Công ty đại chúng: Khó khăn buông xuôi minh bạch

Theo Báo Sài Gòn Đầu tư

Đi kèm với sự buồn tẻ, ảm đạm của thị trường chứng khoán (TTCK) là sự buông xuôi của các doanh nghiệp (DN) trong vấn đề minh bạch thông tin, niềm tin càng bị bào mòn. nền kinh tế gặp khó khăn, TTCK gặp thử thách là cơ hội để tiến hành tái cấu trúc. Nhưng để tái cấu trúc DN cũng như TTCK thành công, việc gia tăng, củng cố tính minh bạch cần phải được đảm bảo. Không thể có chuyện DN hô hào tái cấu trúc, nhưng lại không minh bạch, vì nếu không minh bạch sẽ chẳng ai thấy được DN đang làm gì.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thiếu thông tin chống rủi ro

Ông Hoàng Thạch Lân, Giám đốc môi giới Công ty chứng khoán (CTCK) MHBs phân tích: DN càng thua lỗ, rủi ro càng lớn, quyền lợi cổ đông bị ảnh hưởng. Để hạn chế rủi ro, cần công bố thông tin càng nhiều càng tốt. Không chỉ có nhà đầu tư (NĐT), cổ đông mà điều này cũng giúp ích cho các cơ quan quản lý.

Hiện nay,  cứ mỗi quý NĐT mới được tiếp cận với kết quả kinh doanh của DN, xem chừng khá dài. Trong khi các nhà cung cấp, khách hàng, ngân hàng, cổ đông lớn, cổ đông nội bộ có thể nắm trước tiên, thậm chí nhìn ra trước được “số phận” của DN thì cổ đông nhỏ lẻ, NĐT cá nhân phải chờ đến thời điểm công bố báo cáo tài chính mới biết được.

Theo Thông tư 52 hướng dẫn về việc công bố thông tin, công ty đại chúng có quy mô lớn, DN niêm yết sẽ phải công bố thông tin bất thường trong thời hạn 24 giờ khi xảy ra các sự kiện có ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, hoặc tình hình quản trị công ty. Nhưng có lẽ số DN làm đúng theo tiêu chí này rất ít.

Lấy thí dụ: Hiện nay, có DN trong ngành tôn, do vay nợ ngân hàng quá lớn, khả năng tiêu thụ kém, đã dẫn đến việc ngân hàng phong tỏa tài sản, mà cụ thể là hàng hóa, nguyên vật liệu.

DN nếu muốn sử dụng nguyên liệu để sản xuất sẽ phải chuẩn bị một số vốn tương ứng để trả ngân hàng. Rõ ràng, nếu DN nào rơi vào trường hợp này thì hoạt động sản xuất kinh doanh đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Thế nhưng, chắc chắn DN không muốn công bố điều này để “vạch áo cho người xem lưng”. Ở chiều ngược lại, các cơ quan quản lý cũng khó lòng “quản” được tất cả DN để yêu cầu phải công bố bất thường. Trong trường hợp yêu cầu DN này công bố nhưng lại sót DN kia sẽ dẫn đến tâm lý không phục. Để DN tự giác, hay các cơ quan quản lý giám sát vấn đề công bố thông tin bất thường sẽ khó khả thi.

Trong kết cấu nội dung bản cáo bạch của DN, rủi ro thường được trình bày đầu tiên, điều đó nói lên vai trò cực kỳ quan trọng của những thông tin liên quan đến rủi ro. Nhưng các thông tin đó thường được trình bày khá sơ sài, nên không thu hút được sự chú ý của NĐT. Mặt khác, rủi ro của DN sẽ phụ thuộc rất nhiều vào rủi ro của ngành, của nền kinh tế và thay đổi theo từng khoảng thời gian, từng năm, từng tháng thậm chí từng ngày.

Vì vậy, nếu hiện nay NĐT xem lại bản cáo bạch của DN cách đây vài năm để nhận biết rủi ro là không khả thi. Mà thực tế là rủi ro quan trọng hơn cả vấn đề thua lỗ của DN, vì những gì tiêu cực đã và đang xảy ra, điều quan trọng là khi nào rủi ro chấm dứt, để NĐT có thể nhìn và kỳ vọng vào tương lai.

Công bố “lấp liếm” cho qua

Công bố thông tin nhưng lại không đi thẳng vào vấn đề chính tồn tại ở rất nhiều DN, thực chất cũng bắt nguồn từ ý định giấu diếm, giấu cho đến khi… không thể giấu được mới thôi.

Điển hình như trường hợp của Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai (QCG), công bố báo cáo tài chính quý III/2012 của công ty mẹ lãi 1,16 tỷ đồng nhưng đến báo cáo tài chính hợp nhất lại công bố lỗ gần nửa tỷ đồng. Tức là cuối cùng QCG vẫn lỗ và lại lộ ra một cách che đậy khá “vụng về” vì ai chả nắm được công ty đang gặp khó khăn về nợ nần cũng như khâu tiêu thụ ra sao.

Khi công bố báo cáo tài chính quý II/2012 chưa soát xét, một công ty gỗ đưa con số lợi nhuận sau thuế 10,4 tỷ đồng, nhưng đến khi báo cáo soát xét 6 tháng đầu năm 2012 được công bố thì lợi nhuận sau thuế của công ty chỉ còn 3,5 tỷ đồng, chênh lệch đến hơn 60%.

