Đầu tư nhà nước: Vấn đề và giải pháp

TS. Phạm Đức Hồng - ThS. Hoàng Thái Sơn

TCTC Online - Trong những năm qua, qui mô đầu tư nhà nước (ĐTNN) đã tăng đáng kể, từ 13,3% GDP năm 1995 tới 21,4% năm 2002, trước khi giảm xuống còn 18,2% GDP năm 2007. Trong ĐTNN, đầu tư từ NSNN chiếm phần chính, với tỷ trọng bình quân từ 1995 đến 2007 là 46,5% và cao nhất là 54,4% tổng ĐTNN vào năm 2005. Đầu tư nguồn NSNN trong tổng đầu tư tuy có tăng, giảm giữa các năm, song vẫn luôn khẳng định được vị trí chủ đạo trong tổng ĐTNN.

 

Đầu tư nhà nước vẫn còn những tồn tại

Nhìn lại hoạt động ĐTNN giai đoạn 2001-2010 có thể nhận thấy, ĐTNN đã tập trung phát triển hạ tầng cơ sở, nhờ đó góp phần thiết thực vào duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, ổn định kinh tế vĩ mô và tăng cường xóa đói giảm nghèo. Ngoại trừ những giai đoạn chịu tác động của khủng hoảng châu Á cuối những năm 90 và khủng hoảng tài chính thế giới 2008-2009, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam luôn đạt từ 7-8%/năm. Năm 2010, GDP theo giá thực tế tính theo đầu người quy ra USD đạt khoảng trên 1.200 USD, vượt mục tiêu kế hoạch đề ra cho năm 2010 là 1.050-1.100 USD, đưa nước ta ra khỏi nhóm nước đang phát triển có thu nhập thấp. Quy mô GDP tính theo giá so sánh năm 2010 gấp 2 lần so với năm 2000. Những năm gần đây, nhờ thực hiện tốt các mục tiêu giáo dục, y tế, xóa đói giảm nghèo, nên tỷ lệ đói nghèo của cả nước đã giảm mạnh. Theo chuẩn nghèo của chương trình xóa đói giảm nghèo quốc gia, đầu năm 2000 có khoảng 2,8 triệu hộ nghèo, chiếm 17,2% tổng số hộ trong cả nước, chủ yếu tập trung vào các vùng nông thôn. Số hộ nghèo của năm 2004 là 1,44 triệu hộ, tỷ lệ nghèo là 8,3%, đến cuối năm 2005 còn khoảng dưới 7% với 1,1 triệu hộ. Như vậy tỷ lệ hộ nghèo năm 2005 đã giảm khoảng 50% so với năm 2000. Đến năm 2009, do chuẩn nghèo được điều chỉnh tăng 50%, tỷ lệ hộ nghèo lại tăng lên, cả nước Việt Nam hiện có khoảng 2 triệu hộ nghèo, đạt tỷ lệ 11% dân số.

Mặc dù đạt được những thành tựu trên đây, song ĐTNN những năm qua còn tồn tại một số vấn đề bất cập sau:

Bất cập trong  lĩnh vực hạ tầng cơ sở

Thứ nhất, ĐTNN còn dàn trải,  tuỳ tiện, chưa thực sự gắn với mục tiêu phát triển lâu dài của nền kinh tế:

Điển hình là hoạt động đầu tư hệ thống cảng biển. Miền Trung chỉ đảm nhận khoảng 13% tổng khối lượng hàng hóa qua cảng của cả nước nhưng các cảng biển ở đây lại được xây dựng dầy đặc. Cảng Hòn La (Quảng Bình) cách cảng Vũng Áng 25 km; cảng Chân Mây (Thừa Tiên-Huế) cách cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) 30 km; cảng Dung Quất (Quảng Ngãi) chỉ cách cảng Kỳ Hà 10 km (!)... Trong khi đó, miền Đông Nam Bộ ở vị trí hết sức thuận lợi để khai thác các tuyến vận tải biển quốc tế quan trọng và đã được các hãng tàu lớn đưa vào trong bản đồ lộ trình hoạt động nhưng đến nay việc xây dựng các cảng ở đây vẫn chưa được thực sự bắt đầu. Bên cạnh đó, còn có tình trạng các dự án đầu tư được phê duyệt và thực hiện trong khi dường như không có nhu cầu sử dụng, như dự án ngành cơ sở hạ tầng nông thôn có công trình hoàn thành từ năm 2002 đến nay chưa đưa vào sử dụng, kể cả các công trình thuộc CTMTQG hoàn thành cũng để không… Trong khi đó, hạ tầng cơ bản cho phát triển lâu dài của nền kinh tế còn nhiều bất cập. Tình trạng thiếu điện, nước phải cắt điện, nước luân phiên vẫn diễn ra khá phổ biến. Hệ thống hạ tầng giao thông đô thị còn nhiều bất cập. Tắc nghẽn giao thông xảy ra ở hầu hết các thành phố lớn…

