Đẩy tín dụng lên 21%: Kích tăng trưởng, kiểm soát dòng vốn

Đỗ Linh/saigondautu.com.vn

Trong Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 8, Chính phủ tiếp tục yêu cầu phấn đấu tốc độ tăng trưởng tín dụng cả năm đạt khoảng 21%.

Tham gia vào việc tăng trưởng tín dụng SHB cung cấp gói tín dụng 2.500 tỷ đồng cho DNVVN mới lãi suất ưu đãi.
Tham gia vào việc tăng trưởng tín dụng SHB cung cấp gói tín dụng 2.500 tỷ đồng cho DNVVN mới lãi suất ưu đãi.
Hiện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các ngân hàng thương mại (NHTM) đang có các bước chuẩn bị để thực hiện nhiệm vụ này. Tuy nhiên, ngành NH vẫn đang đứng trước nhiều thách thức trong việc kiểm soát để tránh hệ lụy nợ xấu.
Thúc đẩy tăng trưởng
Theo TS. Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Chính phủ, để tăng trưởng kinh tế đạt mục tiêu trong thời điểm này, cách kích thích nhanh nhất là tăng tổng cầu. Tổng cầu gồm khối lượng tiền tệ thể hiện qua tăng tín dụng, chi tiêu chính phủ, chi tiêu tư nhân.
Các giải pháp thực hiện tăng xuất khẩu để giảm nhập siêu, tăng đầu tư thông qua việc đẩy mạnh giải ngân toàn bộ vốn đầu tư ngân sách từ nay đến cuối năm, cũng như tăng tín dụng để tư nhân tăng đầu tư và tăng tiêu dùng. Như vậy, tổng cầu tăng sẽ kéo GDP tăng theo. Với tốc độ bình thường GDP tăng 6,2-6,3%, nhưng nếu kích thích được các yếu tố này sẽ kéo tăng trưởng đạt mục tiêu 6,7% như yêu cầu của Chính phủ. Trong các giải pháp đó, động thái kích tăng tín dụng rất quan trọng, vì chỉ cần tín dụng tăng các yếu tố khác sẽ đi theo. Khi tăng tổng cầu, tổng cung tăng theo sẽ cân bằng lại. Như vậy, nhiệm vụ và giải pháp quan trọng Chính phủ yêu cầu NHNN phải thực hiện là điều hành chủ động, linh hoạt chính sách tiền tệ phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát và thị trường tiền tệ; phấn đấu tiếp tục giảm 0,5% lãi suất cho vay từ nay đến cuối năm 2017; phấn đấu tốc độ tăng trưởng tín dụng cả năm đạt khoảng 21% để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh…
Theo thống kê mới nhất của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), tính đến ngày 31/8, tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống đã đạt mức 11,03% so với cuối năm 2016. Trước yêu cầu tăng tín dụng của Chính phủ, gần đây NHNN đã có nhiều động thái hỗ trợ để nguồn vốn có điều kiện chảy ra thị trường đến với đối tượng cần hấp thụ.
Cụ thể, ngày 7/7, NHNN đã điều chỉnh lãi suất cho vay đối với lĩnh vực ưu tiên để hướng dòng vốn tín dụng vào sản xuất kinh doanh, nhưng cũng xác định rõ bất động sản, các hình thức BOT, BT… không phải là lĩnh vực ưu tiên để NH điều chỉnh chuyển chiến lược cho vay. NHNN cũng đã chấp thuận nới hạn mức (room) tăng trưởng tín dụng cho NHTM theo các đề xuất được gửi đến vài tháng trước. 

Hiện nay, các điều kiện về vĩ mô đang có xu hướng thuận lợi hỗ trợ NHNN tăng cung tiền và tăng trưởng tín dụng theo yêu cầu của Chính phủ. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng đặt ra phải nắn dòng vốn vào các lĩnh vực ưu tiên để đạt mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh tăng tín dụng, ngành NH cần phải giảm lãi suất để tăng tổng cầu an toàn, tránh dẫn đến hệ lụy tăng lạm phát trong những năm tiếp theo.

