Đầu tư vàng khi giá xuống?

Theo dddn.com.vn

(Tài chính) Trải qua một tuần tăng nhẹ trên thị trường quốc tế, giá vàng trong nước cũng có một số biến động. Tuy nhiên, nhìn theo ngắn lẫn trung hạn, đầu tư vàng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.

Đầu tư vàng khi giá xuống?
Đầu tư vàng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Nguồn: internet

Vàng quốc tế: Xu thế đầu tư giá xuống

Trên thị trường quốc tế, trong khoảng 11 tháng 2013, các quỹ đầu tư ETF đã bán ra khoảng 800 tấn vàng, nhiều hơn tổng lượng vàng các quỹ này mua vào trong 3 năm trước. Dựa trên số liệu đó và xu hướng bán đang tiếp tục diễn ra, chuyên gia Tư vấn Đầu tư vàng Phan Dũng Khánh cho rằng có thể đến hết năm 2013, các tổ chức quốc tế sẽ bán ra ước khoảng 1000 tấn vàng.

1000 tấn vàng ước bán của năm 2013, thực tế, cũng không hẳn là con số quá lớn trên thị trường bởi nó chỉ đạt hơn tổng số lượng mà quỹ tín thác vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust đang nắm giữ khoảng 100 tấn vàng.

Tuy nhiên, ít nhiều xu hướng bán ròng nhiều hơn mua của các quỹ ETF, kéo theo đó là chiến lược rút chân dần khỏi các quỹ ETF thông qua giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần mà tiêu biểu là Paulson & Co. đã giảm một nửa lượng cổ phần nắm giữ tại SPDR Gold Trust trong qúy II/2013, kéo theo tác động quyết định bán của nhiều tổ chức đầu tư nhỏ khác. Điều đó khiến lực đỡ từ phía các Ngân hàng Trung ương của nhiều quốc gia trên thế giới đang đẩy mạnh mua vàng, cũng trở nên kém thế.

Nhưng không phải các quỹ chỉ bán một chiều mà không mua. Nói theo ngôn ngữ của ông Phan Dũng Khánh, các tổ chức ETF không dại gì “bỏ chạy” khỏi vàng. Nhìn lại quá khứ và chiều dài tích lũy tài sản vàng mà các ETF đang nắm giữ, thực tế, họ không phải chỉ đã ồ ạt mua vàng trong 2 năm gần đây, khi vàng trên ngưỡng 1000 USD/oz đã lên đỉnh tới hơn 1.900 USD/oz. Ngược lại, họ đã mua và tích lũy từ cách đây rất lâu.

Chẳng hạn, SPDR đã mua và cân bằng giữa các quyết định bán - mua phần lớn tài sản của mình từ thời vàng chỉ mới 250 USD/oz cho đến khi qua ngưỡng 1000 USD/oz. Vì vậy, có bán tháo cỡ nào ở mức giá trên 1.000 USD/z, những ETF lớn như SPDR cũng chỉ là đang hiện thực hóa lợi nhuận với biên lợi nhuận thấp hơn, thậm chí chấp nhận cắt lỗ ở một số lượng vàng đã mua trên đỉnh giá nhằm đảo danh mục, và cũng là để thực hiện một chiến lược đầu tư mới: Đầu tư giá xuống.

Cũng phải thấy rằng khi áp lực lạm phát ở các quốc gia đang đối mặt không còn lớn, FED dự kiến thu hẹp và rút dần về gói QE3, nâng đỡ cho đồng đô la Mỹ lên xanh, cùng với đó Chính phủ Mỹ cũng có triển vọng đạt được thỏa thuận về nâng trần nợ công giữa 2 lưỡng Viện, thì mặc dù những bất ổn địa chính trị ở một số khu vực vẫn còn, bất ổn tại Eurozone chưa hoàn toàn khắc phục, nhưng vàng rõ ràng đã không còn phát lộ ánh hào quang rực rỡ của hầm trú ẩn an toàn như trước đây.

