Cứu PVX có tránh được đổ vỡ?

Theo thoibaokinhdoanh.vn

(Tài chính) Cổ phiếu PVX của Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam đã được cứu bằng mọi giá để thoát khỏi án hủy niêm yết. Thực tế, nợ ngắn hạn PVX đang ở mức cao gần bằng tổng tài sản, nên khả năng trả nợ vô cùng khó khăn. PVX vì muốn duy trì hoạt động niêm yết nên mới điều chỉnh kết quả kinh doanh từ lỗ năm 2011 sang lãi, và mới thoát án hủy niêm yết.

Cứu PVX có tránh được đổ vỡ?
Mục tiêu tái cấu trúc toàn diện PVX là điều còn bỏ ngỏ Nguồn: internet

Thời điểm mà PVX bị đưa vào diện kiểm soát khiến cổ phiếu PVX rơi thảm. Nhiều nhà đầu cơ đã bán tống bán tháo khi cổ phiếu bị giảm sàn với hàng chục triệu cổ phiếu.

Hàng trăm tỷ đồng vốn hóa cổ phiếu PVX bị "bay" ngày đầu tiên PVX đón tin bị kiểm soát. Sau đó là chuỗi ngày giảm giá liên tục, từ mức hơn 5.500 đồng/ cổ phiếu có lúc còn 2.200 đồng/ cổ phiếu...

Như vậy, việc phát hiện nhầm lẫn/sai sót về mặt kỹ thuật một lần nữa khiến kết quả kinh doanh năm 2011 từ lỗ sang lãi! Điều đó tưởng chừng đơn giản, nhưng thật đáng buồn cho những cổ đông đã gánh chịu hậu quả biến động thị giá cổ phiếu PVX những ngày đối mặt tin xấu.

Kỷ lục thua lỗ

Hiện tại, lỗ lũy kế của PVX tại thời điểm 31/12/2013 lên tới hơn 3.342 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu còn 808 tỷ đồng trong khi tổng nguồn vốn gần 16.470 tỷ đồng. Sau 2 năm làm ăn thua lỗ khủng khiếp, PVX vẫn đang đứng bên bờ vực đổ vỡ.

Chỉ tính riêng năm 2013, lỗ ròng hơn 2.100 tỷ đồng mặc dù doanh thu quý IV/2013 tăng 21% và doanh thu cả năm 2013 tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Các khoản phải thu của PVX vẫn hơn 5.500 tỷ đồng, hàng tồn kho hơn 4.000 tỷ, tăng 350 tỷ so với đầu năm.

Tuy nhiên, Tổng Công ty đã trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho 420 tỷ đồng. Với kết quả này không làm âm chủ sở hữu của PVX, cổ phiếu bất ngờ thoát án hủy niêm yết (thoát án 3 năm lỗ liên tiếp). PVX là doanh nghiệp duy nhất trên sàn chứng khoán giữ mức kỷ lục về EPS năm 2013 âm 5.275 đồng/ cổ phiếu.

Trong cơ cấu doanh thu của PVX, doanh thu xây lắp chiếm 95,5% tổng doanh thu năm 2013, doanh thu kinh doanh hạ tầng giảm còn 1,9%, bằng ¼ doanh thu của năm 2012, mảng cung cấp dịch vụ tăng nhẹ so với năm trước.

Tuy nhiên, giá vốn của hoạt động xây lắp và cung cấp dịch vụ quá lớn khiến 2 mảng này bị lỗ, mảng kinh doanh nhà hạ tầng và kinh doanh khác có lãi nhưng không đáng kể.

Chi phí tài chính của PVX hơn 886 tỷ trong năm 2013, thì gần 500 tỷ là chi phí lãi vay, 303 tỷ là dự phòng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh cho các khoản vay của công ty con (khoản này gấp 10 năm trước).

Trong lịch sử hoạt động của mình, PVX đã có những đợt cứu nguy thật khó tưởng tượng nổi. Mới đây, Tập đoàn Đại Dương (OGC) đã đăng ký bán toàn bộ 10.000.000 cổ phiếu PVR (tỷ lệ 19,27%).

Trước đó, OGC đã mua 10 triệu cổ phiếu này từ PVX (Xây lắp Dầu khí Việt Nam) hồi tháng 11/2012, với giá bằng mệnh giá (10.000 đồng/cổ phiếu) và đắt gấp 3 thị giá cùng thời điểm.

