CPI giảm có đáng lo?

Thu Hà.

TCTC Online - Sau 38 tháng tăng ở ngưỡng dương, chỉ số giá tiêu dùng cả nước tháng 6 đã giảm 0,26%. Có một số ý kiến lo ngại đây là dấu hiệu của giảm phát. Vậy tình hình có thật sự đáng lo ngại và có nên đẩy mạnh kích cầu để kích thích nền kinh tế?

Mối lo kinh tế suy giảm

Trao đổi với phóng viên, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng: Việc chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 giảm chính là hệ quả của sức tiêu dùng bị suy giảm khi chính sách thắt chặt tiền tệ nhằm kiềm chế lạm phát đã bắt đầu nảy sinh các "tác dụng phụ". Đây là biểu hiện của giảm phát, không lấy gì làm vui. Lạm phát giảm mạnh là do sản xuất đình đốn, hàng tồn kho tăng cao, sức mua thấp chứ không phải do các doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng, giảm chi phí để giảm giá thành. Điều này có thể làm cho sản xuất đình đốn, ảnh hưởng tới công ăn việc làm của người lao động.

Còn theo chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh, việc chỉ số CPI giảm trong tháng 6 cũng chưa khẳng định nền kinh tế đã rơi vào tình trạng giảm phát bởi dấu hiệu giảm phát phải liên quan đến chỉ số của một vài tháng. Nhưng theo ông Ánh, các yếu tố tiêu cực cần lưu ý ở đây nằm ở nguyên nhân dẫn đến mức tăng trưởng âm. Loại trừ ba nguyên nhân như: sụt giảm cung tiền/tín dụng, tăng sản lượng chung và tăng cầu tiền thì sụt giảm tổng cầu chính là lý do đã được chuyên gia này cảnh báo từ trước đó. Cụ thể, có đến 5/11 nhóm trong rổ hàng hóa chung giảm với mức từ 0,02-1,64% như: dịch vụ ăn uống, nhà ở, điện nước..., trong đó giảm mạnh nhất vẫn là nhóm giao thông vận tải. “Điều này chứng tỏ thu nhập khó khăn khiến tiêu dùng của đại đa số người dân đều sụt giảm nghiêm trọng”, ông Ánh cho biết.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Thị Hiền cũng cho rằng, mức âm của CPI tháng 6 tiếp nối những tháng giảm liên tiếp trước đó cho thấy nguy cơ kinh tế suy giảm, trong đó điều đáng lo ngại lúc này chính là sự suy giảm sức mua.

Trong khi đó, ông Đỗ Thức, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê lại cho rằng, việc CPI tháng 6 giảm cũng là điều bình thường, không nên quá lo lắng. Theo ông Thức, CPI giảm là kết quả của cả một quá trình thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, có kiểm soát. Nếu căn cứ mục tiêu trong năm 2012 là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô thì việc CPI giảm là một kết quả tích cực. Mặt khác, do CPI của năm trước là rất cao, hơn 20% nên giờ CPI có giảm thì cũng là tất yếu.

Theo ông Thức, khi mà CPI giảm liên tục qua một thời kỳ thì đấy mới là giảm phát. Hiện CPI chỉ mới giảm một tháng, và mức giảm chỉ là 0,26%, còn những tháng trước đó vẫn tăng, nên không thể gọi đó là giảm phát. Nếu cho đấy là giảm phát để rồi lo lắng, vội vã đổ tiền vào nền kinh tế thật nhanh để vực dậy nền kinh tế thì CPI sẽ lại trở lại như thời kỳ năm 2009-2010.

Ông Thức cũng cho rằng, hiện tượng một số DN khó khăn do trước đây giá cả cao, bán sản phẩm không lãi nay phải thu hẹp sản xuất là hệ quả của một nền kinh tế chưa thật ổn định. Nhìn vào số liệu, nếu tình trạng trên tiếp tục diễn ra thì có thể quan điểm kinh tế đang rơi vào trì trệ là đúng. Tuy nhiên, thời gian gần đây, các chỉ số về sức khỏe của nền sản xuất đã có dấu hiệu cải thiện. Ví dụ như chỉ số sản xuất công nghiệp hồi đầu năm tăng rất thấp, có lúc chỉ bằng một nửa năm trước, tăng 4% trong khi cùng kỳ các năm là 9%, nhưng đến tháng 6, chỉ số này ước đã tăng tới 7- 8%. Hàng tồn kho trước đây cao, rất đáng lo ngại nhưng 2 tháng qua cũng đã giảm đáng kể. Việc tồn kho đã giảm liên tục trong 5 tháng qua cũng đã chứng tỏ tín hiệu cải thiện khá tốt. Các yếu tố trên cho thấy tình hình chưa có gì đáng lo ngại và các dấu hiệu khó khăn trên không đến mức độ quá bi quan.

