Cuộc chơi bắt đầu vui…

Theo thoibaokinhdoanh.vn

(Tài chính) Thị trường chứng khoán (TTCK) đã khởi sắc sau nhiều phiên giảm điểm, khối ngoại bắt đầu mua vào nhiều hơn bán ra, tạo hiệu ứng cho các nhà đầu tư (NĐT). Đặc biệt, cổ phiếu nhỏ dù làm ăn thua lỗ, chưa có gì khởi sắc mà vẫn tăng trần ồ ạt, khiến các chuyên gia phân tích cũng đành bó tay.

 Cuộc chơi bắt đầu vui…
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Có những cổ phiếu tăng trần liên tục, làm cho cuộc chơi cổ phiếu mệnh giá thấp bắt đầu vui trở lại. Công việc "nhàm chán" của 2 sàn giao dịch là HSX và HNX là khi thấy cổ phiếu tăng trần hoặc giảm sàn nhiều phiên liên tiếp thì yêu cầu doanh nghiệp (DN) giải trình.

Có rất ít DN đưa ra lý do chính đáng mà chỉ công bố không có thông tin gì bất thường, NĐT mua bán theo cung - cầu thị trường, không thể can thiệp được. Còn dòng tiền đầu cơ tìm đến để kỳ vọng tăng giá khi có lợi nhuận đột biến, hay đơn giá thấy sóng thì mua vào kiếm lời mà chả cần lý do gì cả.

Cổ phiếu cực nóng

Cổ phiếu KMR từng bị đưa vào cảnh báo vì lợi nhuận kiểm toán sau thuế của năm trước bị âm do trích lập dự phòng. Cổ phiếu này đã liên tục bị bán sàn khiến cho cổ đông ngậm ngùi.

Sau đó, KMR có thông tin liên quan đến cổ đông lớn là Mirae Fiber đã ra tay mua 5,6 triệu cổ phiếu phát hành thêm của KMR với giá 10.000 đồng, trong khi thị giá của KMR lúc đó chỉ dưới 3.000 đồng/cổ phiếu.

NĐT đặt dấu hỏi về năng lực tài chính của Mirae Fiber cũng như khoản nợ của công ty này với KMR khiến cho đang lãi chuyển sang lỗ, gây choáng váng cho cổ đông.

Qua thương vụ có thể thấy rằng việc Mirae Fiber mua cổ phiếu KMR bằng tiền hoặc bằng tài sản là khá nhập nhằng và có chủ đích rõ ràng. Sau khi mua cổ phiếu KMR, Công ty Mirae Fiber đã bán được lượng hàng tồn kho lớn cho KMR gần 128 tỷ đồng.

Công ty này đã thanh toán cho KMR bằng tài sản trị giá 56 tỷ đồng và vẫn còn nợ 44,3 tỷ đồng mà không biết khi nào mới trả. Đây quả là món hời cực lớn khi vừa nắm được số cổ phiếu lớn mà lại vừa bán được lượng hàng khủng.

Vì vậy, NĐT đã nương theo thương vụ nhập nhằng trên để đánh sóng cổ phiếu KMR mà chẳng cần lý do chính đáng nào khác. Có những phiên, NĐT chốt lời bán ra hàng triệu cổ phiếu nhưng vẫn được mua vào hết.

Hiện lực đầu cơ ở cổ phiếu này vẫn rất mạnh và áp đảo hoàn toàn thanh khoản phía bán ra, sẵn sàng chấp nhận hoạt động chốt lời bất kỳ thời điểm nào. Với mức tăng khoảng 55% trong 13 phiên đem lại khoản lợi nhuận vô cùng tốt cho NĐT thì việc xả hàng KMR cũng là đương nhiên. Đà tăng không ngừng nghỉ suốt 2 tuần vừa rồi khiến KMR có một sức hấp dẫn rất khó cưỡng.