TS. Lê Xuân Nghĩa,
chuyên gia kinh tế

Chẳng hạn, Vietcombank được nới room tín dụng từ 16% lên 18%, room tín dụng của VietinBank cũng tăng lên mức 18%, OCB được phép tăng 22% thay vì 14% như trước, TPBank được phép tăng lên 20%... Đây là cơ sở để các NHTM bơm mạnh vốn trong những tháng cuối năm.
Song song đó, NHNN đưa ra dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 36/2014, với dự kiến tăng tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn lên từ mức 40% lên 45% từ ngày 1/1/2018. Bộ phận nghiên cứu của LienVietPostBank nhận định, thay vì hạ lãi suất ngay, việc giãn lộ trình vốn ngắn hạn cho vay trong dài hạn sẽ giúp các NHTM dễ thở hơn, có điều kiện đáp ứng tín dụng tốt hơn nhu cầu vốn cao của nền kinh tế.
Đưa vốn đến sản xuất
Số liệu của NHNN cho biết, 6 tháng đầu năm 2017, nguồn tín dụng của các NHTM chủ yếu tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, chiếm khoảng 80% tổng dư nợ.
Xét về cơ cấu, tín dụng cho ngành công nghiệp ước tăng 10,5% (chiếm tỷ trọng 22,5%), với ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng hơn 13%; ngành xây dựng tăng khoảng 15% (chiếm tỷ trọng gần 10%); tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp và các nhu cầu vốn trên địa bàn nông thôn tăng gần 10% (chiếm tỷ trọng xấp xỉ 19,5%). Trong khi đó, tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro đều tăng thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng tín dụng chung toàn hệ thống, như cho vay kinh doanh bất động sản ước tăng 5,5% (chiếm tỷ trọng khoảng 6,9%). 
Trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, vốn cho 5 lĩnh vực ưu tiên cũng có sự cải thiện lớn khi dư nợ cho vay ngắn hạn đối với 5 lĩnh vực này trong 6 tháng đạt 148.692 tỷ đồng. Trong đó, cho vay hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đạt 94.088 tỷ đồng, chiếm 63,3% tổng dư nợ cho vay ngắn hạn đối với 5 lĩnh vực ưu tiên. Cụ thể, VietinBank đã tài trợ 500 tỷ đồng cho Công ty TNHH  MTV Chăn nuôi Hòa Phát Thái Bình và Công ty TNHH Vật tư Nông nghiệp Cường Liên.
NH cũng cam kết tài trợ vốn và thỏa thuận hợp tác toàn diện cho dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh phân bón và vay vốn lưu động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Mỹ Lan trên 200 tỷ đồng; dự án CTCP Mía đường Nhiệt điện Gia Lai 555 tỷ đồng; dự án trồng 5.400ha cao su của CTCP Cao su Sa Thầy 971 tỷ đồng. Lãnh đạo Vietcombank cho biết dư nợ của 5 lĩnh vực này chiếm gần 50% tổng dư nợ…
Theo kế hoạch ban đầu của NHNN, tín dụng năm 2017 tăng khoảng 18% với số vốn cho vay dự kiến ở mức 990.000 tỷ đồng.
Song hiện nay, với yêu cầu tăng trưởng tín dụng khoảng 21%, tổng tín dụng năm 2017 sẽ vào khoảng 1,2 triệu tỷ đồng, cho thấy áp lực bơm vốn đang dồn vào 4 tháng cuối năm. Tuy vậy, các NHTM đều lạc quan có thể đạt được mục tiêu này. Theo tổng giám đốc một NHTM, do đặc thù nguồn vốn của các tổ chức kinh tế và cá nhân hiện nay phụ thuộc chủ yếu vào kênh tín dụng NH, và thông thường trong những tháng cuối năm tín dụng luôn tăng trưởng khoảng 2-3%/tháng nên không lo khả năng hấp thụ vốn. 
Trong một báo cáo vừa công bố, HSBC Việt Nam nhận định yêu cầu tăng tín dụng nhiều hơn để thúc đẩy tăng trưởng của Chính phủ có khả năng đạt được với đà tăng trưởng tín dụng như hiện tại và việc NHNN cắt giảm lãi suất trong tháng 7. Kể từ đầu năm, thương mại, vận tải và viễn thông là những ngành có đóng góp lớn đối với tăng trưởng tín dụng, là yếu tố thúc đẩy tăng khả năng cạnh tranh của các ngành công nghiệp có năng suất cao hơn.
Hơn nữa, Chính phủ gần đây đã ban hành các giải pháp mới, giúp Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) dễ dàng hơn trong việc mua lại các tài sản bảo đảm trong trường hợp các DN mất khả năng trả nợ, cũng như gia tăng thêm quyền hạn của VAMC để thu hồi các tài sản bị mất từ các khoản nợ xấu.
Cẩn trọng và hiệu quả
Tuy nhiên, các chuyên gia của HSBC cũng quan ngại việc phân bổ tín dụng hiện nay vẫn tiếp tục ưu tiên các ngành thiếu hiệu quả như bất động sản, hay quá tập trung vốn cho các DNNN, ít quan tâm đến khu vực DNNVV. Đây cũng chính là những vấn đề cần sớm khắc phục để tăng trưởng tín dụng đạt được hiệu quả tốt nhất. 
TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, lưu ý việc dòng tín dụng dịch chuyển vào lĩnh vực bất động sản, thị trường chứng khoán nếu không được kiểm soát chặt chẽ sẽ dễ tạo ra “bong bóng”  đối với 2 thị trường này. Nhiều chuyên gia kinh tế cũng tỏ ra lo ngại khi tăng mạnh tín dụng, lĩnh vực bất động sản chắc chắn sẽ hút một lượng vốn không nhỏ dưới nhiều hình thức. Bởi dù NHNN có báo cáo cơ cấu tín dụng nhưng cũng khó kiểm soát được điểm đến của dòng tín dụng, vì có thể DN vay nói mục đích này nhưng lại sử dụng vốn vào mục đích khác.

