Đầu tư chứng khoán - Ai lên hương, ai ngã ngựa?

Theo KIM/thoibaonganhang.vn

Trong năm 2018 và những năm tới, có thể áp lực tăng vốn lớn và niêm yết ào ạt sẽ gây lo ngại về việc dư cung, nhưng ở khía cạnh khác, khi thị trường với đầy đủ hàng hóa chất lượng, thì đây sẽ là cơ hội để nhà đầu tư sáng tạo.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Thị trường chứng khoán bùng nổ trong năm 2017 và những phiên giao dịch đầu năm 2018 đã giúp cho tài sản của những người giàu nhất trên thị trường này gia tăng mạnh mẽ. Năm 2017 đã chứng kiến sự phất lên trông thấy của nhiều người, nhưng cũng không ít người bị “ngã ngựa”. Vậy kinh nghiệm rút ra cho các nhà đầu tư trong năm 2018 là gì?

Trong năm 2017, VN- Index đã tăng hơn 40%, nhiều cổ phiếu cũng tăng giá từ 1,5-2 lần, mức vốn hóa cho một số DN niêm yết cũng được nâng lên mốc tỷ đô.

Trường hợp HDB những ngày qua được xem như một điển hình, khối lượng cổ phiếu lưu hành là gần 981 triệu, với mức giá gần 4.0 thì vốn hóa của HDB cũng lên gần đến mốc 40.000 tỷ đồng. Và trong trường hợp xuất hiện những thông tin thuận lợi khiến cổ phiếu này có thể tăng giá được thêm 10% thì HDB sẽ nhanh chóng vượt mốc vốn hóa 2 tỷ USD. Không chỉ HDB, hiện có rất nhiều cổ phiếu mới lên sàn trong năm vừa qua cũng đã nằm trong top vốn hóa hàng đầu, có thể kể ra như PLX, SAB… Khi cổ phiếu được nâng giá trị thì nhiều người cũng thắng lớn. Tính trung bình ở những người mua trúng và đúng trong năm 2017 thì lợi nhuận thu được từ 40- 60%.

Dẫu vậy, không phải DN nào cũng may mắn được nâng tầm, hay không phải nhà đầu tư nào cũng gặt hái được thành quả. Nói như một nhà đầu tư, 2017 là một năm khác biệt, sự lệch pha vô cùng lớn.

Đơn cử, một số DN kinh doanh rất tốt, lợi nhuận đạt cao nhưng cổ phiếu lại không giữ được phong độ tương xứng. Đó là AAA (CTCP Nhựa và Môi trường xanh An Phát) và HII (nhà CTCP Nhựa và Khoáng sản An phát - Yên Bái). Dù liên tục công bố những tin tức tích cực như tăng trưởng lợi nhuận, góp vốn thành lập công ty con, ký hợp đồng cung cấp sản phẩm cho Samsung… nhưng AAA chỉ còn dao động khoảng 34.000 đồng và HII còn khoảng 32.000 đồng.

Một số mã bluechips như HPG của CTCP Tập đoàn Hòa Phát; PNJ của CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận; HBC của CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình… đều là những cổ phiếu có vốn hóa lớn và liên tục ghi nhận lợi nhuận lớn trong năm. Thế nhưng, có rất nhiều nhà đầu tư đã ra vào không đúng thời điểm để ngậm phải trái đắng.

Ví dụ như HBC có thời điểm cổ phiếu này tăng liên tục trong 2 tháng, giá từ 54.000 lên 64.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, sau khi chinh phục đỉnh mới, HBC không thể tránh khỏi áp lực bán mạnh khi mùa báo cáo tài chính kết thúc và mức tăng trưởng lợi nhuận 30% so với cùng kỳ không đủ để tạo thêm sức hấp dẫn cho cổ phiếu, nhất là khi con số này có sự đóng góp từ 31 tỷ đồng lợi nhuận khác. Cùng lúc đó với sự bán ra của quỹ ngoại Pyn Elite, HBC đã rơi rất nhanh về 48.000 đồng, xóa luôn thành quả tăng giá của nhiều tháng qua.