Một cổ phiếu khác là VCV cũng có tới 13 phiên tăng trần liên tiếp ngay sau chuỗi 6 phiên liên tiếp giảm sàn của cổ phiếu này. VCV đã phải giải trình khá đơn giản và nhàm chán: "Trong thời gian qua, không có thông tin gì ngoài các thông tin mà công ty đã công bố, diễn biến giá cổ phiếu VCV hoàn toàn tuân theo cung - cầu của thị trường. Việc mua - bán cổ phiếu là do NĐT quyết định, không nằm trong sự kiểm soát của công ty và công ty cũng không có bất kỳ sự can thiệp nào vào diễn biến giá của cổ phiếu VCV".

Biến động giá cổ phiếu VCV giống hệt như một chiếc xe vừa trượt dốc không phanh đã vội nhấn ga đi hết tốc độ. Và, với kết quả kinh doanh không mấy sáng sủa với 2 năm liên tiếp 2011 - 2012 lỗ, 6 tháng đầu năm 2013 lỗ, thì kỳ vọng đổi vận không thực sự nhiều.

Công ty đang xin ý kiến cổ đông bằng văn bản về giá chào bán tàu Vinaconex Lines, tuy nhiên, kết quả thế nào vẫn chưa có. Chỉ đơn giản như vậy mà NĐT vẫn lao đầu vào mua cổ phiếu này bằng mọi giá.

Săn lùng bằng mọi giá

Dòng tiền đầu cơ bắt đầu săn lùng các cổ phiếu khác dù có rung lắc, dìm hàng, đánh lên hay bán ra, nhưng NĐT nào kiên nhẫn nắm giữ thì chắc chắn sẽ đạt lợi nhuận cao.

Theo thống kê, cổ phiếu tốt, giá rẻ chỉ bằng mớ rau, hay ly trà đá trên TTCK vẫn còn rất lớn. Cho nên dòng tiền đầu cơ đánh sóng đang tìm mọi cách săn lùng để đánh lên kiếm lời. Với thị giá rất thấp, chi phí đầu cơ không nhiều.

Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi của các đợt đầu cơ đều là khi giá tăng càng cao thì năng lực mua của dòng vốn vào càng giảm. Trừ các hoạt động mua đầu tư hoặc thâu tóm, còn lại, nhà đầu cơ phải tính đến khả năng thoát ra.

Chẳng hạn như gần 2 triệu KMR được trao tay ngày 10/10 vừa qua đến ngày 16/10 đã tăng thêm hơn 15% so với ban đầu, tức là cần một lượng tiền lớn hơn để có thể cân bằng giao dịch.

Một cổ phiếu nóng khác có thông tin hỗ trợ là Công ty chứng khoán Bảo Việt chấp nhận bảo lãnh phát hành 18,53 triệu cổ phiếu (tương đương 185,31 tỷ đồng) với giá 10.000 đồng. Nếu đợt phát hành không được mua hết, đơn vị bảo lãnh sẽ mua toàn bộ phần ế.

Sau thông tin trên, cổ phiếu KSA đã tăng trần mạnh mẽ. Đây là thông tin khá bất ngờ khiến cổ phiếu này đã có phiên giao dịch khá bùng nổ. Cho nên, dòng tiến đầu cơ sẵn sàng nhảy vào KSA để đẩy lên tối thiểu ngang bằng với giá bảo lãnh.

Qua dẫn chứng và phân tích những cổ phiếu tăng nhanh, giảm sâu hoặc giảm sâu liên tục rồi lại tăng lên nhanh chóng khiến NĐT bị bất ngờ và đa phần không kịp trở tay. Điều đó cho thấy tính bất ngờ của thị trường, làm hấp dẫn dòng tiền đầu cơ và hình như không dành cho kẻ yếu bóng vía.

Còn việc giải trình của DN, xin nhắc lại là quá nhàm chán, chẳng có gì hứng thú để NĐT quan tâm. DN chỉ cần giải trình là không gì bất thường ngoài những thông tin đã công bố.

Vì vậy, NĐT và dòng tiền đầu cơ chỉ quan tâm là làm sao để tiền sinh lời nhanh nhất, nhiều nhất và ít rủi ro nhất mà thôi. Ai nắm được quy luật ấy, người đó sẽ chiến thắng. Cuộc chơi đang bắt đầu vui…