Tăng trưởng tín dụng để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP là yêu cầu cấp thiết Chính phủ đặt ra. Nhưng quan trọng nhất trong thực hiện nhiệm vụ này phải đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn, từ đó mới đảm bảo được mục tiêu tăng trưởng kinh tế và duy trì ổn định kinh tế vĩ mô.

TS. Vũ Đình Ánh,
chuyên gia kinh tế
Bên cạnh đó, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng cho biết nợ xấu của hệ thống NH trong 6 tháng đầu năm 2017 có xu hướng tăng. Cụ thể, tính đến ngày 30-6-2017, nợ xấu theo báo cáo của các NHTM khoảng 157.000 tỷ đồng, tăng 21,5% so với cuối năm 2016, tỷ lệ nợ xấu khoảng 2,9% (năm 2016 khoảng 2,6%). Đồng thời, CPI tháng 8-2017 tăng 0,92% so với tháng trước, tăng 3,35% so với cùng kỳ năm 2016 và 1,23% so với đầu năm. 
Như vậy, lạm phát so với cùng kỳ sau 6 tháng liên tục giảm đã có dấu hiệu tăng trở lại trong tháng 8. Phân rã các thành phần của lạm phát, cho thấy thành phần mùa vụ đóng góp 0 điểm %, trong khi thành phần chu kỳ (lạm phát do yếu tố giá) đóng góp 0,1 điểm % vào lạm phát tổng thể tháng 8, so với 2 tháng trước đó lần lượt âm 0,6 và 0,7% điểm %.
Đây có thể là dấu hiệu ban đầu cho thấy một chu kỳ tăng giá mới có thể bắt đầu trong những tháng tiếp theo, cần được theo dõi để kiểm soát chặt chẽ giá dịch vụ công trong những tháng tới nhằm đảm bảo kiểm soát  lạm phát theo mục tiêu đề ra. Vì nếu tín dụng tăng mạnh có khả năng ảnh hưởng đến mục tiêu giữ lạm phát dưới 4% trong năm nay.