Thứ hai, khâu thẩm định đầu tư chưa chặt chẽ: Cho tới nay, về qui trình, chỉ các dự án quan trọng quốc gia mới được thẩm định bằng công cụ phân tích chi phí - lợi ích. Các dự án nhóm A, được phê chuẩn bởi các bộ, ngành, các địa phương và được đưa vào kế hoạch phân bổ ngân sách hàng năm chủ yếu chỉ được phân tích, đánh giá thông qua công cụ giá trị hiện tại thuần. Trong khi, việc tính toán giá trị hiện tại thuần lại thường dựa vào các thông tin phiến diện, không cập nhật với những thay đổi kinh tế-xã hội, điển hình là giá cả nguyên, nhiên, vật liệu... Các dự án nhỏ hơn, nhóm B, C chỉ được đánh giá trên cơ sở khả năng chi phí thực hiện. Cho tới nay việc lựa chọn dự án chủ yếu vẫn dựa vào các phân tích định tính, với mục đích chính là đảm bảo sự phù hợp của các dự án với kế hoạch tổng thể. Các phân tích định lượng với các chỉ số kinh tế - xã hội cụ thể chưa được coi trọng đúng mức. Trong bối cảnh các tiêu chí đánh giá, thẩm định dự án còn thiếu chặt chẽ như trên, thì việc phân cấp quản lý đầu tư cho các địa phương, các bộ, ngành cũng còn tồn tại không ít vấn đề như năng lực cán bộ địa phương yếu trong khi thiếu sự tham gia của cơ quan quản lý đầu tư xây dựng cơ bản trong quả trình thẩm định.v.v.. Hệ quả là rất nhiều dự án đầu tư được phê duyệt, thực hiện trong khi hiệu quả kinh tế, xã hội không đảm bảo. Một số dự án được thực hiện, sau đó phải dỡ bỏ.

Thứ ba, kiểm soát chi còn nặng về quản lý tuân thủ:

Mặc dù đã có những bước tiến dài trong quản lý, kiểm soát chi nguồn vốn NN theo hướng tăng quyền tự chủ cho các cơ quan, đơn vị sử dụng nguồn NSNN, nguồn ĐTNN, song cho tới nay công tác quản lý vẫn nghiêng về quản lý tuân thủ, chưa chú trọng đến các kết quả của các khoản chi tiêu, đầu tư. Ở đây có hai vấn đề đặt ra. Một là, cơ chế kiểm soát tuân thủ có những mâu thuẫn nhất định với quá trình phân cấp, nhất là khi thực hiện Nghị định số 99/2007/NĐ – CP về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình. Trong khi cơ chế quản lý giá theo Nghị định số 99/2007/NĐ – CP nhằm tháo gỡ các khó khăn, cản trở do giá cả biến động mạnh không thể thực hiện được các dự án đầu tư với các thiết kế, dự toán ban đầu, thì cơ chế kiểm soát tuân thủ lại thiếu cơ sở để kiểm soát. Hai là, việc trao quyền tự chủ cho các đơn vị sử dụng ngân sách, thực hiện quản lý giá theo cơ chế thị trường, nhưng chưa có điều kiện để ràng buộc với các đầu ra, kết quả cần phải đạt được nên tiềm ẩn nguy cơ sử dụng lãng phí, không hiệu quả  nguồn NSNN hơn nữa.  

