Chấm dứt cho vay ngoại tệ với doanh nghiệp xuất khẩu:

“Cú hích” giảm cầu ngoại tệ

Theo daibieunhandan.vn

Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), từ 31.3.2016, sẽ dừng cho vay ngoại tệ đối với nhóm doanh nghiệp xuất khẩu qua các cửa khẩu, gồm đường bộ, đường thủy và đường hàng không. Quy định nhằm tránh tình trạng vay ngoại tệ quy đổi thành nội tệ để trang trải chi phí. Điều này tác động như thế nào đến thị trường ngoại tệ và kinh tế vĩ mô? Chuyên gia kinh tế NGUYỄN TRÍ HIẾU đã trao đổi với PV Báo Đại biểu Nhân dân về vấn đề này.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Sàng lọc để ổn định thị trường ngoại hối

Phóng viên: Ông bình luận gì về quy định chấm dứt cho vay ngoại tệ đối với doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam?

TS Nguyễn Trí Hiếu: Thông tư 24 của NHNN quy định, từ 31.3, các ngân hàng thương mại (NHTM) sẽ chấm dứt cho vay ngoại tệ với các doanh nghiệp có nhu cầu vốn ngắn hạn trong nước sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới. Đây là nhóm đối tượng chính chịu tác động bởi Thông tư 24. Trước đó, doanh nghiệp sản xuất trong nước có xuất khẩu hàng qua biên giới và có thu nhập bằng ngoại tệ nên được vay ngoại tệ. Tuy nhiên, nhóm đối tượng này chỉ vay ngoại tệ là USD rồi lại quy đổi thành nội tệ VNĐ để chi trả các chi phí sản xuất hàng hóa. Sau khi xuất khẩu, ngoại tệ thu về sẽ trả lại NHTM. Khi áp dụng Thông tư 24, thực chất Nhà nước vẫn cho vay ngoại tệ, chỉ là điều chỉnh từ 4 nhóm thành 3 nhóm được phép vay.

TS Nguyễn Trí Hiếu:“Kinh tế Hoa Kỳ đang trong giai đoạn phục hồi tốt, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) quan ngại có thể tăng trưởng nóng, và khả năng tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát trong tương lai. Nếu kinh tế Hoa Kỳ tiếp tục tăng trưởng tốt, ổn định, khả năng FED tăng lãi suất trong 3 tháng tới rất cao. FED tăng lãi suất sẽ làm tăng giá trị USD, làm giảm giá trị của VNĐ xuống, kéo theo tỷ giá tăng”.

Vì sao phải hạn chế cho vay ngoại tệ bằng USD tại thời điểm này, thưa ông?

Do NHNN đang thành công trong việc ổn định thị trường ngoại hối, xét từ thực tế, những nhu cầu không thực sự cần thiết mà cứ vay ngoại hối sẽ khiến nhu cầu về ngoại hối tăng lên. Điều này chứng tỏ NHNN đang tìm cách sàng lọc và giảm những nhu cầu không thực tế để ổn định thị trường ngoại hối.

Quy định này có bất lợi đối với các doanh nghiệp xuất khẩu qua cửa khẩu?

Thực chất, nhóm này không cần thiết vay ngoại tệ, bởi vay chỉ để đổi ra đồng tiền nội tệ và sử dụng trả chi phí sản xuất. Trước đây, nhiều doanh nghiệp không vay nội tệ do lãi suất khá cao (khoảng 8%), trong khi lãi suất vay ngoại tệ khoảng 3%. Mức chênh từ 3-5% là khoảng cách khá lớn, khiến các doanh nghiệp trong nước có hàng hóa xuất khẩu qua biên giới “ham” vay ngoại tệ.

Vậy thưa ông, dừng cho vay ngoại tệ tại thời điểm này có hợp lý?

Tôi thấy hợp lý. Bởi khi giảm nhóm đối tượng được vay ngoại tệ thì chắc chắn nguồn cầu ngoại tệ sẽ giảm, do đó góp phần ổn định thị trường ngoại hối.

Doanh nghiệp phải chủ động ứng phó

Giải pháp nào hỗ trợ các doanh nghiệp bị dừng vay ngoại tệ tránh bị “sốc”, thưa ông?