Hiện cổ phiếu PVR vẫn ở mức thị giá chưa đầy 4.000 đồng/ cổ phiếu. Nếu đợt thoái vốn này thực hiện theo thị giá thì chênh lệch giá trị mua vào và bán ra của OGC là khá lớn.

Trước đó, chính PVX cứu nguy đợt phát hành cho PVA tăng vốn từ 100 tỷ đồng lên 600 tỷ đồng hồi năm 2011. Theo đó, PVX và PXL đã "vung tay" mua vào mỗi đơn vị 10 triệu cổ phiếu PVA với giá 10.000 đồng/cổ phiếu.

Thời điểm chốt quyền, thị giá PVA cũng xoay quanh 10.000 đồng/cổ phiếu nhưng không thể cho rằng đây là mức giá hấp dẫn để mua bởi giá tương đương thị giá. Chính vì "cứu nguy" cho PVA mà đến nay, PVX vẫn đang nắm giữ 5 triệu cổ phiếu PVA với đơn giá vốn bình quân là 11.000 đồng/cổ phiếu. Mà thị giá PVA nay chỉ còn hơn 3.000 đồng/cổ phiếu.

Trước những pha cứu nguy khó hiểu trên thị trường chứng khoán, PVX buộc phải hồi tố điều chỉnh kết quả kinh doanh năm 2011 từ lỗ sang lãi 590 triệu đồng nhằm tránh án hủy niêm yết bắt buộc nếu 3 năm thua lỗ liên tiếp. Điều mà trước đó, Kiểm toán Nhà nước đã từng kiến nghị PVX điều chỉnh kết quả kinh doanh khiến năm 2011 lỗ thay vì lãi trên Báo cáo tài chính đã được kiểm toán bởi Deloite.

Cửa nào để thoát hiểm?

Cho tới thời điểm này, lời hứa của lãnh đạo PVN, công ty mẹ của PVX, là "bằng mọi cách phải cứu nguy cho cổ phiếu này, chứ không thể để PVX bị hủy niêm yết hoặc chết được" đã được xác tín. Tuy nhiên, mục tiêu tái cấu trúc toàn diện PVX để giải quyết triệt để quan hệ tín dụng, bảo lãnh tín dụng với các đơn vị thành viên là điều còn bỏ ngỏ.

Trong danh sách các công ty con, công ty thành viên, các khoản đầu tư dài hạn của PVC vẫn kéo dài... hàng trang giấy, bao gồm 15 công ty con, 8 công ty liên doanh, liên kết, 16 khoản đầu tư dài hạn vào các công ty khác nhau.

PVX vẫn đang bảo lãnh 15 hợp đồng tín dụng của các đơn vị thành viên, với tổng số tiền hơn 725 tỷ đồng, trong đó hơn 545 tỷ đồng nợ vay đã quá hạn. Điều đáng lưu ý hơn cả là, nhiều khoản vay của các doanh nghiệp mà PVX bảo lãnh lại là những doanh nghiệp đang được PVC hạch toán là mất hết vốn, tức vốn chủ sở hữu tối đa là về 0, nếu không đã bị âm, như PVC Sài Gòn gần 128 tỷ đồng, PVC-ME 66 tỷ đồng, PVC Hà Nội 182 tỷ đồng...

Theo đánh giá của các chuyên gia, "cửa thoát hiểm" của PVX vẫn còn nếu hoàn thành xong các hợp đồng xây dựng. Công ty sẽ hoàn nhập số tiền tương ứng và có thể cải thiện kết quả kinh doanh đang nguy ngập.

Thậm chí, được sự hỗ trợ của công ty mẹ là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) với hợp đồng thực hiện tổng thầu EPC cho Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 trị giá 1,2 tỷ USD, PVX có cơ hội gặt hái được khoản lợi nhuận lớn trong thời gian tới.

Trong khi PVN đã chuẩn bị sẵn sàng nguồn vốn đầu tư, thì PVX cũng có kế hoạch huy động thêm vốn để triển khai. PVX dự định tăng vốn từ 4.000 tỷ đồng lên 6.000 tỷ đồng. Việc này cũng không phải khó với PVX.

Trong đợt tăng vốn từ 2.500 tỷ đồng lên 4.000 tỷ đồng hồi đầu năm 2013 của PVX, trong khi NĐT chiến lược ngó lơ, thì PVN nhảy vào mua một lượng lớn. Nay là cổ đông lớn nắm hơn 51% cổ phần, PVN sẽ khó đứng ngoài nếu PVX muốn gọi thêm vốn.