Thứ ba, phân cấp tổ chức thực hiện chưa đồng bộ:

Phân cấp cho các bộ, ngành, địa phương, nhưng không quan tâm nhiều đến năng lực quản lý của địa phương, không hình thành hệ thống theo dõi, đánh giá phù hợp và không có các chế tài thưởng phạt đúng mức làm trầm trọng hơn tình trạng yếu kém trong phân bổ nguồn lực, sử dụng nguồn lực. Tình trạng dàn trải trong ĐTNN, đầu tư từ NSNN, tình trạng nợ đầu tư XDCB và tình trạng thất thoát vốn đầu tư đang là những vấn đề tâm điểm trong quản lý ĐTNN ở địa phương hiện nay. Theo báo cáo kiểm toán 2008 thì hầu hết các dự án công trình được kiểm toán giá trị khối lượng nghiệm thu, thanh toán cho các nhà thầu đều phải giảm trừ. Sai sót phổ biến là thanh toán trùng khối lượng, nghiệm thu không đúng thực tế thi công, nghiệm thu thanh toán sai chế độ, không đủ thủ tục.

Bất cập trong thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo và các mục tiêu xã hội khác

Thứ nhất, bất cập từ các khoản chi đầu tư chung:

Việc dịch chuyển nguồn lực theo địa bàn cho phép nguồn lực dịch chuyển vào các vùng chậm phát triển, vùng nghèo thông qua việc áp dụng các hệ số vùng, miền trong phân bổ ngân sách cao hơn; các hệ số phân bổ ngân sách gắn với tỷ lệ đói nghèo và các chương trình được thiết kế tập trung vào các đối tượng đói nghèo, các đối tượng xã hội. Tuy vậy, cho tới nay, nguồn vốn ĐTNN vẫn có xu hướng tập trung ở các tỉnh giàu, các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội thuận lợi hơn. Một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên là do cơ chế phân cấp ngân sách có xu hướng làm doãng rộng khoảng cách về chi NSNN giữa các tỉnh, thành phố.

Bắt đầu từ phân cấp thu, vì đây là yếu tố quyết định mức chi của các địa phương. Trong khung phân cấp hiện nay, nguồn thu ngân sách địa phương được chia thành các khoản địa phương hưởng 100%, các khoản phân chia và số bổ sung cân đối. Sự khác biệt cơ bản giữa các khoản thu này không phải nằm ở quyền quyết định của địa phương, mà nằm ở khả năng chi phối, can thiệp của Chính phủ và mức độ biến động của từng loại. Chính phủ có thể thay đổi thuế suất, cơ sở thuế, phương pháp tính thuế, song không thể thay đổi trực tiếp mức thu hoặc phương thức chia  đối với các khoản thu đã phân cấp 100% cho địa phương. Đối với các khoản thu điều tiết và thu bổ sung, Chính phủ có thể thay đổi sau mỗi kỳ ổn định, song Chính phủ chỉ ổn định tỷ lệ phân chia đối với các khoản thu phân chia, nhưng ổn định mức bổ sung cân đối (số tuyệt đối) trong suốt thời kỳ ổn định. Như vậy, đối với các địa phương chậm phát triển, nguồn thu chính là thu bổ sung cân đối từ ngân sách cấp trên, ví dụ Bắc Cạn 92-93%, Hà Tĩnh 80% thì mức độ thay đổi thu (tăng thu) trong kỳ ổn định rất hạn hẹp.

