiện cơ cấu lại hệ thống các tổ chức kinh doanh chứng khoán trên cơ sở Đề án tái cấu trúc TTCK đã được ban hành. Chủ tịch UBCKNN Vũ Bằng đề nghị, để việc phân loại này được chính xác hơn, Bộ Tài chính cần sớm ban hành chế độ, chuẩn mực kế toán, chế độ tài chính mới áp dụng cho CTCK để có thể đánh giá một cách chính xác hơn trạng thái tài sản của CTCK.

Kèm theo đó là việc nghiên cứu mô hình về việc xây dựng quỹ bảo vệ nhà đầu tư để xử lý vấn đề khi nhà đầu tư bị lạm dụng tài sản tại CTCK. Đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ chứng khoán, tập trung vào các mảng dịch vụ chính; nâng cao năng lực tài chính, quản trị công ty, hệ thống kiểm soát, kiểm toán nội bộ, quản trị rủi ro tại các tổ chức kinh doanh chứng khoán theo thông lệ quốc tế…

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng yêu cầu UBCKNN tiếp tục triển khai quyết liệt chiến lược phát triển TTCK và Đề án tái cấu trúc TTCK. Trong đó, tái cấu trúc lại các CTCK, công ty quản lý quỹ theo hướng thu hẹp về số lượng, nâng cao năng lực tài chính và chất lượng quản trị điều hành, quản trị rủi ro.

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, trách nhiệm của CTCK với thị trường phải được nhận thức và xác định rõ hơn. Bởi lẽ sau một nhà đầu tư, tổ chức phát hành, tổ chức niêm yết luôn có một CTCK với vai trò là người đại diện, là nhà tư vấn. Mọi vấn đề của người đầu tư, tổ chức phát hành, tổ chức niêm yết trên TTCK được CTCK giải quyết, kể cả vấn đề phát hành chứng khoán, quản trị công ty. Sự thành công hay thất bại của người đầu tư, tổ chức phát hành, tổ chức niêm yết trên thị trường có công (tội) của CTCK.

Góp thêm giải pháp về tái cấu trúc CTCK, một chuyên gia khuyến cáo UBCKNN nên chia CTCK làm hai loại để ngăn chặn rủi ro xung đột lợi ích giữa nghiệp vụ tự doanh với nghiệp vụ môi giới của CTCK. Theo đó, Công ty môi giới chứng khoán sẽ không có nghiệp vụ tự doanh và bảo lãnh phát hành còn công ty kinh doanh chứng khoán không có nghiệp vụ môi giới. “Việc cơ cấu lại hệ thống CTCK theo giải pháp này sẽ đơn giản, hiệu quả hơn nhiều so với giải pháp giải thể, sáp nhập”, vị chuyên gia này nói.