Vốn rẻ “tiếp sức”

Những biến động tiêu cực của TTCK Việt Nam trong tuần cuối tháng 6/2013 đã được hóa giải trong nửa đầu tháng 7 vừa qua. Chỉ số VN - Index sau khi tụt về mốc 467 điểm, ngày 24/6/2013 đã trở lại chinh phục ngưỡng 500 điểm trong ngày 18/7.

Bên cạnh các thông tin chính sách như kéo dài thời gian giao dịch đã được 2 sở công bố trước đó, thị trường đón nhận một số thông tin mới và chính thức, trong đó nổi bật là giá vốn trên thị trường tiền tệ rẻ hơn. Bắt đầu từ cuối tháng 6, việc trần lãi suất huy động giảm từ 7,5% xuống 7% là yếu tố tác động để lãi suất đầu ra tiếp tục giảm, hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp (DN). Trong bối cảnh giá vàng đã qua đỉnh sốt, không còn tạo sự hấp dẫn ngắn hạn, tỷ giá tăng và dần thiết lập mặt bằng mới hợp lý hơn, cùng với đó, bất động sản vẫn chưa thực sự có lối thoát thì giá vốn rẻ đang có lợi cho kênh đầu tư chứng khoán.

Theo phân tích của Vietinbank Capital, một phần nguồn vốn rẻ này sẽ chảy vào TTCK trong bối cảnh các kênh đầu tư khác đang mất đi tính hấp dẫn… Nhiều nhận định cho rằng thị trường đang ở chân con sóng dài. Hay nói cách khác, thị trường khó có thể giảm sâu. Qua dữ liệu VN - Index và HNX-Index từ đầu tháng 7/2013 cho thấy các chỉ số rất khó giảm mạnh nhưng cũng không dễ tăng đột ngột. Dù không thể nhận định 2 chỉ số đã phù hợp với nhà đầu tư (NĐT) lướt sóng nhưng đối với những NĐT dài hạn có dự trữ tiền mặt lớn, nhiều công ty chứng khoán (CTCK) nhận định là có thể mua tích lũy chọn lọc dần những cổ phiếu phòng thủ, tuy nhiên chưa nên tham gia vào những cổ phiếu mang tính đầu cơ, beta cao.

Trong một phân tích mới đây, CTCK Đầu tư Việt Nam đưa ra nhận định: Nếu xét một cách tương đồng thì thị trường có thể tạm coi là đáy và đang chống đỡ khá tốt bởi lực cầu giá thấp của NĐT cũng như những thông tin về kết quả kinh doanh bán niên của một vài DN được cập nhật. Ở chiều ngược lại, phía NĐT nắm giữ cổ phiếu cũng đã hạn chế bán ra cổ phiếu giá thấp. Diễn biến này tiếp tục một khoảng thời gian nữa thì khi vùng thông tin xấu qua đi, thị trường sẽ mở ra một cơ hội mới. Còn hiện tại, cho dù thị trường tăng hay giảm thì NĐT cũng không quá quan tâm bởi họ thừa hiểu tác động của nhóm cổ phiếu lớn lên chỉ số ra sao trong điều kiện giao dịch như hiện nay.

Từ nay đến cuối năm TTCK sẽ có những biến động theo xu hướng phục hồi. Vốn ngoại có thể tăng trở lại cả vào TTCK cũng như mua bán và sáp nhập DN. Trên nền tảng đó sẽ kích thích các NĐT trong nước tạo ra thanh khoản lớn hơn trên thị trường.

TS. Lê Xuân Nghĩa -
Chuyên gia kinh tế

Cũng đã có một vài cổ phiếu đang manh nha hình thành xu hướng tăng giá và liệu những cổ phiếu này có thể thắng được xu hướng chung của thị trường. “Chúng tôi cho rằng, thị trường sẽ có sự phục hồi nhẹ trong quý tới. Chỉ số VN-Index có thể quay về vùng 500 - 520 điểm; HNX-Index với biên độ giao động nhỏ hơn có thể quay lại vùng 65 điểm” - Vietinbank Capital lạc quan.

“Sáng” trong trung hạn

Theo CTCK Maybank KimEng, tỷ giá tăng sẽ hạn chế việc rút vốn của các NĐT nước ngoài. Trên thực tế, các NĐT nước ngoài đã giảm mạnh việc bán ròng (chỉ còn bán ròng nhẹ trong nửa đầu tháng 7). Khu vực hỗ trợ quanh 470 - 480 vẫn đang có ý nghĩa với chỉ số thị trường.

Trong khi đó HNX-Index cũng đang có những dao động phù hợp với phần tay cầm trong mô hình kỳ vọng CUP and Handle. Rủi ro NĐT cần tránh trong giai đoạn này chính là về thanh khoản. NĐT có thể duy trì trạng thái danh mục, tránh các giao dịch thường xuyên trong điều kiện thanh khoản yếu và không nên thực hiện bán ra ở các mức giá thấp trong các dao động giảm.

Tại hội thảo “Triển vọng kinh tế và TTCK 6 tháng cuối năm 2013”, do CTCK Vietcombank tổ chức vào ngày 13/7/2013, TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia cho biết, nền kinh tế Việt Nam đang trên đà hồi phục. Bởi vậy, kịch bản tăng điểm của thị trường 6 tháng cuối năm là khá triển vọng và dự báo dòng vốn nội sẽ là yếu tố dẫn dắt chính.

Cụ thể, sự phân hóa của cổ phiếu vẫn sẽ tiếp diễn, trong đó nhóm ngành tài chính, bất động sản hay vật liệu xây dựng… vẫn sẽ kém hấp dẫn hơn trước. Các nhóm ngành đặc thù nhận được nhiều sự ưu ái từ các chính sách của Chính phủ sẽ là những nhóm ngành có mức tăng điểm mạnh và ổn định trên thị trường như nhóm ngành dầu khí - hóa chất, nhóm ngành xây dựng cơ bản, hàng tiêu dùng thiết yếu, thực phẩm, cao su, dược phẩm...

Có thể tin tưởng rằng, dù trong ngắn hạn, TTCK vẫn đối mặt với không ít khó khăn nhưng trong trung hạn, đang xuất hiện nhiều thông tin dự báo một giai đoạn tăng trưởng mới, dựa trên các yếu tố cơ bản đã và đang dần tốt hơn. Và với quyết tâm đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu trên TTCK do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thực hiện, đặc biệt là việc sáp nhập 2 sở, 2 sàn vào cuối năm 2013 hay ban hành các sản phẩm chứng khoán mới, một nền tảng mới vững chắc sẽ tạo cơ sở cho thị trường phục hồi và tăng trưởng ổn định.

Bài đăng trên Tài chính & Đầu tư số 7 - 2013

“Cửa" phục hồi vẫn sáng

Thu Trang

(Tài chính) Dòng vốn rẻ cùng hàng loạt chính sách hỗ trợ như tăng thời gian giao dịch, đề xuất nới room, nỗ lực vận hành thị trường minh bạch đang tạo điểm tựa cho thị trường chứng khoán (TTCK) phục hồi. Dù vậy, sức phục hồi dự báo khó có thể mạnh mẽ.

Xem thêm

Video nổi bật