Cơ chế phân cấp vay nợ thời gian qua cũng có xu hướng mở rộng chênh lệch chi đầu tư giữa các tỉnh. Theo khung pháp luật hiện hành, tỉnh/thành phố hoàn toàn chủ động việc vay mượn, sử dụng và thanh toán cho các nhu cầu đầu tư xây dựng công trình kết cấu hạ tầng thuộc phạm vi ngân sách cấp tỉnh bảo đảm, thuộc danh mục đầu tư trong kế hoạch 5 năm đã được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định. Giới hạn mức dư nợ từ nguồn vốn huy động theo Luật NSNN năm 2002 là không vượt quá 30% vốn đầu tư xây dựng cơ bản trong nước hàng năm của ngân sách cấp tỉnh (riêng Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh không vượt quá 100%). Ngoài Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, môi trường pháp lý hoàn toàn không phân biệt các địa phương trên thị trường nợ. Tuy nhiên, thực tế lại không như vậy. Việc vay nợ của các địa phương bị hạn chế bởi rất nhiều yếu tố. Vay thương mại (vay hệ thống ngân hàng, vay dưới dạng phát hành trái phiếu) rất tốn kém (lãi suất cao, chi phí vay nợ, phát hành lớn) và tỷ lệ nghịch với qui mô vay. Đối với các địa phương có qui mô ngân sách nhỏ, việc bố trí thanh toán nợ dưới hình thức trái phiếu vào một thời điểm nhất định cũng không dễ dàng. Chính vì vậy, việc vay nợ thương mại của các tỉnh/thành phố chưa phát triển rất khó khăn. Cho đến cuối năm 2006 chỉ có 3 trường hợp huy động vốn đầu tư XDCB dưới hình thức phát hành trái phiếu với tổng trị giá là 10.135 tỷ đồng (Thành phố Hồ Chí Minh 8.002 tỷ; Hà Nội 1.592 tỷ; Đồng Nai 244 tỷ). Phần lớn các tỉnh/thành phố vay từ Quỹ Hỗ trợ phát triển (nay là Ngân hàng Phát triển) và vay KBNN theo chỉ tiêu phân bổ và giới hạn của Trung ương. Do không tiếp cận được các nguồn tín dụng chính thức và do phạm vi nợ địa phương không bao quát, nên các hình thức ứng vốn, chiếm dụng vốn, nợ đọng đã xảy ra phổ biến. Các địa phương gặp nhiều khó khăn trong vay nợ chính thức có xu hướng nợ dưới hình thức ứng vốn nhiều hơn (mặc dù mức ứng vốn không đủ lớn để đạt được mức chi đầu tư tương đương với các địa phương khác).

Thứ hai, bất cập từ việc theo đuổi các mục tiêu xoá đói, giảm nghèo, các mục tiêu xã hội của các CTMTQG:

Cơ chế đầu tư các CTMTQG có những bất cập nhất định, hạn chế việc theo đuổi các mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, các mục tiêu xã hội đặt ra. Nguồn lực để thực hiện chương trình rất hạn hẹp và không linh hoạt trước các biến động KT-XH, cản trở việc theo đuổi các mục tiêu của chương trình. Trong khi đó, vấn đề huy động các nguồn lực ở địa phương (trừ đóng góp ngày công lao động) của người dân và cộng đồng địa phương rất khó khăn do phần lớn các địa phương có CTMTQG còn nghèo, thu nhập của người dân thấp. Bên cạnh đó, thời gian phân bổ thường chậm, do những vướng mắc về thủ tục và sự chậm trễ trong giải ngân nguồn vốn từ trên xuống. Thời gian phân bổ chậm trong khi một số các hoạt động của chương trình, dự án phục vụ nông nghiệp, nông thôn có tính mùa vụ, dẫn đến hiệu quả của chương trình, dự án không như mong đợi. 

Trong bối cảnh nguồn vốn phân bổ cho chương trình có những bất cập nhất định, việc tổ chức thực hiện, đôi khi lại chưa quyết liệt, chưa theo đúng đối tượng, mục tiêu; không phân bổ hết hoặc không giải ngân hết. Trên thực tế vẫn có tình trạng phân bổ sai nội dung hoặc giữ lại nguồn kinh phí tại tỉnh, huyện. Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, Quảng Nam có 12 công trình, Kon Tum có 5 công trình phân bổ vốn lớn hơn tổng mức đầu tư được duyệt. Đối với hợp phần hỗ trợ sản xuất, tại Kon Tum, phân bổ 70% ngân sách dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cho việc mua sắm máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, chế biến… là không phù hợp với nhu cầu thực tế của người dân về hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, nhân rộng mô hình sản xuất...  Điều đáng nói là mặc dù kinh phí được phân bổ khá thấp so với nhu cầu thực tế, song tình trạng không sử dụng hết nguồn kinh phí khá phổ biến ở các CTMTQG. Chương trình 135 – một chương trình được thiết kế và quản lý tương đối chặt chẽ so với các chương trình MTQG khác, song tỷ lệ giải ngân hàng năm chưa vượt qua 80% trong cả 3 năm đầu của giai đoạn 2006-2010. Hệ quả là hầu hết các CT MTQG đều không đạt được các mục tiêu đặt ra.