Nguy cơ giảm giá vàng một khi đã được xác định, thì chiến lược đầu tư giá xuống với các hợp đồng phái sinh kiểu như mua quyền chọn bán, sẽ được các quỹ ETF quan tâm nhiều hơn. “Năm 2013, các loại sản phẩm phái sinh vàng và các phương pháp điều chỉnh, cân bằng kĩ thuật được các quỹ ETF quan tâm và sử dụng nhiều nhất trong 10 năm trở lại đây. Nó cũng là một tác động “kép” khiến giá vàng quốc tế trong ngắn và trung hạn chưa thể điều chỉnh phục hồi”, ông Khánh nói.

Vàng trong nước: Rối dự đoán

Cùng một xu thế giảm như giá vàng quốc tế, giá vàng trong nước khó cưỡng lại nguy cơ điều chỉnh giá hoặc xập xình quanh ngưỡng 36 triệu đồng/ lượng. Đây vẫn là mức cách biệt khoảng 3-4 triệu đồng so với giá vàng quốc tế quy đổi trong mấy tuần gần đây. Nhưng để dự đoán một xu thế vàng sẽ giảm thực sự, ở mức nào và ra sao, đối với giá vàng trong nước, vẫn là điều khó khăn hơn rất nhiều so với ở thị trường quốc tế. Vì giá vàng trong nước đang không chỉ trông chờ vào biến động giá quốc tế, mà còn phụ thuộc cả vào những quyết định chính sách khó lường.

Một ví dụ cho thấy chính sách đang tác động khiến giá vàng trong nước lại có vẻ như “đi ngược” thế giới. Ông Hà Huy Tuấn, P. Chủ tich Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia từng nói với Diễn đàn Doanh nghiệp rằng dần dần, có khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ chủ động ngưng, hoặc khi không còn mãi lực mua lớn tại các phiên đấu thầu vàng và động thái đấu thầu sẽ “tự dẹp”.

Thế nhưng, không những tiếp tục mà các phiên đấu thầu mới gần đây của Ngân hàng Nhà nước lại tiếp tục, và lại khá đắt hàng. Phiên gần nhất lần thứ 74, 13 tổ chức tham gia đấu thầu đã mua hết veo 15.000 lượng vàng được chào bán, nâng tổng số lượng vàng đã đấu thầu thời gian qua ra thị trường là xấp xỉ 67 tấn.

Nếu so với lượng vàng chào đấu thầu kể từ thời điểm thực hiện đấu thầu vàng đầu tiên 28/3/2013 đến nay đã đạt 71,2 tấn, thì kết quả phản ánh chỉ có khoảng 4,2 tấn vàng tồn dư qua các phiên đấu thầu. Còn nếu tính chừng 10 phiên gần nhất trở lại, thì lượng vàng tuy tồn dư nhiều hơn và ở khoảng 100-200 lượng/ phiên so với trước 30/6, nhưng tồn dư tổng vẫn không nhiều. Một thị trường vẫn đang tiếp tục hấp thụ vàng – như một thị trường còn…“khát”?!.

Một chuyên gia cho rằng “một nguyên tắc điều tiết nước đơn giản là là nước sẽ vẫn chảy về chỗ trũng nếu chỗ đó chưa đủ nước, còn tiếp tục hút nước. Nhưng khi được cung đủ nước, no nước, chỗ nó mới thôi không hấp thu, ứ lên, dư thừa và thậm chí chảy ngược trở lại chỗ khơi nguồn. “Việc đấu thầu vàng Ngân hàng Nhà nước thời gian dường như đang cho thấy là sự điều tiết, điều hành theo nguyên tắc này. Cung sao cho đến khi thị trường bão hòa.

Vấn đề là tại sao cho dù giá vàng trên thế trường quốc tế giá vàng đã điều chỉnh rất mạnh, giá vàng trong nước tuy điều chỉnh nhưng vẫn cao cách biệt so với giá vàng quốc tế và nếu theo nguyên lí đầu tư mua vàng, các tổ chức mua đấu thầu và cá nhân mua lại đều phải chịu lỗ, mà mãi lực vàng vẫn còn? Phải chăng, mãi lực này đang khiến chúng ta chưa thể nắm bắt được bản chất của nó, của chính thị trường vàng?” - vị này đặt câu hỏi.

