Đấu thầu vàng: Doanh nghiệp khó “đấu”

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp

Theo phản ánh của các doanh nghiệp (DN), thời gian qua muốn tham gia đấu thầu vàng, DN phải có số vốn từ 100 tỉ đồng trở lên hoặc phải đặt lệnh ít nhất là 1.000 lượng vàng, tương đương với hơn 40 tỉ đồng. Để tìm hiểu rõ hơn ý kiến của DN về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Minh Châu - Tổng Giám đốc Công ty vàng bạc đá quý Minh Châu.

PV:  Thưa ông, việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) qui định khối lượng tham gia đặt thầu lớn trong khi rất nhiều DN có vốn từ 100 tỉ đồng cũng không thể tham gia đấu thầu ?

Đấu thầu vàng: Doanh nghiệp khó “đấu” - Ảnh 1
Ông Nguyễn Minh Châu - Tổng Giám đốc Công ty vàng bạc đá quý Minh Châu
Ông Nguyễn Minh Châu: Sau hơn chục phiên công khai đấu thầu vàng, theo tôi NHNN còn thiếu bình đẳng trong đấu thầu vàng miếng. Các quy định liên quan tới việc cho các DN tổ chức tham gia đấu thầu được NHNN siết ngày càng hẹp.

Cụ thể, tại Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, DN muốn kinh doanh vàng phải được NHNN xem xét cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng khi đáp ứng đủ 5 điều kiện: DN thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật; có vốn điều lệ từ 100 tỉ đồng trở lên; có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh mua, bán vàng từ 2 năm trở lên; có số thuế đã nộp của hoạt động kinh doanh vàng từ 500 triệu đồng/năm trở lên trong 2 năm liên tiếp gần nhất; và phải có mạng lưới chi nhánh, địa điểm bán hàng tại Việt Nam từ 3 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Riêng đối với các tổ chức tín dụng muốn được được cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng khi đáp ứng đủ 3 điều kiện sau: Có vốn điều lệ từ 3.000 tỉ đồng trở lên; Có đăng ký hoạt động kinh doanh vàng; Có mạng lưới chi nhánh tại Việt Nam từ 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên.

Bên cạnh đó, NHNN quy định khối lượng đặt thầu tối thiểu là 1.000 lượng, đòi hỏi các DN phải có số vốn lưu động rất lớn để thanh toán cho NHNN trong thời gian rất ngắn sau khi trúng thầu. Trong khi đó hầu hết các DN không thể vay vốn từ ngân hàng khiến nhiều DN kinh doanh vàng, đặc biệt là các DN có vốn từ 100 tỉ đồng rất khó tham gia đấu thầu, đặc biệt nếu tham gia hai, ba phiên đấu thầu diễn ra liên tiếp, DN cũng khó bề mà xoay sở nguồn tiền.

Thưa ông, có nhiều ý kiến cho rằng chính việc làm của NHNN đã tạo sự cạnh tranh không bình đẳng giữa các tổ chức tín dụng và DN ?

Mới đây, Hiệp hội Kinh doanh vàng đã kiến nghị gửi NHNN cho DN vay vốn mua vàng đấu thầu và nhập khẩu vàng nguyên liệu, cho vay mua vàng nguyên liệu. Theo tôi những kiến nghị trên hoàn toàn hợp lý, bởi nó xuất phát từ nhu cầu nội tại của mỗi DN. Họ đang tham gia kinh doanh một cách rất bình đẳng nhưng bị gạt ra khỏi cuộc chơi.

Thị trường vàng nên để các tổ chức kinh doanh vàng các DN thực hiện.

Thực tế cho thấy, tiềm lực tài chính của DN kinh doanh vàng không thể bằng các ngân hàng thương mại. Chính vì thế những quy định này của NHNN đã tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng, loại bỏ nhiều DN kinh doanh vàng, đặc biệt là các DN có quy mô vừa, ra khỏi cuộc đấu thầu, đi ngược lại chủ trương của Chính phủ về việc hỗ trợ cho DN vượt qua cơn khủng hoảng kinh tế hiện nay. Việc không cho các DN vay tiền tham gia đấu thầu vàng đã là một thiệt thòi mà ngay cả các DN sản xuất vàng trang sức cũng không được vay vốn, theo tôi là hoàn toàn bất hợp lý.

Trong buổi phỏng vấn “Dân hỏi, Bộ trưởng trả lời”, trên VTV tối 5/5/2013, Thống đốc NHNN cho rằng, chính người dân, DN được hưởng lợi khi giá vàng trong nước chênh lệch cao, ý kiến của ông về vấn đề này thế nào?

Vàng là mặt hàng nhà nước không cấm kinh doanh nhưng không khuyến khích kinh doanh. Hơn nữa, việc kinh doanh vàng tiêu tốn lượng ngoại tệ rất lớn, chúng tôi hoàn toàn đồng cảm với chủ trương này của Nhà nước. Tuy nhiên, nếu vẫn để NHNN nhập vàng thì nguồn ngoại tệ Nhà nước sẽ như thế nào? Vì vậy nếu như tiếp tục cho nhập vàng thì toàn bộ sự chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới theo tôi chính là NHNN và các ngân hàng thương mại được hưởng lợi.

Trong lịch sử kinh doanh vàng của tôi chưa bao giờ chứng kiến giá vàng trong nước và thế giới cách xa gần 7 triệu /1 lượng như vậy. Qua hơn 13 phiên đấu thầu giá vàng trong nước và thế giới vẫn không thể cải thiện được là bao. Do vậy, vấn đề bình ổn cũng đang được quan tâm nhiều, nhưng mục tiêu của NHNN đưa ra là bình ổn thị trường vàng chứ không phải bình ổn giá. NHNN đưa vàng ra để cung ứng nguồn hàng cho thị trường, nhất là cung ứng vàng cho các ngân hàng thương mại để giải quyết vấn đề đóng trạng thái vào ngày 30/6 tới.

Vậy theo ông, NHNN nên trả lại vai trò kinh doanh vàng cho DN ?

Theo tôi, NHNN nên giữ vai trò tổ chức thị trường, kiểm soát, giám sát thì đúng với chức năng vai trò. Còn việc kinh doanh thị trường vàng nên để các tổ chức kinh doanh vàng, các DN thực hiện. Bởi thị trường vàng đòi hỏi sự linh hoạt uyển chuyển rất cao. Do đó, chỉ có sự uyển chuyển, linh hoạt mới có thể phù hợp và giải quyết được những vấn đề thực tế phát sinh của thị trường vàng.

Ở các nước trên thế giới, như Ấn Độ làm ví dụ cũng đưa ra hàng loạt chính sách để quản lý thị trường vàng. Ngân hàng quốc gia này muốn quản lý vàng bằng rất nhiều biện pháp khác nhau nhưng đều thất bại. Đến nay, Ấn Độ đã thả nổi thị trường vàng và chỉ quản lý bằng thuế suất nhập khẩu vàng khi nâng mức thuế lên 50%.

Ngay cả Trung Quốc, cách đây 10 năm, cũng cố gắng kiểm soát thị trường vàng theo hướng độc quyền, ấn định giá vàng nhưng không thành công và hiện cũng thả nổi thị trường vàng….

Xin cảm ơn ông!