Đạt mục tiêu bình ổn thị trường vàng

Theo Đầu tư Chứng khoán

Phó Thống Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng khẳng định, tuy quản lý thị trường vàng còn bộc lộ hạn chế, nhưng với lý do không còn những cơn sốt vàng, tỷ giá ổn định... bước đầu đã đạt mục tiêu ổn định thị trường vàng.

Đạt mục tiêu bình ổn thị trường vàng
Từ nay đến trước ngày 30/6, nhu cầu mua vàng của các tổ chức tín dụng vẫn còn khá lớn. Nguồn: Internet
Cắt được các cơn sốt

Khác với thông lệ các cuộc Họp báo Chính phủ thường kỳ là Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam dành phần lớn thời gian thông báo về những nội dung điều hành kinh tế - xã hội của Chính phủ trong tháng, tại cuộc Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2013, diễn ra chiều ngày 26/4, phần lớn thời gian được dành cho một vấn đề nóng mà dư luận cả nước đang quan tâm, đó là quản lý thị trường vàng. Hàng loạt câu hỏi đã được báo giới chuyển tới lãnh đạo NHNN.

Trước khi triển khai các giải pháp bình ổn thị trường vàng, trong đó có tổ chức các phiên đấu thầu vàng, NHNN từng cho rằng, sẽ thu hẹp khoảng cách giữa giá vàng thế giới và trong nước. Tuy nhiên, qua 12 phiên đấu thầu vàng tính đến thời điểm hiện tại, thị trường lại phản ánh diễn biến ngược lại, khi từ chỗ chênh lệch giữa giá trong nước và thế giới chỉ từ 2 - 3 triệu đồng/lượng thì bị đẩy lên 5 - 6 triệu đồng/lượng.

Về diễn biến này, ông Hưng lý giải, cái gốc là Việt Nam không sản xuất được vàng, nên để đáp ứng nhu cầu vàng miếng của thị trường thì phải xuất ngoại tệ để nhập khẩu. Điều này thực hiện suốt một thời gian dài khiến mỗi khi xuất hiện cơn sốt vàng, đã tác động tiêu cực đến ổn định tỷ giá và kinh tế vĩ mô. Để khắc phục tình trạng này, 2 năm qua NHNN không cấp ngoại tệ cho nhập khẩu vàng. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu của thị trường, NHNN phải tổ chức các phiên đấu thầu vàng. Qua 12 phiên đấu thầu, NHNN đã cung hơn 12 tấn vàng ra thị trường, qua đó đảm bảo mục tiêu cân đối cung - cầu, tránh gây xáo trộn trên thị trường.

Nếu không tổ chức các phiên đấu thầu vàng để đáp ứng nhu cầu của thị trường, theo đại diện NHNN, thì không thể lường được những tác động tiêu cực của thị trường, đặc biệt là trong bối cảnh giá vàng thế giới liên tục biến động mạnh trong thời gian gần đây. Nhờ đảm bảo cân đối cung - cầu, nên trong thời gian qua đã không còn những cơn sốt trên thị trường vàng như nhiều năm trước đây. Cùng với đó, tỷ giá được duy trì ổn định trong thời gian dài, góp phần quan trọng vào ổn định kinh tế vĩ mô.

“Ở mỗi giai đoạn nhất định, chính sách quản lý thị trường vàng chưa thể đồng thời mang lại những kết quả như mong muốn. Do vậy, việc NHNN tham gia bình ổn thị trường vàng không nhằm kéo giá trong nước ngay lập tức xuống sát với giá thế giới, mà chủ yếu là tăng cung để không xuất hiện các cơn sốt vàng. Nhờ đó, trong thời gian qua, nhu cầu đầu tư vàng trên thị trường tuy vẫn còn, nhưng đã giảm mạnh. Ngay cả ở những thời điểm thị trường biến động, đã không xảy ra hiện tượng người dân đổ xô đi mua vàng như trước đây...”, ông Hưng nói, đồng thời cho hay, việc giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch lớn trong thời gian gần đây do giá vàng thế giới liên tục giảm với biên độ lớn, trong đó ngày 12/4 được ghi nhận là sụt giảm mạnh nhất trong vòng 30 năm trở lại đây. Điều này càng làm tăng chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới. Tuy chênh lệch giá khá lớn, nhưng điều quan trọng là không còn những cơn sốt vàng, nên không tác động tiêu cực đến ổn định vĩ mô và tỷ giá.

“Diễn biến trên là cơ sở để NHNN khẳng định đã đạt được các mục tiêu ban đầu về quản lý thị trường vàng...”, ông Hưng nhấn mạnh.

