Đã đại phẫu 8/9 ngân hàng yếu kém: Ẩn số còn lại

Theo thongtinthuongmai.vn

(Tài chính) Tháng 10/2011, Trung ương Đảng quyết định tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó có điểm ngắm là hệ thống ngân hàng. Đã hai năm trôi qua, bước đầu các ngân hàng yếu kém lần lượt được xử lý.

Đã đại phẫu 8/9 ngân hàng yếu kém: Ẩn số còn lại
Các ngân hàng yếu kém lần lượt được xử lý. Nguồn: internet
Cùng thời điểm, cuối năm 2011, hệ thống ngân hàng đứng bên bờ vực đổ vỡ thanh khoản. Lãi suất trên liên ngân hàng ngất ngưởng 25 – 30%/năm, thậm chí trên 30%/năm. Quá trình tái cơ cấu “nổ ra” khiến bối cảnh lúc đó càng trở nên ngột ngạt.

Cái khó bó… cái quậy

Đầu năm 2012, hoạt động ngân hàng càng căng thẳng và ngột ngạt hơn với những ồn ào, xáo trộn của cơ chế phân nhóm giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng. Hệ thống được chia thành 4 nhóm. Nhóm yếu kém bị khống chế ở chỉ tiêu 0%, trở thành “danh sách đen” với nhiều đồn đoán, nghi kỵ trên thị trường…

9 ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém được xác định và khoanh vùng. Đây cũng là nhóm khó khăn nhất. Cơ chế phân nhóm nói trên với đồn đoán và nghi kỵ từ khách hàng bồi thêm khó khăn nữa đối với hoạt động của họ. Đến nay nhìn lại, có lẽ khi nhận thêm cú bồi này, những cơ thể vốn đã suy yếu càng khó cựa quậy thêm, buộc phải buông xuôi theo tái cơ cấu.

Thêm nữa, sau khi vào cuộc thanh tra toàn diện, Ngân hàng Nhà nước đã cử cán bộ chuyên trách kê bàn giám sát trực tiếp các hoạt động hàng ngày, hạn chế những biểu hiện tiêu cực phát sinh thêm tại những điểm nóng đó.

Dù vẫn còn những chống đối cục bộ từ một số ông chủ, cổ đông lớn, nhưng quá trình “gây mê” phục vụ cho cuộc đại phẫu sau này đã được tiến hành khá nhanh. Sau nửa đầu 2012, sóng gió lặng dần, thanh khoản hệ thống được củng cố và 9 thành viên nhóm yếu kém toàn tâm hơn cho tái cơ cấu.

Dự kiến ngày 3/10 tới, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Chúng (PVcomBank) sẽ chính thức ra mắt, qua hợp nhất Tổng công ty Tài chính Cổ phần Dầu khí (PVFC) với Ngân hàng Phương Tây (Western Bank). Về hình thức, bước đầu 8/9 ngân hàng yếu kém đã được xử lý xong; trường hợp còn lại dự kiến sẽ có ngân hàng ngoại tham gia rót vốn để có thể vực dậy.

Đầu năm 2013, Western Bank lên kế hoạch lập ban xử lý sự cố rút tiền hàng loạt. Đây cũng là phương án dự phòng có ở nhiều thành viên khác ở nhóm bắt buộc tái cơ cấu. Đến lúc này có thể nói rằng, thật may các ban đó đã “thất nghiệp”, khủng hoảng thanh khoản đã không xảy ra đối với họ.

Bởi lẽ, nửa sau 2012 đến nay, thị trường đón nhận các kế hoạch tái cơ cấu khá bình thản. Những phản ứng tiêu cực của thị trường dường như cũng đã được “gây mê”. Cho đến nay, không có một sự xáo trộn hay những cú quậy nào đáng kể gây bất ổn đến thanh khoản và an toàn hệ thống, liên quan đến quá trình tái cơ cấu. Có thể nói đây là thành công lớn nhất trong hai năm qua.

Tất nhiên, vẫn còn quá sớm để nói về kết quả thực sự của tái cơ cấu. Qua đại phẫu, 8/9 cơ thể có khỏe lên không, có lành mạnh hơn không và có thực sự vững vàng sau này hay không, bệnh cũ có tái phát hay không, hiện vẫn chưa thể khẳng định.

Ẩn số còn lại

Ở bối cảnh chung, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thời gian qua diễn ra khá yên bình, dù đâu đó vẫn là những cuộc chiến cam go.

Nói là cuộc chiến, bởi tại một số trường hợp là sự giằng co, thậm chí đối đầu lợi ích dai dẳng hàng năm trời giữa các nhóm cổ đông, nhà đầu tư. Có những cá nhân chuyên trách đổ bệnh trước áp lực tái cơ cấu. Có những bản đề án phải cần đến hàng trăm cân tài liệu, hàng chục lần giải trình cho hàng chục đầu mối…

Rồi cơ bản cũng gần xong. 8/9 ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém đã có lối đi, trường hợp còn lại dự kiến cũng được quyết trong năm nay. Thế nhưng, hệ thống ngân hàng hiện nay thực sự có bao nhiêu thành viên yếu kém vẫn là một ẩn số với đại chúng.

Đầu tuần này, Ngân hàng Nhà nước có tài liệu gửi tới các cơ quan báo chí, trong đó gợi mở: “Bên cạnh việc tập trung chỉ đạo xử lý 9 ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém đã được xác định từ đầu năm 2012, Ngân hàng Nhà nước đang tiếp tục đánh giá và xác định thêm một số tổ chức tín dụng yếu kém và yêu cầu các tổ chức tín dụng này xây dựng phương án cơ cấu lại trình Ngân hàng Nhà nước phê duyệt để đảm bảo xử lý dứt điểm, căn bản các tổ chức tín dụng yếu kém trong năm 2013”.

Theo đó có thể hiểu, 9 ngân hàng yếu kém đã và đang được xử lý chưa phải là con số cuối cùng. Có phải tình hình hoạt động khó khăn trong hai năm qua đã “giúp” làm lộ thêm những trường hợp yếu kém mới? Và mức độ xác định thêm này sẽ như thế nào? Dù sao thì đây cũng là một tin tốt, hơn là có những trường hợp yếu kém mà bị lẩn khuất.