Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam:

Đảm bảo hoạt động bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh luôn ổn định, thông suốt và hiệu quả

PV.

Ngày 11/3/2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành “Đề án xây dựng và phát triển thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam” theo Quyết định số 366/QĐ-TTg, trong đó nêu rõ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) là tổ chức duy nhất thực hiện chức năng bù trừ thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh (GDCKPS).

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng và các đại biểu bấm nút khai trương thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam. Nguồn: vsd.vn
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng và các đại biểu bấm nút khai trương thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam. Nguồn: vsd.vn

Tích cực tham gia xây dựng thị trường chứng khoán phái sinh

Theo “Đề án xây dựng và phát triển thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam”, vai trò của các chủ thể tham gia đã được xác định rõ, trong đó Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) là tổ chức duy nhất thực hiện chức năng bù trừ thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh (GDCKPS) theo mô hình đối tác trung tâm (CCP).

Ngay sau khi Đề án được ban hành, thực hiện sự chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, VSD đã tập trung mọi nguồn lực để tích cực triển khai các công tác chuẩn bị trên nhiều mặt liên quan đến hoạt động bù trừ, thanh toán GDCKPS:

Thứ nhất, nghiên cứu chọn lọc kinh nghiệm quốc tế về bù trừ thanh toán GDCKPS theo mô hình CCP để vận dụng phù hợp với điều kiện thực tiễn của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam.

Thứ hai, tham gia xây dựng khung pháp lý và ban hành quy chế hướng dẫn. VSD đã tham gia góp ý xây dựng Nghị định số 42/2015/NĐ-CP ngày 05/5/2015 của Chính phủ Về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh; Thông tư số 11/2016/TT-BTC ngày 19/01/2016 và Thông tư số 23/2017/TT-BTC ngày 16/3/2017 của Bộ Tài chính Hướng dẫn Nghị định số 42/2015/NĐ-CP. Căn cứ các văn bản pháp lý này, VSD đã ban hành quy chế hướng dẫn nghiệp vụ về hoạt động bù trừ, thanh toán GDCKPS: Quy chế Thành viên bù trừ; Quy chế Ký quỹ, bù trừ và thanh toán chứng khoán phái sinh; Quy chế Quản lý và sử dụng Quỹ bù trừ... đồng thời công bố đầy đủ, kịp thời các thông tin phục vụ cho việc vận hành thị trường theo thẩm quyền, bao gồm giới hạn vị thế, tỷ lệ ký quỹ ban đầu đối với hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu VN30, tỷ lệ nộp ký quỹ, đóng góp Quỹ bù trừ...

Thứ ba, xây dựng hệ thống bù trừ thanh toán GDCKPS. Hoạt động bù trừ, thanh khoán trên TTCK phái sinh có sự khác biệt cơ bản với hoạt động bù trừ thanh toán GDCK trên TTCK cơ sở. Trên TTCK cơ sở, VSD thanh toán theo kết quả bù trừ đa phương đối với cổ phiếu, chứng chính quỹ, trái phiếu công ty và thanh toán theo từng giao dịch đối với Trái phiếu Chính phủ trên nguyên tắc chuyển giao chứng khoán tại VSD diễn ra chắc chắn và đồng thời với việc chuyển tiền tại Ngân hàng thanh toán (nguyên tắc DVP - Delivery Versus Payment).

Cơ chế thanh toán giao dịch DVP cho phép các bên tham gia giao dịch loại bỏ được các rủi ro về thanh toán, theo đó, bên mua và bán phải có đủ tiền và chứng khoán để đảm bảo khả năng thanh toán giao dịch chứng khoán. Trong khi đó hoạt động bù trừ thanh toán GDCKPS được thực hiện theo mô hình đối tác trung tâm (CCP - Central Counter Party), tức là VSD đứng giữa các bên giao dịch, trở thành bên bán của tất cả các bên mua và bên mua của tất cả các bên bán. Với vai trò này, VSD tham gia vào giao dịch giữa các bên thông qua cơ chế thế vị.

Do vậy, để loại bỏ các rủi ro chính trong hoạt động nghiệp vụ: rủi ro đối tác, rủi ro thanh khoản, rủi ro ngân hàng thanh toán..., bên cạnh việc tham gia hoàn thiện cơ chế quản lý, VSD đã tiến hành đầu tư xây dựng hệ thông kỹ thuật tin cậy với tính năng đồng bộ, hiện đại. Hệ thống này đã được VSD phối hợp với Sở GDCK Hà Nội, TVBT, ngân hàng thanh toán thực hiện kiểm thử trong suốt quá trình xây dựng nhằm đảm bảo không phát sinh sự cố trong quá trình thực hiện.