Tiềm ẩn rủi ro

Theo ông Nguyễn Công Tường, Phó Phòng Kinh doanh Công ty vàng SJC, trong tuần đầu tháng 12, mãi lực mua vàng của khách hàng tại SJC chỉ tăng nhẹ, trung bình mỗi ngày SJC bán ra khoảng 1.000 lượng vàng. Lượng mua vào cũng tương đương. Ngược lại, tại PNJ Phú Nhuận, ông Nguyễn Ngọc Trọng, Giám đốc Giám đốc Kinh doanh vàng miếng của PNJ lại cho hay, mãi lực vàng trong những ngày đầu tuần tháng 12 không tăng mà còn giảm.

Nguyên do chủ yếu là người mua vẫn đang kì vọng giá có thể giảm thêm. Tuần đầu tháng 12, là thời điểm giá vàng trong nước về sát trong nước 35 triệu đồng/ lượng, tương đương với tốc độ lao dốc của giá vàng quốc tế khi về mức thấp nhất kể từ tháng 7 vừa qua. Cũng đang là điểm xập xình mà giá vàng có thể hướng tới.

Nói một cách khác, nếu không tính nhu cầu mua vàng “khoen”, vàng nhẫn đang tăng lên và thường là xu hướng chung trong dịp lễ tết cuối năm (không loại trừ nguyên nhân quan trọng là giá vàng nhẫn đã giảm thấp chỉ còn 34 triệu đồng/ lượng) thì nhu cầu mua – bán vàng miếng của các tổ chức, cá nhân trên thị trường mua bán vật chất thời gian qua hoàn toàn không có biến động.

Vì lẽ đó, có nhiều giả thiết vì sao các tổ chức tiếp tục duy trì mãi lực đấu thầu vàng: Thứ nhất, có thể các tổ chức mua vàng đang “dư tiền”, chọn vàng như dạng tài sản bảo đảm cho các hoạt động khác. Thứ hai, đầu tư đón đầu lúc giá vàng thế giới hồi phục (và giá vàng trong nước sẽ điều chỉnh tăng). Thứ ba, đầu tư đón thời điểm tháng 1/2014, khi vàng nữ trang xuất khẩu của Việt Nam sẽ được giảm thuế xuất khẩu về 0% và đó là cơ hội cho những ai đang sở hữu vàng nguyên liệu.

Tuy nhiên, giả thiết thứ ba đặt ra cũng chỉ là để… loại trừ, vì thực tế kể cả khi được hưởng thuế xuất khẩu 0%, các doanh nghiệp cũng đang ở thế khó đẩy mạnh xuất khẩu vàng nữ trang. Bởi không ai xuất một mặt hàng mà giá gốc vẫn còn cao cách biệt so với giá thế giới, mà kì vọng thu lợi. Chưa kể để làm vàng nữ trang, các nhà xuất khẩu (chủ yếu là SJC và PNJ), hẳn cũng sẽ không dại gì mua lại vàng miếng để dập ra sản phẩm nữ trang – như thế chẳng khác nào dập… chân mình(!). Hai giả thiết còn lại có thể là tín hiệu nói về bản chất của mãi lực vàng (trên sàn đấu thầu) hiện tại?

Chung quy, khó dự đoán, đầy rủi ro, kênh đầu tư vàng vật chất trong tương lai có thể sẽ không còn là lựa chọn của đám đông. Cũng khó là lựa chọn khi so với chứng khoán đang có nhiều dấu hiệu tích cực (về mức độ tăng trưởng), hay so với bất động sản, là kênh chưa nhìn thấy lợi ngay nhưng mức suy giảm tạm thời đã chững, vàng vẫn đang ở trạng thái đầu tư dễ mất ngay và luôn… nóng bỏng tay, với xu thế điều chỉnh mỗi ngày.