“Cửa” sinh lời cho vốn ngoại?

nguyên thảo

(Tài chính) Sự cải thiện của các chỉ số kinh tế vĩ mô Việt Nam năm 2013 và dự báo cả năm 2014 đang tạo nên chuyển biến tích cực cho thị trường chứng khoán (TTCK). Đây là cơ sở để đưa ra nhận định, dòng vốn đầu tư gián tiếp (FII) đến với thị trường sẽ ngày một “ấm” hơn.

Dòng vốn ngoại sẽ trở lại mạnh mẽ với thị trường cổ phiếu. Nguồn: internet
Dòng vốn ngoại sẽ trở lại mạnh mẽ với thị trường cổ phiếu. Nguồn: internet

Vốn ngoại không rút

Kết quả thống kê trên TTCK Việt Nam năm 2013 cho thấy, dòng vốn nội đóng vai trò chủ đạo trong các đợt tăng điểm của thị trường. Tuy nhiên, không thể phủ nhận vai trò “dẫn dắt” của dòng vốn FII, dù không còn mạnh mẽ như những năm trước đây. Nhìn lại chặng đường 1 năm đã qua, ở một số thời điểm, vai trò của các nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài trên TTCK vẫn không hề tỏ ra yếu thế.

Theo số liệu từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước công bố ngày 11/12/2013, trái ngược với dự báo trước đó về sự thoái lui của vốn ngoại, tổng dòng vốn nước ngoài luân chuyển trên thị trường tài chính Việt Nam trong năm 2013 vẫn tăng 54%. Riêng với lĩnh vực đăng ký giao dịch chứng khoán, trong 11 tháng đầu năm 2013, đã có thêm 676 NĐT nước ngoài được Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) cấp mới mã số giao dịch mới, trong đó có 412 NĐT cá nhân và 264 NĐT tổ chức. Sự gia tăng này đưa tổng số tài khoản đăng ký giao dịch của NĐT nước ngoài trên TTCK Việt Nam tới thời điểm này lên 16.677, trong đó có 14.434 NĐT cá nhân và 2.243 NĐT tổ chức.

Sự gia tăng lượng tài khoản giao dịch của NĐT nước ngoài thời điểm này gắn với một sự kiện nhiều khả năng sẽ diễn ra trong tương lai gần: Chính phủ thông qua việc nới “room” sở hữu cho các NĐT nước ngoài tại công ty đại chúng cũng như doanh nghiệp (DN) niêm yết. Dù không quá lạc quan việc nới “room” sẽ giúp vốn ngoại chảy mạnh nhưng đây là cơ sở để tin rằng sẽ có thêm nhiều NĐT nước ngoài đến TTCK Việt Nam tìm cơ hội ở những công ty làm ăn hiệu quả.

Thực tế thị trường cho thấy, dù trong thời điểm phải chịu nhiều áp lực thoái vốn như năm 2012 và 2013 nhưng “room” dành cho các NĐT nước ngoài tại các công ty niêm yết có kết quả kinh doanh tốt như VNM, FPT, GMD, PVD… vẫn luôn được lấp đầy.

Chờ nới “room” cho vốn ngoại

Sau khi luân chuyển và “trú ngụ” trên thị trường trái phiếu, rất có thể khi cơ hội tăng “room” gắn với cổ phần hóa DN mới mở ra, dòng vốn ngoại sẽ trở lại mạnh mẽ với thị trường cổ phiếu. Dù vậy, theo các chuyên gia tài chính, kinh nghiệm những năm qua chắc chắn sẽ khiến các NĐT nước ngoài lựa chọn rất kỹ lưỡng đối tác để đảm bảo sinh lời. Với tầm nhìn 5 - 7 năm, cơ hội để các quỹ ngoại tối ưu hóa lợi nhuận khi kinh tế Việt Nam thực sự phục hồi là khá lớn. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng các dòng vốn ngoại sẽ nhảy vào thâu tóm tài sản rẻ, mua gom cổ phần của các công ty trong nước đang nắm nhiều lợi thế về tài sản, đất đai để thực hiện M&A.

Cách đây đúng một năm, chính dòng vốn ngoại là điểm tựa để TTCK Việt Nam có bước tăng điểm và phục hồi khá ấn tượng. Bởi vậy, tháng 12/2013 và quý I/ 2014 rất có thể là chu kỳ giải ngân mới của khối này. Thêm một tín hiệu vui là ngày 2/12/2013, Asia Frontier Capital Limited vừa thành lập một quỹ mở đầu tư vào các cổ phiếu Việt Nam với tên gọi AFC Vietnam Fund có quy mô dự kiến 50 triệu USD. Mục tiêu của AFC Vietnam Fund là tăng vốn cho NĐT trong dài hạn thông qua việc tìm cơ hội đầu tư ở những công ty tăng trưởng, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa.

Được biết, Asia Frontier Capital Limited là một công ty quản lý quỹ tiên phong chuyên đầu tư vào các nền kinh tế sơ khai có tốc độ tăng trưởng cao của châu Á thông qua việc quản lý quỹ AFC Asia Frontier Fund. Hiện AFC Asia Frontier Fund đang đầu tư vào các cổ phiếu niêm yết của các thị trường sơ khai có mức tăng trưởng cao của châu Á như Bangladesh, Campuchia, Iraq, Lào, Mongolia, Myanmar, Pakistan, Papua New Guinea, Sri Lanka và Việt Nam.

Quỹ mở AFC Vietnam Fund có quy mô dự kiến 50 triệu USD, được thành lập đầu tháng 12/2013. Mục tiêu của AFC Vietnam Fund là tăng vốn cho nhà đầu tư trong dài hạn thông qua việc tìm cơ hội đầu tư ở những công ty tăng trưởng, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa.

Theo ông Andreas Karall, Giám đốc Thông tin của Asia Frontier Capital Limited Việt Nam thì sự phục hồi trên 20% của TTCK Việt Nam trong năm 2013, nằm trong top những thị trường tăng trưởng mạnh nhất châu Á cho thấy tiềm năng của TTCK Việt Nam vẫn khá hấp dẫn. Sau đà giảm giá cổ phiếu 70-90% trong các năm từ 2007- 2011, Asia Frontier Capital Limited nhận thấy tiềm lớn của thị trường trong 5 - 7 năm tới, khi kinh tế Việt Nam bước vào giai đoạn tăng trưởng cao.

Theo nghiên cứu của Frontier Capital Limited Việt Nam thì 1/3 số DN niêm yết của Việt Nam có thị giá cổ phiếu dưới giá trị sổ sách, hệ số P/E chỉ từ 6-7 lần, cổ tức cao hơn lãi suất ngân hàng, do đó rất hấp dẫn để đầu tư trung và dài hạn. Đặc biệt, việc Chính phủ đẩy mạnh tái cơ cấu lĩnh vực ngân hàng và tập trung kích thích kinh tế sau khi kinh tế vĩ mô ổn định sẽ mở ra cơ hội lợi nhuận tốt hơn cho các DN niêm yết.

Có thể khẳng định, các NĐT nước ngoài vẫn nhìn thấy “cửa” sinh lời trên TTCK Việt Nam nhưng cũng sẽ thận trọng hơn rất nhiều. Sự kỳ vọng vốn ngoại vào mạnh thời điểm này là khó khả thi. Trong thời gian tới, việc giữ chân và khai thác dòng vốn này như thế nào phụ thuộc vào các DN bởi khi các quỹ mở ra đời là chấp nhận dòng vốn FII sẽ “nóng” hơn cũng như khó kiểm soát hơn.

Bài đăng trên Tài chính & Đầu tư số 12 - 2013