Quan điểm quản lý vốn ĐTNN thời gian tới

Để giải quyết những vấn đề bất cập trên đây, chúng tôi cho rằng trong giai đoạn 2011 – 2020 quan điểm về quản lý vốn đầu tư từ NSNN nên hướng tới:

- Quan điểm 1: Linh hoạt trong điều hành mối quan hệ giữa chi tiêu dùng và chi đầu tư từ NSNN theo hướng “giảm dần chi thường xuyên thông qua xã hội hoá các khoản chi mà các thành phần kinh tế khác mong muốn cung cấp, đồng thời tăng mạnh chi đầu tư phát triển. Trường hợp kinh tế xảy ra khủng hoảng, có thể điều chỉnh tăng chi tiêu dùng, tăng đầu tư và chấp nhận tăng bội chi ngân sách. Trường hợp kinh tế xảy ra lạm phát, có thể điều chỉnh giảm đồng thời cả tiêu dùng và đầu tư từ NSNN”.

- Quan điểm 2: Đầu tư từ NSNN tập trung cho cơ sở hạ tầng, công nghệ nguồn, công nghệ cao, bảo vệ môi trường và đầu tư phát triển kinh tế, giáo dục, y tế, văn hoá, xã hội cho các tỉnh biên giới, các tỉnh đặc biệt khó khăn. Trong giáo dục ưu tiên phát triển hệ thống các trường dạy nghề cơ khí, kỹ thuật công nghệ. Tại các tỉnh, thành phố lớn, đầu tư từ NSNN sẽ giảm dần, Nhà nước chỉ hỗ trợ thông qua cơ chế chính sách, ít hỗ trợ qua đầu tư trực tiếp từ ngân sách.

- Quan điểm 3: Nguồn lực NSNN có hạn, trong khi nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng, công nghệ nguồn, công nghệ cao là rất lớn, do đó, nhà nước cần thiết phải thu hồi vốn, tăng nhanh vòng quay của vốn. Thu hồi vốn đầu tư của nhà nước phải thực hiện đúng theo các nguyên tắc thị trường, như: bán lại dự án, thu phí, bán lại công nghệ…Các chuyên gia tài chính thì cho rằng phương thức vốn đầu tư từ NS cho các dự án cơ sở hạ tầng có khả năng thu hồi vốn trực tiếp nên chiếm tỷ trọng chi phối trong khi DN sản xuất sản phẩm công lại ưu tiên lựa chọn giải pháp đầu tư vốn toàn bộ.

- Quan điểm 4: Triệt để tiết kiệm, chống dàn trải, lãng phí trong đầu tư từ NSNN.

- Quan điểm 5: không “cào bằng” trong đầu tư phát triển từ NSNN, tức là nhà nước sẽ thực hiện đầu tư tập trung vào những ngành, lĩnh vực, vùng kinh tế có ưu thế để thu được giá trị gia tăng cao nhất, sau đó sẽ điều tiết một phần giá trị gia tăng để đầu tư cho những vùng khó khăn. Thực hiện theo quan điểm này sẽ hiệu quả hơn so với quan điểm để đảm bảo công bằng giữa các vùng miền, giữa các ngành, vốn đầu tư từ ngân sách buộc phải đầu tư vào những vùng, những ngành không có lợi thế phát triển lĩnh vực và sản phẩm đó, dẫn tới giá trị gia tăng đạt được thấp hơn hẳn khi được đầu tư ở những vùng, ngành có lợi thế.

- Quan điểm 6: Không coi DNNN là kênh dẫn vốn duy nhất của nhà nước khi đầu tư vào nền kinh tế bởi vì như đã phân tích hiệu quả đầu tư của DNNN rất thấp, khả năng thu hồi vốn không cao. Trong thời gian tới cần đa dạng hóa các kênh dẫn vốn của nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư vốn nhà nước. 

