Đảm bảo giám sát hiệu quả, hướng tới thông lệ quốc tế

(Tài chính) Giám sát thị trường chứng khoán (TTCK), trong đó có giám sát giao dịch là một trong những hoạt động chủ yếu và thường xuyên của cơ quan quản lý thị trường. Tuy nhiên, do sự phát triển nhanh chóng của TTCK, hoạt động giám sát giao dịch ngày càng đối mặt với nhiều thách thức khi các hành vi vi phạm về giao dịch chứng khoán ngày càng trở nên tinh vi và phức tạp, đòi hỏi các đơn vị giám sát, trong đó có Sở Giao dịch Chứng khoán (SGDCK) phải liên tục đổi mới công nghệ và không ngừng nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ.

Đảm bảo giám sát hiệu quả, hướng tới thông lệ quốc tế
SGDCK TP. Hồ Chí Minh luôn chú trọng thực hiện cải tiến các quy trình nghiệp vụ, nâng cao trình độ chuyên môn của các chuyên viên giám sát. Nguồn: internet

Để thông tin đầy đủ hơn vấn đề này, phóng viên đã phỏng vấn Bà Lê Thị Tuyết Hằng, Giám đốc Phòng Giám sát giao dịch, SGDCK TP. Hồ Chí Minh về hoạt động giám sát của Sở trong thời gian vừa qua và những dự định trong thời gian tới.

Phóng viên: Xin bà cho biết một vài nét khái quát về hoạt động giám sát giao dịch của SGDCK TP. Hồ Chí Minh trong thời gian qua?

Hoạt động giám sát giao dịch tại SGDCK TP. Hồ Chí Minh bao gồm công tác theo dõi, giám sát các giao dịch có dấu hiệu bất thường có nghi ngờ liên quan đến hành vi giao dịch nội bộ, giao dịch thao túng; giám sát việc tuân thủ quy định về giao dịch và công bố thông tin (CBTT) của cổ đông lớn, cổ đông nội bộ, người liên quan…, thu thập thông tin, tin đồn có ảnh hưởng đến tình hình giao dịch chứng khoán.

SGDCK TP. Hồ Chí Minh với vai trò là đơn vị giám sát tuyến đầu có trách nhiệm báo cáo kịp thời lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) các giao dịch có dấu hiệu bất thường, các giao dịch có dấu hiệu vi phạm quy định về giao dịch chứng khoán, nhằm góp phần đảm bảo TTCK được vận hành công bằng, trật tự và đúng pháp luật.

Hoạt động giám sát giao dịch ngày càng đối mặt với nhiều thách thức khi các hành vi vi phạm về giao dịch trong lĩnh vực chứng khoán ngày càng nhiều, tinh vi và phức tạp hơn do TTCK ngày càng phát triển nhanh chóng. Vì vậy, để đảm bảo công tác giám sát giao dịch được hiệu quả, trong thời gian qua, SGDCK TP. Hồ Chí Minh luôn chú trọng thực hiện cải tiến các quy trình nghiệp vụ, nâng cao trình độ chuyên môn của các chuyên viên giám sát cũng như nâng cấp, bổ sung các phần mềm giám sát giao dịch.

Theo đánh giá sơ bộ, trong năm 2013, số vụ việc vi phạm về CBTT giao dịch của cổ đông lớn, cổ đông nội bộ và người liên quan có xu hướng giảm so với các năm trước. Điều này cho thấy các cổ đông nội bộ, cổ đông lớn và người có liên quan ngày càng hiểu rõ hơn về trách nhiệm và nghĩa vụ của mình trong giao dịch chứng khoán, hơn nữa cũng do SGDCK TP. Hồ Chí Minh đã tăng cường giám sát chặt chẽ hơn, phát hiện kịp thời để nhắc nhở họ thực hiện CBTT đúng pháp luật.

Đối với hoạt động giám sát giao dịch có dấu hiệu bất thường, số vụ vi phạm trong năm 2013 lại có xu hướng tăng hơn so với năm ngoái. Cho đến nay, UBCKNN đã xử phạt 3 trường hợp giao dịch thao túng giá chứng khoán tại SGDCK TP. Hồ Chí Minh, trong khi các năm trước chỉ xử phạt 1 hoặc 2 trường hợp.

