Đấu thầu vàng miếng: Tại sao không đưa mức giá bằng thế giới?

Theo Vietstock

Liệu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể đưa ra mức giá thấp ngay lập tức để đưa giá vàng về với mức giá của thế giới?

Đấu thầu vàng miếng: Tại sao không đưa mức giá bằng thế giới?
Ảnh minh họa. Nguồn:Internet

Sau 9 phiên đấu thầu với hơn 10 tấn vàng được đưa ra thị trường thì mục đích bình ổn thị trường mà NHNN đưa ra vẫn là con số 0. Mức độ chênh lệch giá vàng trong nước so với giá vàng thế giới càng ngày càng cao, và hiện nay đã ở mức hơn 7 triệu đồng/lượng, mức cao nhất từ trước đến nay.

Giá vàng thế giới đang đã có 4 tuần giảm liên tiếp với mức giảm của tuần này đạt 7%, tuy nhiên giá vàng thế giới đang có xu hướng phục hồi. Giá vàng thế giới hiện đã quay lại mốc hỗ trợ 1,400 USD/oz sau nhiều phiên giảm sâu.

Các tổ chức tín dụng (TCTD) vẫn tích cực mua vàng miếng, chấp nhận đấu thầu với giá cao hơn so với giá mua trên thị trường, chứng tỏ dấu hiệu khát vàng vẫn chưa có xu hướng dừng lại trong khi hạn chót tất toán trạng thái vàng đang đến gần.

Sau những biến động như vậy của giá vàng hiện nay, một câu hỏi mà nhiều nhà đầu tư thắc mắc đó là: “Tại sao NHNN không đưa ra mức giá đấu thầu ở mức sát với giá trên thế giới?”

Trước hết hãy hình dung những gì sẽ xảy ra nếu NHNN đưa ra mức giá đấu thầu ở mức thấp, sát với giá trên thế giới.

Đối với các TCTD tham gia đấu thầu, chắc chắn là dù NHNN có đưa ra đấu thầu bao nhiêu vàng đi chăng nữa thì lượng vàng này cũng sẽ được mua “sạch sẽ”. Lý do đơn giản là các TCTD này sẽ được lãi lớn sau khi giao dịch. Các ngân hàng chắc chắn sẽ chớp lấy cơ hội để bù đắp lượng vàng thiếu hụt cho nhu cầu tất toán 30/6. Trước kia các ngân hàng này đã sử dụng nguồn vàng này để phục vụ các mục đích của bản thân, từng ngân hàng và có thể chắc chắn một điều là lợi nhuận từ những phi vụ này sẽ cao hơn nhiều so với giá vàng hiện nay. Vì vậy, việc gom được vàng giá rẻ là điều nằm mơ các ngân hàng này cũng muốn.

Đối với các TCTD khác thì việc nhận được một nguồn cung giá rẻ trong hoàn cảnh này là một món hời vô cùng, kinh doanh chắc chắn có lãi, giá vàng trong nước thời gian gần đây mặc dù chịu ảnh hưởng từ giá vàng thế giới và từ nguồn cung của NHNN nhưng mức giảm của nó chưa bằng đến một nửa của thế giới, thậm chí còn tăng lại ngay.

Vẫn một tiền lệ từ trước đến nay của không chỉ xăng dầu mà còn cả giá vàng: Giá vàng thế giới mà tăng thì trong nước tăng mạnh hơn, giá vàng thế giới mà giảm thì giá vàng trong nước giảm chậm hơn. Vì vậy có thể chắc chắn rằng dù nguồn vàng trong nước cung mạnh đến mấy thì giá cũng sẽ giảm rất chậm, thậm chí do nạn đầu cơ trong ngắn hạn thì còn có tăng ngay sau khi vừa giảm.

Trong ngắn hạn, lượng vàng mà NHNN bán ra sẽ như đổ nước vào chiếc bình không đáy. Chính việc này cũng sẽ làm dấy lên việc lợi ích nhóm hay nói cách khác là bù lỗ cho các NHTM nếu giá vàng được đưa ra quá thấp.