Ngược lại, nhiều DN có tên tuổi trên thị trường thì lợi nhuận lại đáng thất vọng. Đó là HSG của CTCP Tập đoàn Hoa Sen, DHG của Dược Hậu Giang hay CTS của CTCK Ngân hàng Công thương Việt Nam. Trường hợp thảm nhất có lẽ là HSG, bởi DN của ông Lê Phước Vũ có vị thế lớn trong ngành và là cổ phiếu yêu thích của nhiều nhà đầu tư. Dẫu vậy, HSG công bố lợi nhuận quý IV năm qua chỉ bằng một nửa cùng kỳ. Cộng thêm chuyện Dragon Capital đã bán vốn tại Hoa Sen và chuyển sang một công ty cùng ngành là Nam Kim khiến nhà đầu tư mất khá nhiều ở cổ phiếu này.

Năm 2017 đã khép lại. Dù thắng, dù thua, nhưng xét về mặt chỉ số và thanh khoản, đã rất lâu mới thấy một năm tăng trưởng toàn diện cả về lượng và chất của thị trường. Giờ đây, nhà đầu tư có thể chứng kiến vốn hóa thị trường chứng khoán đã đạt 75% GDP và đang dần trở thành kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế.

Trong năm 2018 và những năm tới, có thể áp lực tăng vốn lớn và niêm yết ào ạt sẽ gây lo ngại về việc dư cung, nhưng ở khía cạnh khác, khi thị trường với đầy đủ hàng hóa chất lượng, thì đây sẽ là cơ hội để nhà đầu tư sáng tạo. Thậm chí, theo ghi nhận của một chuyên viên phân tích, với thành quả có được trong năm 2017, giờ đây các quỹ lớn dù muốn hay không cũng phải chú tâm vào thị trường chứng khoán Việt Nam như một trong những thị trường sôi động nhất và sẽ phải xem xét giải ngân trong năm 2018.

Có điều, để rút kinh nghiệm của năm 2017, giới chuyên môn cho rằng, năm nay, dòng tiền sẽ luân chuyển sang nhóm cổ phiếu đang được định giá rẻ hơn. Bởi quy luật bao giờ cũng vậy, không có gì cứ tăng mãi mà không giảm và dòng tiền thông minh luôn chọn đúng chỗ.

Chia sẻ về bí quyết đầu tư, ông Nguyễn Sơn một nhà đầu tư có kinh nghiệm trên sàn cho rằng, về mặt “lý thuyết”, nhóm cổ phiếu trong diện thoái vốn nhà nước sẽ thu hút sự chú ý của giới đầu tư. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, những DN tăng trưởng bền vững sẽ có nhiều cơ hội hơn. Do đó, 2018 sẽ là năm của cổ phiếu có vốn hóa trung bình và nhỏ, bởi nhiều cổ phiếu trong nhóm này đang được định giá thấp đáng kể so với giá trị thực về tài sản, P/E thấp nhưng tăng trưởng cao.

Đồng thời, vị này cũng cho biết, những ngành được dự báo tích cực hầu hết giá cổ phiếu đã tăng mạnh, tức là thông tin đã phản ánh vào giá. Còn những DN lớn, có lợi nhuận tốt thì kịch bản của năm 2017 cũng là một bài học mà nhà đầu tư phải ghi nhớ. “Tất nhiên, cũng không nên bó buộc, bởi tùy từng cổ phiếu, tùy từng thời điểm mà có những kỳ vọng khác nhau. Có ngành tích cực, nhưng chưa chắc giá cổ phiếu đã tăng. Ngược lại, có ngành kém tích cực, nhưng cổ phiếu lại được hưởng lợi”, ông Sơn nhấn mạnh.