Hiện nay, trên thị trường vẫn có ý kiến lo ngại rằng quy định hiện hành về giám sát giao dịch chứng khoán trên TTCK đang có sự chồng chéo. Quan điểm của bà về ý kiến này như thế nào và kiến nghị hướng khắc phục?

Từ khi Quyết định số 127/2008/QĐ-BTC được ban hành và hiện nay là Thông tư 13/2013/TT-BTC ngày 25/1/2013 của Bộ Tài chính về Giám sát giao dịch chứng khoán trên TTCK đã quy định rõ ràng và cụ thể hơn về trách nhiệm, quyền hạn và nghĩa vụ của các chủ thể giám sát là UBCKNN, SGDCK và các đối tượng giám sát là các công ty chứng khoán (CTCK), tổ chức niêm yết, các tổ chức, ngân hàng giám sát góp phần hoàn thiện cơ chế và cách thức tổ chức hoạt động giám sát giao dịch trên thị trường.

Ngoài ra, UBCKNN cũng ban hành Quyết định số 689/QĐ-UBCK ngày 31/8/2012 về cơ chế phối hợp giữa các đơn vị thuộc UBCKNN với SGDCK và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (TTLKCK) trong việc giám sát và xử lý vi phạm của các tổ chức, cá nhân trên TTCK. Quy chế này đã quy định chi tiết từng nội dung giám sát thuộc trách nhiệm của từng đơn vị liên quan, hạn chế sự chồng chéo trong công tác giám sát giao dịch chứng khoán trên thị trường.

Bà có thể chia sẻ những kinh nghiệm giám sát từ các nước tiên tiến mà SGDCK TP. Hồ Chí Minh đã và sẽ áp dụng?

Quy trình giám sát giao dịch thông thường trên TTCK là SGDCK có nhiệm vụ phát hiện các giao dịch có dấu hiệu bất thường, các giao dịch vi phạm quy định quản lý và báo cáo UBCKNN để xem xét thanh tra, kiểm tra đối với vụ việc và ra quyết định xử phạt. Ngoài ra, SGDCK còn có vai trò đưa ra cảnh báo đối với các giao dịch có dấu hiệu biến động bất thường cho công chúng đầu tư để nhà đầu tư xem xét, tự bảo vệ mình trước các hành vi vi phạm có thể xảy ra. Hình thức cảnh báo phổ biến mà các SGDCK áp dụng là tạm ngừng giao dịch khi giá, khối lượng giao dịch chứng khoán biến động bất thường hay khi có thông tin, tin đồn về chứng khoán đó để tổ chức niêm yết CBTT, xác nhận tin đồn hay có biện pháp ổn định tâm lý nhà đầu tư.

Tại Hàn Quốc, SGDCK công bố danh sách các mã chứng khoán biến động bất thường theo một số tiêu chí để nhà đầu tư có thể tham khảo cho quyết định đầu tư của mình, ví dụ như mã chứng khoán đang bị một hay một số tài khoản tập trung mua bán liên tục, chứng khoán có giá đóng cửa thường xuyên biến động mạnh. Hay tại TTCK Nhật Bản, khi SGDCK phát hiện mã chứng khoán biến động bất thường do tác động của một hay một nhóm nhà đầu tư tập trung tại một vài CTCK, Sở sẽ liên hệ với CTCK để làm việc với nhóm nhà đầu tư đó và cảnh báo về các giao dịch mà họ đã thực hiện.

Tuy nhiên, để có thể áp dụng các biện pháp cảnh báo hiệu quả, đòi hỏi TTCK phải phát triển ở mức ổn định nhất định và SGDCK cần có hệ thống giám sát giao dịch hiện đại và chuyên biệt. Hiện nay, SGDCK TP. Hồ Chí Minh cũng đang ráo riết hoàn thành dự án nâng cấp toàn bộ hệ thống công nghệ thông tin của Sở, trong đó hệ thống giám sát giao dịch là một cấu phần để từ đó, hoạt động giám sát sẽ được thực hiện hiệu quả hơn và phù hợp với thông lệ quốc tế trong thời gian tới.

Xin trân trọng cảm ơn bà!

Theo Tạp chí Chứng khoán số 11 - 2013