Đối với thị trường, đặc biệt là đối với người dân, chắc chắn sẽ xếp hàng dài trước cửa hàng vàng để mua bất kể mưa, nắng. Kể từ tháng 8/2012, khi giá vàng trong nước tăng mạnh và đạt đỉnh dao động quanh mốc 50 triệu đồng/lượng, một thời gian dài giá vàng chỉ dao động trong mức 44-48 triệu đồng/lượng, hiếm khi thấy giá vàng rơi xuống dưới 40 triệu đồng/lượng. Vì vậy dễ hiểu tại sao người dân lại đổ xô mua vàng như vậy.

Cách đây không lâu, khi vàng xuống dưới 38 triệu đồng/lượng, người dân “nô nức” đi mua vàng với tâm trạng vui như trẩy hội. Một cách tính đơn giản với 1 người tích góp được 1 tỷ đồng, khi giá vàng xuống 38 triệu đồng/lượng, nếu thực hiện mua vàng anh ta sẽ mua 26 lượng, và để đó khi giá vàng quay lại mức trên 40 triệu đồng/lượng anh ta đã lại được 52 triệu đồng, một số tiền không hề nhỏ. Chính tâm lý ham rẻ trước mắt này sẽ làm giá vàng không thể giảm quá sâu trong ngắn hạn.

Đối với nền kinh tế, lúc này thị trường vàng như một vùng trũng xuống trong nền kinh tế, mọi nguồn lực trong nền kinh tế sẽ chảy vào thị trường này vì cơ bản, nó đã là quá rẻ so với mốc kỷ lục 50triệu đồng/lượng. Mà trong nền kinh tế hiện nay, vốn ngoài trong sản xuất thì đa phần nằm trong két của ngân hàng dưới dạng tiền gửi, tiền thanh toán… và trong thị trường chứng khoán.

Khi vốn chảy vào vàng, đồng nghĩa với việc tiền được rút ra ở những nới khác. Đối với các ngân hàng, vấn đề thanh khoản  sẽ bị đe dọa nghiêm trọng, vì không chỉ người dân mới mua vàng mà các ngân hàng này cũng sẽ tham gia, tiền ở đâu để đáp ứng đủ cả hai mục đích cùng một lúc?

Đối với thị trường chứng khoán, đây có thể coi là cơn ác mộng. Một chuyên gia phân tích đã nói, cái đe dọa thị trường giờ đây không còn là giá mà chính là thanh khoản, chứng khoán biến động bất thường, nhà đầu tư không còn mặn mà gì với việc ngày ngày xem bảng điện từ thì nay sẽ quay sang mua vàng với kỳ vọng lợi nhuận sẽ cao hơn. Như vậy, vấn đề trăn trở mà bấy lâu nay thống đốc Nguyễn Văn Bình nói là làm sao để huy động được vàng trong dân phục vụ vào sản xuất giờ lại khó hơn gấp bội.

Đưa giá vàng trong nước về tương đương với giá vàng thế giới, về ngắn hạn thì đồng nghĩa với việc lượng vàng nằm trong dân sẽ nhiều hơn nữa, đã không huy động được nay lại chôn thêm nhiều hơn. Quả là tiến thoái lưỡng nan.

Đối với NHNN, sẽ là rủi ro nếu ngay lập tức định giá đầu thầu ở mức thấp. Mặc dù với mục tiêu thực hiện đấu thầu để bình ổn giá vàng nhưng bên cạnh đó là mục tiêu không làm thất thoát dự trữ ngoại hối. Định giá bán vàng thấp trong điều kiện giá vàng thế giới có đà phục hồi từ những tin tức không tích cực về đầu tàu kinh tế thế giới là quá rủi ro. NHNN cần tính toàn cẩn thận để không làm thất thoát ngân sách quốc gia.