Có nhiều nguyên nhân khách quan dẫn đến chênh lệch về số liệu kế toán, nhưng với mức chênh lệch của công ty gỗ này khó ai có thể tin rằng công ty thật sự trong sáng.

Còn nhớ, những năm trước đây, công ty này được đánh giá khá cao về mức độ minh bạch thông tin, ngay cả khi gặp một số khó khăn. Nhưng kể từ năm 2012, những thiện cảm công ty tạo được đang dần mất đi, từ chuyện kém minh bạch về số liệu kế toán, đến việc phát hành cổ phiếu với giá thấp hơn mệnh giá nhằm huy động vốn.

Ông Nguyễn Ngọc Anh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại SMC, chỉ ra một thực trạng: Giai đoạn 2009-2010, một loạt DN đã đổ bộ lên sàn với mục đích tận dụng thời cơ để huy động vốn, nên  những kỹ năng như đối xử với cổ đông, đẩy mạnh minh bạch thông tin không được chú ý đúng mức. Chính vì vậy, khi gặp khó khăn, yếu tố minh bạch càng bị “bỏ rơi”.

Tháng 6/2010, Công ty Cổ phầnKinh doanh dịch vụ cao cấp Dầu khí Việt Nam (PVR) niêm yết và giao dịch cổ phiếu trên sàn HNX. Thời điểm PVR lên sàn cũng là khởi đầu cho một giai đoạn đi xuống của TTCK mà phải mãi đến đầu năm 2012 mới có những đợt sóng phục hồi. Và dường như đây cũng là lý do khiến công ty có cái tên rất “kêu” này sa vào cảnh phú quý giật lùi.

Tính đến ngày 30/9, nợ ngắn hạn của PVR lên đến 525 tỷ đồng, cao gần gấp 4 lần tài sản ngắn hạn khoảng 137 tỷ đồng, đây là một tỷ lệ đòn bẩy khá rủi ro. Hồi đầu tháng 8, PVR đã giải trình với HNX về nguyên nhân chậm nộp báo cáo tài chính quý II/2012: “Lãnh đạo đi công tác dài ngày nên không ký được báo cáo và công bố thông tin”. Với cách giải trình này, PVR đã lộ rõ sự vô trách nhiệm đối với các cổ đông, coi thường các cơ quan quản lý.

Học bài trễ

Thực tế, không chỉ những DN khó khăn mới có vấn đề về minh bạch mà ngay cả những DN lớn, kinh doanh có lãi cũng buông lỏng công tác này. Cuối tháng 10, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã xử phạt hành chính Nhựa Tiền Phong (NTP) vì một loạt vi phạm hành chính như chậm nộp báo cáo tài chính, nghị quyết Đại hội cổ đông, nghị quyết Hội đồng cổ đông… Nhưng khi xem báo cáo tài chính quý III/2012 của NTP, nhiều người lại thấy khá bất ngờ vì cách trình bày gọn gàng, bắt mắt và thông tin khá đầy đủ.

9 tháng năm 2012, NTP đạt gần 200 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tương đương với EPS 4.600 đồng/CP, cho thấy hiệu quả kinh doanh của công ty trong giai đoạn khó khăn. Dựa vào đây khó có thể nói NTP không minh bạch, nhưng nó cũng phần nào cho thấy tính chất lâu dài, liên tục trong việc thực thi minh bạch của các DN còn tồn tại nhiều vấn đề.

Giai đoạn 2009, ngoài việc TTCK phục hồi sau năm 2008 giảm mạnh, các ngân hàng với gói kích cầu cũng tích cực đưa vốn ra thị trường. Chính điều này đã tạo ra tâm lý dễ dãi đối với các DN khi tiếp cận vốn bao gồm vốn ngân hàng, vốn từ cổ đông.

Trong thời điểm hiện nay, tình thế đã đảo ngược khi phát hành cho cổ đông rất khó và các ngân hàng cũng “siết” DN “tới bến”. Vì sự dễ dãi nên các DN một mặt không có quan điểm phải bảo vệ cho dòng vốn, mặt khác cũng không tôn trọng những người góp vốn, chính là các cổ đông.

Chính vì vậy, khi gặp khó khăn, việc nhận ra sai lầm của mình đã quá muộn và cho dù DN có chủ ý “học lại” cách thức như thế nào cho minh bạch cũng mất không ít thời gian.

Trong một rừng khó khăn, DN sẽ có rất nhiều vấn đề cần phải giải quyết, nếu minh bạch không được xem trọng ngay trong lúc bình thường thì khi khó khăn sẽ càng bị đặt xuống hàng thứ yếu. Điều này sẽ gây ra không ít thiệt hại cho các cổ đông và cả TTCK.

Thời gian qua, các cơ quan quản lý đã đẩy mạnh công tác nhắc nhở, xử phạt, răn đe cũng như có những biện pháp chấn chỉnh vấn đề công bố thông tin mà Thông tư 52 có thể xem là một bước ngoặt. Những quy định về công bố thông tin, định kỳ, bất thường cũng đã ở mức khá đầy đủ.

Chìa khóa sẽ nằm ở việc các DN có tự giác tuân thủ hay không và các cơ quan quản lý sẽ đẩy mạnh hoạt động giám sát  như thế nào.