Thứ tư, phân loại và lựa chọn thành viên bù trừ (TVBT). Để là TVBT của CCP đòi hỏi các công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải có tiềm lực tài chính cao. Việc phân loại TVBT được coi là một trong những lớp phòng vệ rủi ro quan trọng của CCP. Do vậy, các TVBT của VSD được chia thành TVBT chung và TVBT trực tiếp. TVBT chung là TVBT được thực hiện bù trừ, thanh toán GDCKPS của mình, các khách hàng môi giới của mình và cung cấp dịch vụ bù trừ, thanh toán GDCKPS cho các thành viên không bù trừ và khách hàng của các thành viên không bù trừ. TVBT trực tiếp là TVBT chỉ được thực hiện bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh của mình và các khách hàng môi giới của mình. Đến nay, VSD đã cấp Giấy chứng nhận TVBT cho 7 công ty chứng khoán theo quy định (trong đó có 2 TVBT chung và 5 TVBT trực tiếp). Đồng thời, các TVBT đã tiến hành tiếp nhận yêu cầu mở tài khoản GDCKPS của nhà đầu tư. Trước ngày thị TTCK phái sinh khai trương (10/8/2017) có 2450 tài khoản GDCKPS được mở.

Thứ năm, đào tạo nguồn nhân lực, tuyên truyền phổ biến về TTCK phái sinh. Công tác đào tạo, tập huấn nghiệp vụ, tuyên truyền cũng được VSD chú trọng tổ chức thường xuyên hoặc phối hợp với các đơn vị của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, HNX thực hiện đã giúp cho thành viên, nhà đầu tư và công chúng hiểu rõ và thực hiện đúng các quy định của hoạt động bù trừ, thanh toán GDCKPS, đồng thời góp phần quảng bá chung cho TTCK phái sinh mới mẻ này.

Ngoài ra, theo quy định của Thông tư 11/2016/TT-BTC, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã lựa chọn Ngân hàng Vietinbank làm ngân hàng thanh toán GDCKPS. Ngày 15/5/2017, VSD và Ngân hàng Vietinbank ký kết thỏa thuận phối hợp thực hiện hoạt động bù trừ, thanh toán GDCKPS. Sự kiện này đã đánh dấu bước khởi đầu cần thiết cho việc triển khai thành công TTCK phái sinh.

Đảm bảo hệ thống bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh hoạt động ổn định, thông suốt, hiệu quả

Sau hơn 3 năm thực hiện Đề án, ngày 10/8/2017 tại Hà Nội, VSD chính thức triển khai hệ thống bù trừ, thanh toán GDCKPS theo mô hình CCP, góp phần quan trọng để TTCK phái sinh Việt Nam chính thức khai trương hoạt động. TTCK phái sinh ra đời được đánh giá là một mốc son trong lịch sử phát triển của TTCK Việt Nam, là một bước tiến mới giúp Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn vào Cộng đồng Kinh tế ASEAN và kinh tế quốc tế.

TTCK phái sinh hình thành đã tạo ra 1 trong 3 trụ cột trong cấu trúc của TTCK hiện đại mà Việt Nam đang quyết tâm xây dựng. TTCK phái sinh sẽ hỗ trợ tích cực cho sự phát triển bền vững của TTCK cơ sở, góp phần thu hút nhiều hơn nhà đầu tư trong và ngoài nước, đưa TTCK trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn an toàn, minh bạch và hiệu quả cho nền kinh tế nước ta. Đồng thời, cũng tạo ra công cụ quản trị rủi ro cho các danh mục đầu tư với quy mô lớn tại Việt Nam.

Tính đến hết ngày 18/8/2017, sau 08 ngày TTCK phái sinh khai trương, đã có 5684 tài khoản GDCKPS được mở, tăng gấp 2,32 lần so với ngày khai trương; tổng giá trị thanh toán của toàn TTCK phái sinh đạt 760.824.000 VND, tăng gấp 17,43 lần giá trị thanh toán so với ngày thanh toán đầu tiên. Điều này cho thấy nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đã rất quan tâm, hứng thú trải nghiệm và có phản ứng tích cực với TTCK phái sinh.

Tuy nhiên, TTCK phái sinh là thị trường tài chính bậc cao, mới xuất hiện ở Việt Nam. Do vậy, để TTCK phái sinh ngày càng phát triển thì việc vận hành thị trường ổn định, thông suốt và hiệu quả là đặc biệt quan trọng và cần sự nỗ lực từ cơ quan quản lý, Sở Giao dịch chứng khoán, VSD, ngân hàng thanh toán, thành viên, các tổ chức có liên quan và nhà đầu tư...

Là tổ chức duy nhất của thị trường thực hiện chức năng bù trừ thanh toán GDCKPS, VSD luôn xác định rõ vai trò, trách nhiệm và tập trung mọi nguồn lực cao nhất để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Do vậy, để đảm bảo hoạt động bù trừ, thanh toán GDCKPS được diễn ra ổn định, thông suốt và hiệu quả, thời gian tới VSD sẽ tập trung một số công tác trọng tâm sau: Hoàn thiện các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ; Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện và nâng cao hệ thống kỹ thuật phục vụ hoạt động nghiệp vụ và có khả năng kết nối, đồng bộ với các hệ thống giao dịch và giám sát thị trường; đảm bảo khả năng phòng ngừa rủi ro cho hệ thống nhằm bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia TTCK; Tăng cường quản lý và công bố thông tin có liên quan; đào tạo và xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao đủ khả năng thực hiện các hoạt động nghiệp vụ; Chủ động tuyên truyền, phổ biến kiến thức để công chúng tích cực tham TTCK phái sinh; tiếp cận thông lệ quốc tế, tăng cường hợp tác quốc tế để từng bước hội nhập với TTCK khu vực và quốc tế.