Vì vậy, với những bước đi thận trọng của NHNN không phải không có căn cứ, việc bình ổn thị trường không chỉ một sớm một chiều mà thành công. Việc đấu thầu vàng miếng ít nhiều cũng bắt đầu cho thấy hiệu quả. Có thể thấy có hai việc mà NHNN phải làm được để đưa giá vàng về cùng với giá vàng thế giới, đó cũng chính là hai nguyên nhân làm giá vàng trong nước không thể giảm mặc dù đã cung ra hơn 10 tấn vàng.

Thứ nhất, thỏa mãn nhu cầu của lượng cầu thường xuyên trên thị trường hiện nay là các ngân hàng đang phải chịu quyết định tất toán trạng thái vàng. Hay nói cách khác là tiếp tục thực hiện đấu giá vàng miếng.

Việc này đã phần nào được giải quyết trong 9 phiên đấu thầu vừa rồi. Qua những phiên đấu thầu vừa rồi các ngân hàng đã huy động được một phần vàng để phục vụ tất toán thông qua đấu thầu trực tiếp và mua lại của các TCTD khác đã đấu thầu thành công. Điều này là do hạn mức tối đa một ngân hàng được phép tham gia đấu thầu chỉ có 10,000 lượng trong khi thời hạn tất toán đang đến gần.

Có thể chắc chắn rằng lượng cầu nãy sẽ triệt tiêu trước 30/6, có thể là đầu tháng 5 hoặc tháng 6. Đây là lượng cầu chính của thị trường thời gian gần đây, triệt tiêu được nó đồng nghĩa với việc cầu trên thị trường sẽ giảm bớt.

Thứ hai là hiện tượng đầu cơ khi thấy giá vàng quá thấp, điều này chủ yếu do tâm lý của người dân khi thấy giá giảm quá mạnh, nhưng đây không phải là hiện tượng lâu dài mà chỉ là hiện tượng nhất thời. Điều này thể hiện lượng vàng bán ra tăng đột biến nhưng không phải là quá cao, cái này có thể dập tắt thông qua 2 yếu tố là: Lượng cung và giữ giá ổn định.

Lượng cung đang được NHNN hỗ trợ thông qua đấu thầu vàng miếng, mặc dù hiện tại đang kẹt trong két của các ngân hàng nhưng trước 30/6 nó sẽ quay ra thị trường thông qua việc ngân hàng trả lại vàng cho khách hàng.

Giữ giá vàng ổn định chắc chắn sẽ rất khó khăn lúc ban đầu nhưng nếu làm được thì về lâu dài, tâm lý đầu cơ sẽ biến mất. Người dân mua vàng với kỳ vọng giá vàng sẽ tăng trở lại như trước kia và sẽ hưởng chênh lệch, tâm lý này sẽ biến mất nếu người dân thấy rằng giá vàng sẽ không tăng trở lại như trước kia trừ khi có biến động mạnh từ giá vàng thế giới. Nếu thấy được giá vàng hiện nay chỉ như thời điểm giá vàng trong nước dao động quanh mốc 44-46 triệu đồng/lượng, khi thấy giá chỉ dao động trong biên độ hẹp, chắc chắn tâm lý đầu cơ sẽ không còn.

Như vậy, trước mắt NHNN nên tiếp tục thực hiện đấu thầu để tăng cung trên thị trường và giữ giá không biến động quá mạnh. Sau thời hạn mà các ngân hàng phải trả lại vàng cho khách hàng với tác động kép từ việc giảm cầu về vàng miếng của các ngân hàng, tăng cung vàng trong dân do ngân hàng trả lại vàng cho khách hàng thì khi đó giá vàng sẽ từ đó mà về sát với thế giới. Và có thể nói mục đích bình ổn thị trường sẽ được thực hiện.

Khi giá đã ở mức ổn định thì việc huy động vàng trong dân phục vụ vào sản xuất như trăn trở bấy lâu nay của Thống Đốc sẽ phần nào được giải quyết.