Tuy nhiên, ông Thức cũng cho rằng, với tình hình như hiện nay, việc đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6% như Chính phủ đề ra là rất khó. Theo ông Thức, chỉ tiêu GDP đạt 6- 6,5% như mục tiêu ban đầu là bình thường trong điều kiện lạm phát ở mức 9- 9,5%, tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán khoảng 14-15%, dư nợ tín dụng 15-16%. Nhưng hiện nay các chỉ số không đạt mức như thế, CPI thấp hơn, tổng phương tiện thanh toán, dư nợ tín dụng đều thấp hơn thì GDP sẽ thấp hơn mục tiêu ban đầu.

Kích cầu nhưng cần thận trọng

Theo nhận định của Tổng cục Thống kê,  diễn biến giá cả thời gian qua cùng với tình hình sản xuất ngày càng khó khăn thì CPI tháng 7 sẽ vẫn duy trì xu hướng đi xuống. Dự báo với thực tế hiện nay và triển vọng 6 tháng cuối năm, CPI cả năm 2012 sẽ ở mức hơn 6%. Hầu hết các chuyên gia cũng đều cho rằng, từ nay đến cuối năm mục tiêu kiềm chế lạm phát một con số hoàn toàn hoàn toàn có thể đạt được. Vì vậy, cần phải khắc phục dấu hiệu giảm phát bằng cách kích cầu tiêu dùng, tăng sức mua trong dân chúng.

Theo ông Ngô Trí Long, trong bối cảnh hiện nay, ngoài gói hỗ trợ giảm giãn thuế đối với doanh nghiệp mà Chính phủ đang thực hiện, đòi hỏi Chính phủ phải tạo mọi điều kiện để tháo gỡ khó khăn bằng cách: Kích thích sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng sản xuất; tiếp tục xem xét những khó khăn của doanh nghiệp để có hướng tháo gỡ. Ông Long cho rằng, mặc dù lãi suất đã hạ nhưng khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp hiện nay là việc khó tiếp cận vốn vay. Bên cạnh đó, phải xử lý vấn đề hàng tồn kho để đẩy mạnh tiêu thụ, tạo điều kiện kích cầu tiêu dùng và kích cầu đầu tư.

Đồng tình quan điểm này, ông Ánh cho rằng, tổng cầu đi xuống do hệ quả của việc thắt chặt tiền tệ quá mạnh. Vì vậy, để kích cầu tiêu dùng hơn nữa cần tác động đến chính sách tiền tệ nhưng phải hết sức thận trọng. Theo ông Ánh, một mặt vẫn phải duy trì chống lạm phát, kích thích sản xuất phát triển nhưng mặt khác cũng phải hết sức lưu ý bởi nếu như chính sách tiền tệ nới lỏng quá mức sẽ dễ dẫn đến lạm phát cao quay trở lại như bài học của năm 2009.

Còn theo TS. Nguyễn Thị Hiền, việc điều chỉnh tăng lương hay kỳ vọng vào việc miễn giảm thuế thu nhập cá nhân như vừa qua sẽ có tác động đến CPI trong các tháng tới đây nhưng không đáng kể, do đó, cần tăng chi tiêu Chính phủ như đẩy mạnh đầu tư trong xây dựng cơ bản, kể cả đầu tư công. Riêng với chính sách tiền tệ, mức lãi suất hiện nay là hoàn toàn hợp lý với tình hình kinh tế nhưng phần lớn doanh nghiệp vẫn chưa thể tiếp cận với vốn vay bởi rào cản chính từ bế tắc của doanh nghiệp. Do vậy, bà Hiền kiến nghị nên có chính sách bảo lãnh tài sản cho những doanh nghiệp không có tài sản có thể vay vốn.

Còn theo ông Đỗ Thức, cần làm tổng phương tiện thanh toán tăng lên, để dư nợ tín dụng tăng lên, vì các mức tăng 6 tháng đầu năm nay là quá thấp so với mục tiêu đặt ra. Ông Thức cho rằng tăng thêm tiền nhưng phải làm thế nào để bản thân nền kinh tế có thể hấp thụ được, do đó phải kiểm soát nguồn tín dụng tăng lên đưa vào đúng đối tượng.

Ông Thức cũng nêu quan điểm: “Các ngân hàng cần chia sẻ khó khăn chung với doanh nghiệp. Nếu ngân hàng đạt lãi lớn, trong khi khách hàng mang lại lợi nhuận cho mình lỗ vốn, thì quan hệ không thể bền được. Mỗi người biết chia sẻ với nhau một tí thì chắc chắn kinh tế sẽ phát triển”.