Tôi nghĩ không cần thiết, các doanh nghiệp có thể cân đối lại chi phí sản xuất bằng việc giảm các chi phí cho marketing, chi phí nhân sự, hành chính… và tăng hiệu quả sản xuất. Đây không phải là chuyện dễ, nhưng các doanh nghiệp sẽ có giải pháp để bù trừ thiệt hại đang vấp phải. Các doanh nghiệp cần chủ động giải quyết chứ không thể có khó khăn chờ Chính phủ hỗ trợ.

Lãi suất huy động ngoại tệ hiện ở mức 0%, nếu áp dụng Thông tư 24, liệu lãi suất huy động có về âm, thưa ông?

Khi NHNN cảm thấy người dân vẫn găm giữ ngoại tệ thì NHNN quyết định có lãi suất âm (tức là người nào găm giữ ngoại tệ sẽ phải trả phí cho ngân hàng). Điều này sẽ giảm động cơ găm giữ ngoại tệ trên tài khoản. Tại thời điểm này NHNN chưa áp dụng vì chưa thấy cần thiết. Do vậy, trong vài tháng tới khả năng sẽ chưa xảy ra, nhưng lâu dài thì cũng chưa ai đoán được.

Vậy lãi suất âm ảnh hưởng như thế nào đến thị trường vốn, thưa ông?

Thực tế, đã có sự chuyển dịch từ vốn huy động USD sang nội tệ. Người dân có số tiền lớn cũng sẽ được hưởng mức lãi suất khá lớn từ 6,5 - 7%/năm. Một số người vẫn găm giữ USD trong tài khoản dù lãi suất bằng 0%, mục đích không để hưởng lãi suất mà để tiện giao dịch, thanh toán hoặc khi biến động sẽ lấy ra bán trên thị trường tự do.

Cẩn trọng với thị trường ngoại hối

Hạn chế cho vay bằng USD được cho là sẽ góp phần chống “USD hóa”, ông có tin vào điều đó không?

Chính sách chống “USD hóa” đã có thành công nhất định. Thông tư 24 không phải là “công cụ” để chống “USD hóa”. Điểm chính trong việc chống USD hóa là tiền VNĐ ổn định. Muốn chống “USD hóa”, tất cả các quan hệ vay, mượn phải chuyển sang quan hệ mua bán. Tuy nhiên, hiện còn 3 đối tượng được vay USD. Bởi vậy Thông tư này sẽ góp phần ổn định thị trường ngoại hối, nhưng không tác động đến chống “USD hóa”.

Vậy theo ông có nên lạc quan về thị trường ngoại hối hiện nay?

Thị trường ngoại hối được đánh giá là tương đối ổn định, nhưng cần cẩn trọng. So với cuối năm ngoái, tỷ giá USD/VNĐ xuống thấp vài trăm đồng/USD. Dù là tín hiệu tốt, nhưng không thể chủ quan, không nên xem là thành quả trong chính sách ngoại hối, có thể là bước đầu trong ổn định thị trường ngoại hối.

Tăng sức ép tài chính

Tác động của quy định này tới ngân hàng và doanh nghiệp sẽ ra sao, thưa ông?

Những doanh nghiệp trước đó được vay ngoại tệ với lãi suất 3% mà nay phải vay nội tệ với lãi suất 8%. Do đó, quy định mới tác động gây trở ngại cho nhóm doanh nghiệp này, chịu thêm sức ép về tài chính. Nếu chi phí sản xuất tăng lên vì phải vay nội tệ thì chắc chắn giá thành sản phẩm tăng lên. Và khi giá thành tăng, hàng xuất khẩu sẽ kém cạnh tranh hơn trên thị trường quốc tế. Khi đó, doanh nghiệp sẽ chịu thiệt hại.

Theo ông, trên bình diện kinh tế vĩ mô, quy định này sẽ tác động như thế nào?

Đây là tác động từ 2 phía bù trừ nhau. NHNN cho rằng Thông tư 24 sẽ tác động tích cực đến thị trường ngoại hối, và chính sách ngoại hối. Đứng trên góc độ kinh tế vĩ mô thì sẽ ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu.

Xin cảm ơn ông!