Các giải pháp cụ thể

Để thực hiện các quan điểm trên, trong thời gian tới ĐTNN cần tập trung vào các nhóm giải pháp sau:

1. Nhóm giải pháp cơ cấu lại vốn đầu tư từ NSNN:

(1) Cơ cấu lại nguồn vốn đầu tư của khu vực nhà nước cho đầu tư phát triển được dịch chuyển theo hướng:

Huy động mọi nguồn lực có thể của khu vực kinh tế nhà nước tập trung vào NSNN, đặc biệt là nguồn thu từ cổ phần hoá DNNN để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và các ngành kinh tế mũi nhọn theo đúng định hướng của Nhà nước. Vốn đầu tư từ NSNN vẫn chiếm tỷ trọng cao trong vốn đầu tư khu vực kinh tế nhà nước. Vốn tín dụng theo xu hướng giảm dần, nhưng những năm kinh tế giảm sút, tín dụng nhà nước sẽ tăng nhẹ trở lại. Tỷ trọng vốn đầu tư của DNNN trong tổng vốn đầu tư của Nhà nước sẽ giảm dần, những vẫn còn ở mức khoảng 25%, vì đầu tư của DNNN trong thời gian tới vẫn lớn nhằm thực hiện các mục tiêu đầu tư lớn về cơ sở hạ tầng và các ngành công nghiệp then chốt. Theo giải pháp này, dự kiến cơ cấu vốn đầu tư của Nhà nước như sau: vốn đầu tư từ NSNN bình quân giai đoạn 2011 – 2015 chiếm khoảng 55% tổng vốn đầu tư của nhà nước và sẽ tăng lên mức khoảng 59% giai đoạn 2016 – 2020. Tỷ trọng vốn tín dụng nhà nước/tổng vốn đầu tư của nhà nước và vốn DNNN/tổng vốn đầu tư của nhà nước giai đoạn 2016 – 2020 sẽ thấp hơn giai đoạn 2011 – 2015. Cụ thể vốn đầu tư từ NSNN giai đoạn 2011 – 2020 dự kiến đạt 3.272.708 tỷ đồng, tương đương với 142,4 tỷ USD, trong đó giai đoạn 2011 – 2015 là 54,4 tỷ USD và giai đoạn 2016 – 2020 là 88 tỷ USD. Tốc độ tăng bình quân vốn đầu tư từ ngân sách giai đoạn 2011 – 2015 là 19,5% và giai đoạn 2016 – 2020 có giảm so với giai đoạn trước, nhưng dự kiến sẽ ở mức 15,5%.

 (2) Cơ cấu lại phương thức sử dụng vốn đầu tư từ NSNN:

Trong 10 năm tới, vốn đầu tư từ NSNN không cấp cho DNNN dưới mọi hình thức; tỷ trọng cấp cho các CTMTQG giữ bằng mức giai đoạn 2011 - 2015, tỷ trọng vốn cấp bù lãi suất dự kiến sẽ giảm. Tinh chung toàn bộ vốn hỗ trợ cho DN, chương trình mục tiêu và cấp bù lãi suất sẽ ở mức khoảng 6% tổng vốn đầu tư từ NSNN, thấp hơn mức bình quân của giai đoạn 2006 – 2010 là 4%. Theo giải pháp này, trơng giai đoạn 2011 – 2015, dự kiến phân bổ khoảng 1.070.000 tỷ đồng, tương đương với 51 tỷ USD cho đầu tư xây dựng cơ bản; khoảng 68.000 tỷ đồng, tương đương với 3,3 tỷ USD đầu tư cho các CTMTQG và cấp bù chênh lệch lãi suất.

           

 CHỈ TIÊU

Đơn vị

2011 – 2015

2016 – 2020

Chi đầu tư từ NSNN

tỷ đồng

1.138.308

2.134.401

1. Chi đầu tư XDCB

tỷ đồng

1.070.010

2.006.337

      Qui USD

tỷ USD

51,0

82,7

2. Chi đầu tư cho DN và các CTMTQG

tỷ đồng

68.298

128.064

      Qui USD

tỷ USD

3,3

5,3

Cơ cấu chi đầu tư phát triển từ NSNN

%

100,0

100,0

1. Chi đầu tư XDCB

%

94,0

94,0

2. Chi đầu tư cho DN và các CTMTQG

%

6,0

6,0

 

(3) Cơ cấu lại lĩnh vực đầu tư từ NSNN:

Vốn đầu tư từ NSNN cần được tập trung cao độ, hoàn thành càng sớm càng tốt cho các công trình cơ sở hạ tầng giao thông quan trọng, như: Xa lộ Bắc – Nam, đường sắt cao tốc Bắc – Nam, Sân bay quốc tế tầm cỡ khu vực, các nhà máy điện hạt nhân, hệ thống tầu điện ngầm tại Tp. Hồ Chí Minh, Tp. Hà Nội.  Khi các công trình này hoàn thành sẽ tạo sự thay đổi lớn về cơ sở hạ tầng và đảm bảo lưu thông thuận tiện giữa các vùng miền, đảm bảo năng lượng điện cho quá trình công nghiệp hoá. Các lĩnh vực đầu tư khác sẽ do chính quyền địa phương và DN đầu tư là chủ yếu, Nhà nước tham gia chỉ với hình thức vốn mồi.

