Cung ứng đầy đủ nguồn hàng dịp cuối năm và Tết Nguyên đán

PV.

Càng đến cuối năm, các doanh nghiệp và người kinh doanh càng khẩn trương khai thác nguồn hàng chuẩn bị bán trong dịp Tết. Nguồn hàng hóa dự trữ dồi dào, nhưng vấn đề giá cả vẫn khiến người tiêu dùng quan tâm, lo lắng.

Nhiều doanh nghiệp đã chuẩn bị các gian hàng phục Tết. Nguồn: internet
Nhiều doanh nghiệp đã chuẩn bị các gian hàng phục Tết. Nguồn: internet

Người tiêu dùng lo lắng đến dịp Tết hàng hóa sẽ tăng giá, đặc biệt do thông tin tăng lương cho người lao động càng làm hiệu ứng tăng giá bị đẩy lên. Tuy nhiên, tham khảo thị trường, nhà phân phối và kinh doanh buôn bán nhỏ đều cho biết, vấn đề tăng giá không do lý do tăng lương mà do nguồn cung. Nếu nguồn cung giảm, không đủ, đặc biệt là hàng rau, củ quả, tươi sống... phục vụ ăn uống, thì tất yếu giá cả sẽ bị đẩy lên cao.

Hàng nông sản thiết yếu: Hàng hóa phục vụ cho nhu cầu ăn uống vẫn khiến người dân quan tâm nhiều nhất. Người sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ do sản xuất kinh doanh không hiệu quả, không thu được lợi nhuận cao đã đang chuyển nghề sang làm việc ở ngành nghề khác, như dịch vụ ăn uống, đưa hàng, gia công… đây là xu hướng thấy rõ tại các khu vực cung cấp hàng nông sản lân cận các thành phố và khu đô thị lớn. Các doanh nghiệp sản xuất chưa tham khảo hết nhu cầu, cung cấp hàng hóa chưa đa dạng, sản xuất chưa có năng suất, khâu bảo quản và vận chuyển chưa đảm bảo chất lượng hàng… cũng khiến hàng hóa không ổn định, giá thành cao, làm giá bàn hàng tăng lên và tăng cao trong dịp Tết.

Hàng tiêu dùng thông thường: Một số mặt hàng (đóng gói, khô, nhập khẩu, quần áo…) thì đã trong tình trạng bão hòa, không có yếu tố tăng giá, tuy nhiên, dịp Tết lượng tiêu thụ tăng lên cũng có thể khiến giá bị đẩy lên.

Các mặt hàng điện lạnh, công nghệ cao có thể giữ và giảm giá do nhu cầu trong dịp Tết không tăng.

Tuy nhiên, để đảm bảo bình ổn giá trong dịp cuối năm và Tết, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương chú trọng phát triển thị trường trong nước. Chuẩn bị kế hoạch cung ứng đầy đủ nguồn hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.

Khơi thông nguồn hàng từ nơi thừa sang nơi thiếu, đầu tư khai thác nguồn hàng (kể cả nhập khẩu và sản xuất trong nước) phục vụ nhu cầu đa dạng và đặc trưng ngày tết cổ truyền dân tộc... là nhiệm vụ của ngành thương nghiệp.

Không chỉ chú trọng vào hàng có giá trị cao, hàng cao cấp phục vụ người tiêu dùng có thu nhập cao mà cần chú trọng hàng hóa bình dân để phục vụ đại đa số người tiêu dùng trong nước.

Ở tầm cao hơn và xa hơn, Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tập trung phát triển mạnh hình thức trồng trọt, chăn nuôi tập trung, quy mô lớn. Phân bố lại lao động ngành nông nghiệp, giảm lao động nông nghiệp nhỏ lẻ, phân tán, chuyển sang sản xuất tập trung, áp dụng kỹ thuật và công nghệ tiên tiến… chỉ có như vậy mới đảm bảo nguồn hàng và ổn định giá cả cả năm.

Một công tác quan trọng giúp kiểm soát giá cả: Tăng cường phối hợp kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm tình trạng găm hàng, nhập lậu, hàng chất lượng kém, đẩy giá cả không có căn cứ (nhất là mặt hàng phục vụ ăn uống)...

Trách nhiệm của Chính phủ là phải quan tâm chăm lo đời sống người dân (nhất là đối với người có công với cách mạng, đối tượng chính sách xã hội, đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số), đảm bảo cho người dân có Tết no ấm, yên vui. Đảm bảo hỗ trợ bằng tiền và vật chất đến tay các đối tượng chính sách.

Kiểm soát hàng hóa và giá cả ở các thành phố lớn: ở các thành phố lớn và lân cận, giá cả thường tăng cao hơn so với các địa phương khác trong dịp Tết. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2015 của thành phố Hà Nội tăng 0,04% so tháng trước và tăng 0,76% so với cùng kỳ, CPI tháng 11 trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh tiếp tục tăng nhẹ 0,1% so với tháng 10. Do đó, để giữ ổn định chỉ số giá tiêu dùng cảu cả nước, không theo đà tăng cao, điều quan trọng là giữ ổn định chỉ số CPI của các thành phố lớn, phấn đấu CPI không tăng quá cao trong dịp cuối năm và Tết.

Chính phủ chỉ đạo các ngành các cấp liên quan, phải phối hợp làm tốt công tác cung ứng nguồn hàng và kiểm soát chặt chẽ giá cả tiêu dùng tại các thành phố lớn và lân cận, không để tình trạng vin vào dịp Tết, năm nào giá cả cũng tăng và là tiền lệ để giá leo lên một nấc nữa mà không quay đầu lại, dù hàng hóa có ổn định trở lại.

Vai trò của ngành Tài chính rất quan trọng trong bình ổn giá, do vậy, Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng chỉ đạo thuế, hải quan, tổng cục giá... đẩy mạnh, tăng cường các đội công tác thanh tra, giám sát, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, nhà đầu tư cung ứng luồng hàng trôi chảy và ổn định giá.