“Cuộc chơi” số hóa mới bắt đầu

Theo Thanh Hoa/thoibaokinhdoanh.vn

Đổ hàng chục triệu USD mỗi năm để phát triển ngân hàng số, song so với thị trường những nước tiên tiến, số lượng ngân hàng số ở Việt Nam còn ở mức khiêm tốn, các ngân hàng chỉ mới ở giai đoạn đầu của quá trình số hóa.

93% ngân hàng hiện đang đầu tư đổi mới công nghệ và phát triển kênh bán hàng qua công nghệ số (Internet Banking, Mobile Banking…). Nguồn: Internet
93% ngân hàng hiện đang đầu tư đổi mới công nghệ và phát triển kênh bán hàng qua công nghệ số (Internet Banking, Mobile Banking…). Nguồn: Internet

Theo khảo sát của CTCP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), có 93% ngân hàng hiện đang đầu tư đổi mới công nghệ và phát triển kênh bán hàng qua công nghệ số (Internet Banking, Mobile Banking…); 80% cho biết đang số hóa các nghiệp vụ lõi của ngân hàng và thu hút lao động trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ thông tin.

Dốc lực cho cuộc đua

Ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Phó Ban chỉ đạo Fintech, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cho biết ngành ngân hàng đang bắt kịp xu hướng ứng dụng công nghệ 4.0 trong nền kinh tế.

Hiện, các ngân hàng tự đổi mới công nghệ với tốc độ rất nhanh, phát triển các ứng dụng riêng hoặc tăng cường hợp tác với các công ty Fintech (công nghệ trong tài chính).

Trong đó, hầu hết các ngân hàng đã sử dụng điện toán đám mây, xây dựng và đẩy mạnh sử dụng dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI) và bắt đầu nghiên cứu công nghệ chuỗi khối blockchain, Internet kết nối vạn vật (IoT). Nhờ đó đã tạo nên cuộc chuyển mình mạnh mẽ từ phục vụ theo kiểu truyền thống sang phục vụ bằng công nghệ, ngân hàng số.

Năm 2018, dịch vụ ngân hàng số thật sự trở thành cuộc đua của các ngân hàng khi hàng loạt kế hoạch, dự án đầu tư phát triển lĩnh vực này được công bố. Nhiều ngân hàng đã ghi dấu ấn với những mô hình ngân hàng số của riêng mình.

Chẳng hạn, VIB cho ra đời ứng dụng ngân hàng di động MyVIB dành cho điện thoại thông minh trên các hệ điều hành iOS, Android và Windows Phone.

Vietcombank cũng giới thiệu không gian giao dịch công nghệ số lần đầu tiên tại Việt Nam (Digital Lab), nơi khách hàng có thể trải nghiệm một khu vực giao dịch tự phục vụ ngay chính bên trong ngân hàng.

Tương tự, VietinBank với Corebank thế hệ mới hiệu suất cao tích hợp đa dịch vụ và kho dữ liệu doanh nghiệp (EDW), MB với ứng dụng trợ lý ảo ChatBot phục vụ khách hàng 24x7 trên mạng xã hội, LienvietPostBank với ViViet, TPBank với LiveBank…

Không chỉ dừng lại ở những ứng dụng điện toán đám mây, Big Data, AI, một số ngân hàng bắt đầu triển khai thử nghiệm ứng dụng công nghệ blockchain trong chuyển tiền, nhằm giảm chi phí và tăng tính minh bạch như: VIB, TPBank, VietinBank với CTCP Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas).

Theo các chuyên gia, cuộc đua ngân hàng số không chỉ để đáp ứng xu thế của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 của nền kinh tế, mà còn nhằm mục đích phục vụ xu hướng tiêu dùng đang dần thay đổi của người dân, để từ đó hướng đến mục tiêu gia tăng số lượng khách hàng.

Ví dụ, đầu tư vào ngân hàng số, VPBank đặt mục tiêu tạo ra 1 triệu khách hàng mới. Còn ACB dự kiến chi 30- 35 triệu USD mỗi năm để đầu tư vào công nghệ thông tin nhằm đạt kế hoạch gia tăng nhanh số lượng khách hàng mục tiêu mỗi năm…

Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định, mặc dù mỗi năm các ngân hàng đổ hàng chục triệu USD để phát triển các ứng dụng ngân hàng số, song trên thực tế chỉ mới ở giai đoạn đầu của quá trình số hóa.

Mấu chốt là hành lang pháp lý

Hầu hết các ứng dụng này mới chỉ dừng lại ở việc cung cấp cho khách hàng một số trải nghiệm dịch vụ thanh toán và chuyển tiền qua ngân hàng điện tử trên nền tảng số hóa như: Internet Banking, Mobile Banking…

Một chuyên gia công nghệ thông tin cho biết: "Nhiều người vẫn đang nhầm lẫn các ứng dụng thanh toán điện tử, ví điện tử, loại hình cho vay ngang hàng kết nối vào ngân hàng… là ngân hàng số, nhưng thực chất đó mới chỉ là một phần của ngân hàng số".

Theo vị chuyên gia này, theo quy chuẩn của quốc tế, một ngân hàng số phải có đầy đủ ứng dụng Onlinebanking/E-Banking hay Digital Banking, nghĩa là tất cả các dịch vụ ngân hàng truyền thống như: rút/ chuyển tiền, gửi tiết kiệm, quản lý tài khoản thanh toán/tiết kiệm, vay vốn ngân hàng, thanh toán hóa đơn và sử dụng các dịch vụ khác đều được gói gọn trên website hoặc thiết bị di động.

Hiện tại, ở Việt Nam mới chỉ có duy nhất ngân hàng số "Timo" của VPBank mang đến cho người dùng trải nghiệm tài chính hiện đại đúng nghĩa là một ngân hàng số.

Trên thực tế, hiện nay, các ngân hàng đều ý thức được việc họ có thể bứt phá từ một ngân hàng nhỏ hoặc vừa lên top đầu, hay cũng có thể bị bỏ lại đằng sau trong cuộc đua ngân hàng số. Vì vậy, hầu hết các ngân hàng đã đưa ra những kế hoạch phát triển mạnh mẽ "ngân hàng tương lai".

Chẳng hạn, BIDV đang xây dựng BIDV E-Zone, một khu vực trải nghiệm ngân hàng số để khách hàng thực hiện giao dịch như nộp tiền, rút tiền, gửi tiết kiệm, chuyển tiền, đăng ký mở tài khoản và nhiều tính năng khác của BIDV E-banking. Hay OCB đang hoàn thiện ngân hàng số OCB Omni…

Các chuyên gia nhận định, năm 2019 sẽ là cuộc ra mắt của nhiều ngân hàng số. Tuy nhiên, để ngân hàng số yên tâm phát triển, cơ quan quản lý cần sớm xây dựng hành lang pháp lý để ngân hàng số hoạt động.

"Hiện, NHNN vẫn chưa thông qua luật về giao dịch điện tử, chữ ký điện tử, đây là trở ngại lớn khiến ngân hàng số khó hoạt động", một chuyên gia nhận định.