(4) Cơ cấu lại bội chi NSNN trong mối tương quan với an ninh tài chính quốc gia:

Giai đoạn 2011 – 2020, dự kiến tỷ trọng thu NSNN/GDP sẽ ổn định ở mức khoảng 24%, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu năm 2010 là 6%, năm 2011 là 10% và từ năm 2012 – 2020 tốc độ tăng trung bình khoảng 12%.  Chính phủ tiếp tục thực hiện chính sách vay nợ phục vụ đầu tư phát triển. Do chính sách chống khủng khoảng kinh tế trong năm 2009, nên bội chi ngân sách đến năm 2013 mới trở lại mức 5% GDP và ổn định ở mức này trong giai đoạn 2014 – 2020. Do đó, dư nợ công năm 2010 tăng cao, bằng 50,8% GDP, sau đó giảm dần (năm 2015 dự kiến là 47,4% GDP và năm 2020 là 44,5% GDP). Nợ nước ngoài của Chính phủ sẽ ổn định ở mức 24% - 25% GDP. Trả nợ nước ngoài hàng năm bằng 24 – 25% thu NSNN.

So sánh các chỉ tiêu về an ninh tài chính của Việt Nam với tiêu chuẩn cho thấy nợ nước ngoài của Quốc gia và Chính phủ còn thấp hơn so với ngưỡng cho phép. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là giá trị hiện tại nợ nước ngoài của quốc gia/GDP tăng nhanh trong 10 năm, từ mức 33,7% lên mức 42,7%, gần với ngưỡng tiêu chuẩn 45%. Do đó, sau năm 2020, bội chi NSNN cần phải giảm xuống thấp hơn mức 5% GDP.

2. Đa dạng hoá hình thức đầu tư từ NSNN và phát triển hình thức hợp tác công – tư trong cung cấp dịch vụ công:

Trong bối cảnh nền kinh tế đang ngày càng phát triển, yêu cầu về vốn đầu tư ngày càng lớn trong khi vốn ngân sách có hạn thì ngoài hình thức đầu tư trực tiếp 100% vốn từ NSNN, cần thiết phải đa dạng hoá các hình thức đầu tư từ NSNN, nhằm thu hút và khuyến khích các thành phần kinh tế ngoài nhà nước tham gia vào các dự án xây dựng cơ bản. Sự tham gia của các đơn vị ngoài nhà nước cũng làm cho hoạt động đầu tư được quản lý chặt hơn, hạn chế tình trạng “bao cấp” trong các dự án cơ sở hạ tầng. Ngoài các chính sách đang thực hiện thì việc hướng dẫn cụ thể hơn cho triển khai các hình thức như BOT, BTO, chuyển nhượng quyền khai thác các công trình hạ tầng giao thông cần được tiếp tục chỉnh sửa để khuyến khích và đảm bảo sự phân chia rõ ràng về vai trò của nhà nước và tư nhân trong các dự án. Bên cạnh đó, việc triển khai hợp tác đầu tư giữa nhà nước và tư nhân được dựa trên một hợp đồng ký kết giữa các bên phản ánh nghĩa vụ, quyền lợi các bên trong quá trình thực hiện. Hiện hướng dẫn chi tiết về hợp đồng chưa rõ, chưa tuân theo một khung chuẩn nên thường có những khác biệt giữa các dự án. Thực tế đối với các dự án có liên quan đến nhà đầu tư nước ngoài, hợp đồng thường được nhà đầu tư nước ngoài soạn thảo rất chi tiết, gồm rất nhiều yếu tố kỹ thuật, tài chính, thể chế ràng buộc trong khi đối với trường hợp nhà đầu tư trong nước hợp đồng có nội dung đơn giản hơn rất nhiều, điều này phản ánh một thực tế khách quan sự hiểu biết và đánh giá rủi ro trong nước là chưa đầy đủ cả về phía nhà đầu tư và cơ quan quản lý đồng thời phản ánh mối quan hệ dường như giữa nhà nước với nhà nước hơn là giữa nhà nước với tư nhân. Vì vậy một trong những hoàn chỉnh cần có là việc thống nhất về nội dung hợp đồng để đảm bảo tính thống nhất, bình đẳng giữa mọi thành phần kinh tế.