Liên quan đến câu hỏi chệch lệch giá vàng quá lớn giữa trong nước và thế giới đang có dấu hiệu kích thích nhập lậu vàng, qua đó tạo nguy cơ gây bất ổn thị trường vàng và tỷ giá, ông Hưng, cho rằng, theo quy định hiện hành, Nhà nước độc quyền nhập khẩu và sản xuất vàng miếng. Trước đây, mỗi khi có sự chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới, lập tức xuất hiện tình trạng thu gom ngoại tệ để nhập khẩu vàng, nên gây bất ổn tỷ giá. Để quản lý hiệu quả thị trường vàng, trong đó có ngăn chặn tình trạng buôn bán vàng lậu, Nghị định 24 đã đưa ra nhiều chế tài nghiêm khắc, nên cơ quan quản lý đang chủ động kiểm soát việc nhập khẩu và đảm bảo nguồn cung cho thị trường.

Trả lời câu hỏi ai là người hưởng lợi từ chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới quá lớn, ông Hưng cho biết, ngân sách nhà nước có hưởng lợi từ sự chênh lệch này...

Giảm chênh lệch giá sau ngày 30/6?

Trước nhiều ý kiến hoài nghi về khả năng giá vàng trong nước sẽ bám sát với giá thế giới kể từ sau ngày 30/6 tới, ông Hưng cho hay, việc huy động vàng của các tổ chức tín dụng đã kết thúc vào cuối năm ngoái. Tuy nhiên, căn cứ vào kỳ hạn huy động vàng thì phải đến ngày 30/6 tới mới là thời hạn cuối cùng để các tổ chức tín dụng tất toán trạng thái vàng. Bởi vậy, từ nay đến trước ngày 30/6, nhu cầu mua vàng của các tổ chức tín dụng vẫn còn khá lớn, để đáp ứng nhu cầu tất toán trạng thái vàng, cũng như phục vụ hoạt động mua bán trên thị trường. Khi cầu còn khá lớn, thì chênh lệch giá trong nước và thế giới chưa thể thu hẹp. Tuy nhiên, sau thời điểm 30/6, khi các tổ chức tín dụng tất toán xong trạng thái vàng, thì cầu sẽ giảm, nên giá vàng trong nước sẽ bám sát giá vàng thế giới.

Như vậy, phải chăng việc đấu thấu vàng của NHNN chỉ chủ yếu giải quyết nhu cầu vàng của các tổ chức tín dụng, để có đủ lượng vàng tất toán trạng thái vàng, chứ chưa thực sự bình ổn thị trường? Đại diện NHNN khẳng định, nếu chỉ đơn thuần đáp ứng nhu cầu vàng cho tất toán trạng thái vàng của các tổ chức tín dụng, NHNN hoàn toàn có thể bán vàng trực tiếp cho các ngân hàng, mà không phải tổ chức đấu thầu.

Tuy nhiên, để đảm bảo minh bạch, đồng thời tăng cung nhằm bình ổn thị trường, NHNN đã tổ chức các phiên đấu thầu công khai. Tuy nhiên, do vàng không phải là mặt hàng thiết yếu thuộc diện phải bình ổn giá, nên không có chuyện Nhà nước hy sinh mục tiêu ổn định tỷ giá và kinh tế vĩ mô để ổn định giá vàng, mà ngược lại các giải pháp quản lý thị trường nhằm đảm bảo cung cầu hợp lý, ổn định tỷ giá cũng như vĩ mô.

“NHNN không cho phép các ngân hàng thương mại cho vay vốn để mua vàng. NHNN đang thanh tra các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng có giao dịch về vàng, để đảm bảo việc kinh doanh vàng tuân thủ đúng quy định. Trường hợp phát hiện sai phạm, NHNN sẽ xử lý nghiêm...”, ông Hưng nói khi trả lời câu hỏi có hay không các ngân hàng thương mại không kiểm soát được việc cho vay vốn dẫn đến một lượng vốn không nhỏ đang chảy vào các hoạt động mua bán, trong khi lẽ ra phải chảy vào doanh nghiệp để phát triển sản xuất - kinh doanh.

“Vài ngày nữa sẽ ban hành Nghị định về thành lập công ty quản lý tài sản”

Vài ngày tới, Chính phủ sẽ hoàn tất thủ tục để ban hành Nghị định về thành lập công ty quản lý tài sản (AMC) để sớm đưa vào hoạt động. AMC là một trong những công cụ để xử lý nợ xấu bên cạnh nhiều công cụ khác mà NHNN, cũng như các tổ chức tín dụng đang triển khai. Việt Nam không thể lựa chọn một mô hình AMC cụ thể nào từ kinh nghiệm của các nước trên thế giới, bởi nợ xấu và xử lý vấn đề này tại Việt Nam có những đặc thù. Bởi vậy, quan điểm của Chính phủ là khi đủ điều kiện để AMC ra đời và hoạt động hiệu quả, thì chính thức cho phép thành lập đơn vị này. Vì đây là một tổ chức mới, nên trong quá trình thành lập và vận hành AMC, cơ quan quản lý sẽ cầu thị lắng nghe, để điều chỉnh nhằm đảm bảo việc vận hành AMC góp phần lý nợ xấu hiệu quả và nhanh hơn.