Cửa ra cho cổ phiếu hủy niêm yết

Theo Đầu tư Chứng khoán

Khi số lượng doanh nghiệp (DN) hủy niêm yết ngày càng nhiều, cần nhất là giải quyết bài toán thanh khoản cho cổ phiếu sau hủy niêm yết.

Cửa ra cho cổ phiếu hủy niêm yết
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Lần lượt rời sàn

Tiếp theo 21 cổ phiếu rời sàn trong năm 2012, công ty cổ phần Viglacera Thăng Long đã được HNX chấp thuận cho hủy niêm yết 6,99 triệu cổ phiếu TLT kể từ ngày 28/2. Trước đó, đại hội cổ đông của DTC đã thống nhất kế hoạch rời sàn. Ngày 30/1 vừa qua, 34 triệu cổ phiếu của công ty cổ phần Vinafco (mã VFC) trên sàn HOSE đã chính thức bị hủy niêm yết. Quyết định này dựa theo nguyện vọng của đa số cổ đông, đã được thông qua tại đại hội cổ đông năm ngoái.

Một số DN có kết quả thua lỗ liên tục đang đối diện với nguy cơ bị hủy niêm yết bắt buộc như: công ty cổ phần Container Phía Nam (VSG) thua lỗ 3 năm liên tiếp, lỗ lũy kế 140,5 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 17 tỷ đồng; công ty cổ phần Hàng hải Đông Đô (DDM) chưa công bố báo cáo tài chính quý IV/2012, nhưng tính đến hết quý III/2012, vốn chủ sở hữu âm 3,5 tỷ đồng; công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng điện Mê Ca Vneco (VES) lỗ 3 năm liên tiếp. Bên cạnh đó, HOSE đã ra thông báo một loạt cổ phiếu khác đối diện với nguy cơ bị tạm ngưng giao dịch như: DTT, HAX, DRH…, do kết quả kinh doanh yếu kém.

Theo quy định, khi doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh thua lỗ trong 3 năm liên tục hoặc tổng số lỗ lũy kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất, thì DN đó bị buộc hủy niêm yết cổ phiếu. Quy định này cộng với tâm thế muốn rời sàn của nhiều DN đã khiến nhiều chuyên gia nhận định, làn sóng rời sàn sẽ còn tiếp diễn.

Khi cổ phiếu của DN bị hủy niêm yết, đối tượng thiệt thòi nhất là cổ đông nhỏ. Thứ nhất, giá cổ phiếu của DN trước tin hủy niêm yết đều giảm mạnh. Thứ hai, các công ty không chuyển sang sàn UPCoM như đã hứa, khiến giao dịch cổ phiếu sau khi hủy niêm yết rất khó khăn. Một đại diện HOSE cho biết, “chưa thấy công ty nào chuyển sang sàn UPCoM như họ tuyên bố ban đầu”.

Không niêm yết, cũng không đăng ký giao dịch cổ phiếu trên UPCoM, cổ đông nắm giữ cổ phiếu của DN chẳng khác gì nắm tờ giấy trắng, vì không thể bán và chuyển hóa cổ phiếu thành tiền. Chưa kể, khi không niêm yết, cổ đông muốn tìm hiểu thông tin về công ty gặp khó khăn hơn trước rất nhiều. Bởi lẽ, khi hủy niêm yết, DN không buộc phải công bố báo cáo tài chính quý, bán niên, năm. Việc công bố thông tin doanh nghiệp phụ thuộc vào mức độ tự giác của DN. Nếu DN chọn cách “im lặng”, cổ đông cũng không thể làm gì hơn.

Tìm hướng gỡ

Chính phủ đã ban hành Nghị định 58/2012/NĐ-CP trong đó quy định, DN muốn hủy niêm yết tự nguyện phải thuyết phục được trên 50% cổ đông nhỏ ủng hộ. Tuy nhiên, khi cổ đông cân nhắc và thấy rằng, DN rời sàn sẽ tốt hơn, thì cơ chế giao dịch cho cổ phiếu bị hủy niêm yết (cả hủy niêm yết tự nguyện và bắt buộc) là vấn đề đáng quan tâm nhất.

Ngày 31/1, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ra một cơ chế chung, cho phép cổ phiếu ngoài sàn có “chỗ” để giao dịch cổ phiếu. Theo đó, chỉ cần cổ phiếu đã lưu ký, thì dù cổ phiếu bị rút niêm yết vẫn có thể giao dịch. Tuy nhiên, chỉ 2 loại chứng khoán được áp dụng cơ chế này là chứng khoán đã lưu ký nhưng chưa niêm yết/giao dịch và chứng khoán của DN bị hủy niêm yết, tạm ngưng giao dịch.

Khi muốn giao dịch, nhà đầu tư đến làm thủ tục ở thành viên lưu ký (tức công ty chứng khoán đã mở tài khoản cho nhà đầu tư). Sau khi tiếp nhận hồ sơ chuyển nhượng cổ phiếu, công ty chứng khoán sẽ chuyển cho Trung tâm Lưu ký. Sau 5 ngày, nhà đầu tư sẽ nhận được hồ sơ hợp lệ. Quy định này dự kiến được áp dụng từ 1/3/2013, mở hướng ra cho nhu cầu chuyển nhượng cổ phiếu sau hủy niêm yết.