Về mặt ngắn hạn, trước mắt khung pháp lý cơ bản nhất và quan trọng nhất trong lĩnh vực kêu gọi đầu tư tư nhân vào hạ tầng kinh tế là Nghị định 78/2007/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức Hợp đồng Xây dựng-Kinh doanh-Chuyển giao (BOT), Hợp đồng Xây dựng-Chuyển giao-Kinh doanh (BTO), Hợp đồng Xây dựng-Chuyển giao (BT). Khung pháp lý này cần nhanh chóng được sửa đổi. Việc này thuộc trách nhiệm chính của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Trước mắt phải hướng dẫn rõ các vấn đề: Cơ quan có thẩm quyền (hoặc cơ quan được ủy quyền) cần được làm rõ, trách nhiệm giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và cơ quan được ủy quyền; Lựa chọn nhà đầu tư; Cơ chế quản lý theo dõi các dự án BOT trong quá trình đầu tư và vận hành; Về nhà đầu tư: Làm rõ năng lực nhà đầu tư, qui mô vốn thuộc sở hữu nhà đầu tư trong dự án BOT, dự án BT; Cơ chế nhà đầu tư tham gia giải phóng mặt bằng và thu hồi đất; Hạch toán theo dõi và phản ánh trong ngân sách địa phương...

3. Quản lý NSNN theo kết quả thực hiện nhiệm vụ:

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả sử dụng NSNN, một số nước trên thế giới đã chuyển từ cơ chế quản lý NSNN theo yếu tố “đầu vào” sang phương pháp quản lý ngân sách theo kết quả thực hiện nhiệm vụ. Phương pháp này được thực hiện trên cơ sở hệ thống các định mức kinh tế - kỹ thuật, các chỉ tiêu, phương pháp xác định và giám sát, đánh giá kết quả thực hiện thực hiện nhiệm vụ cả về số lượng và chất lượng được xây dựng từ đơn vị sử dụng ngân sách đến các Bộ, cơ quan trung ương quản lý ngành, lĩnh vực. Hiện nay việc lập, quyết định, phân bổ dự toán và chấp hành, quyết toán ngân sách của Việt Nam mới chủ yếu dựa vào các yếu tố “đầu vào”; nên chưa gắn kết giữa kết quả sử dụng ngân sách với kết quả, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị. Để từng bước nâng cao hiệu quả sử dụng NSNN, gắn việc quyết định dự toán NSNN hàng năm với khả năng NSNN trung hạn và để phù hợp với điều kiện, khả năng áp dụng ở nước ta nên sửa đổi Luật NSNN theo hướng sửa đổi quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương lập kế hoạch tài chính trung hạn, kế hoạch chi tiêu trung hạn và quản lý NSNN theo kết quả thực hiện nhiệm vụ.

4. Thực hiện kiên quyết các biện pháp phòng ngừa, chống tham nhũng, lãng phí.

Triển khai quyết liệt, có hiệu quả cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng nhà nước, là yêu cầu quan trọng trong việc tạo dựng môi trường kinh doanh bình đẳng và đảm bảo phát triển bền vững. Rà soát để giảm đến mức thấp nhất quan hệ “xin- cho” trong quản lý kinh tế. Thực hiện công khai, minh bạch trong mua sắm công và xây dựng cơ bản, quản lý dự án đầu tư, xây dựng; tài chính và NSNN, huy động và sử dụng các khoản đóng góp của nhân dân; quản lý và cổ phần hóa DNNN; quản lý và sử dụng đất đai, tài sản công; công tác cán bộ.

Phân cấp và làm rõ quyền hạn, trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, từng đơn vị và người đứng đầu cơ quan; thu gọn đầu mối trong việc giải quyết mọi công việc hành chính với dân và DN.../.