Đa dạng các sản phẩm trái phiếu chính phủ

PV.

Sản phẩm trái phiếu chính phủ (TPCP) ngày càng đa dạng đồng nghĩa với việc đáp ứng được nhu cầu của nhiều nhà đầu tư, từ đó thu hút được nhà đầu tư tham gia vào thị trường.

Trong thời gian tới, sẽ phát triển theo lộ trình các sản phẩm phái sinh trái phiếu phù hợp với sự phát triển của thị trường và nhu cầu của nhà đầu tư. Nguồn: hnx.vn
Trong thời gian tới, sẽ phát triển theo lộ trình các sản phẩm phái sinh trái phiếu phù hợp với sự phát triển của thị trường và nhu cầu của nhà đầu tư. Nguồn: hnx.vn

Kể từ khi quyết định tập trung đấu thầu TPCP đến nay, hoạt động này đã thực sự phát huy hiệu quả vai trò huy động vốn cho ngân sách nhà nước, góp phần không nhỏ vào sự phát triển của nền kinh tế nước nhà.

Thống kê của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho thấy, từ năm 2006 đến tháng 8/2017, tổng khối lượng gọi vốn qua kênh đấu thầu đạt 2,3 triệu tỷ đồng, tổng khối lượng vốn huy động được đạt 1,47 triệu tỷ đồng, đạt tỷ trọng 64%. Khối lượng vốn huy động thành công tăng trưởng mạnh hàng năm, với mức tăng trưởng bình quân đạt 160%/năm.

Theo Lộ trình Phát triển thị trường trái phiếu giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt ngày 14/8/2017, phấn đấu đưa dư nợ thị trường trái phiếu đạt khoảng 45% GDP vào năm 2020 và khoảng 65% GDP vào năm 2030. Đây là mục tiêu khá cao song hoàn toàn có thể đạt được khi mà thị trường TPCP đang có sự phát triển khá ổn định và vững chắc.

Đặc biệt, nhà đầu tư nước ngoài ngày càng quan tâm hơn đến thị trường TPCP Việt Nam, thể hiện qua giá trị giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường này. 9 tháng đầu năm nay, giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài  đạt 95,4 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 7% tổng giá trị giao dịch, trong đó giá trị mua ròng đạt 20,66 nghìn tỷ đồng, tăng 162% so với năm 2016 (12,7 nghìn tỷ đồng), nhất là khi nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 4,4 nghìn tỷ đồng trong năm 2015.

Một trong những điểm thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước đó là sản phẩm trên thị trường TPCP ngày càng đa đạng. Nếu như trước đây, sản phẩm cơ bản trên thị trường sơ cấp là TPCP trả lãi định kỳ (coupon bond), thì từ năm 2015, để đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của các công ty bảo hiểm và quỹ hưu trí đang dần lớn mạnh, KBNN phối hợp với HNX đã cho phát hành 2 loại TPCP mới là trái phiếu có kỳ trả lãi dài (long-coupon bond) và trái phiếu không trả lãi định kỳ (zero-coupon bond). Đây là 2 sản phẩm hấp dẫn đối với các công ty bảo hiểm và quỹ hưu trí. Sản phẩm sau đó đã được đưa vào niêm yết, giao dịch ngay trong năm 2015, mang lại nguồn năng lượng mới cho thị trường trái phiếu.

Bên cạnh đó, phương án phát hành thí điểm trái phiếu xanh cũng được HNX và Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) nghiên cứu xây dựng vào cuối năm 2015. Năm 2016, HNX đã tổ chức các buổi giới thiệu về phát hành thí điểm trái phiếu xanh đến các tổ chức phát hành, tập trung vào các dự án xanh tại một số tỉnh thành như Đà Nẵng, Bà Rịa – Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh và được các địa phương đón nhận, Bộ Tài chính hiện nay đang điều phối với các địa phương để việc phát hành thử nghiệm có thể thực hiện trong năm 2017.

Ngoài ra, Bộ Tài chính hiện đang có kế hoạch phát hành thí điểm TPCP lãi suất thả nổi. Tại Hội nghị thành viên thị trường TPCP quý II/2017 do HNX tổ chức mới đây, Vụ Tài chính Ngân hàng (Bộ Tài chính) cho biết Bộ đang có kế hoạch cho phát hành loại trái phiếu này trong tương lai gần. Hiện nay, HNX cũng đang tích cực chuẩn bị cho việc phát hành loại TPCP này.

Theo Lộ trình Phát triển thị trường trái phiếu giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu trên thị trường sơ cấp, đa dạng hóa các sản phẩm TPCP, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương để đáp ứng nhu cầu đầu tư của nhà đầu tư, thiết lập các sản phẩm tài chính và đường cong lãi suất chuẩn trên thị trường tài chính.
Cụ thể, nghiên cứu khả năng phát hành các sản phẩm mới theo lộ trình phù hợp với sự phát triển của thị trường và nhu cầu của nhà đầu tư như: trái phiếu có lãi suất thả nổi, trái phiếu có gốc, lãi được giao dịch tách biệt (strip bond) trái phiếu gắn với chỉ số lạm phát... Phát triển theo lộ trình các sản phẩm phái sinh trái phiếu phù hợp với sự phát triển của thị trường và nhu cầu của nhà đầu tư như: hợp đồng tương lai/kỳ hạn, hợp đồng quyền chọn...