Đến lượt Ngân hàng Nhà nước cũng phải lo dự phòng

Theo thesaigontimes.vn

(Tài chính) Vào đúng ngày cuối cùng của năm 2013, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư 39 quy định chi tiết về việc xác định, trích lập, quản lý và sử dụng khoản dự phòng rủi ro của NHNN Việt Nam. So với quy định trước đây, thông tư này đã có những quy định cụ thể và chi tiết hơn rất nhiều. Việc ban hành thông tư này cho thấy không chỉ ngân hàng thương mại mà ngay đến NHNN cũng phải lo trích lập dự phòng, xử lý nợ xấu.

Đến lượt Ngân hàng Nhà nước cũng phải lo dự phòng
NHNN cũng phải lo trích lập dự phòng, xử lý nợ xấu. Nguồn: internet

NHNN lo dự phòng rủi ro

Thông tư 39 quy định khá chi tiết việc phân loại các tài sản rủi ro. Theo đó NHNN phân thành các loại loại: (1) tiền, vàng dùng để gửi, cho vay hoặc thanh toán với ngân hàng nước ngoài; (2) chứng khoán đầu tư trên thị trường tài chính quốc tế; (3) các khoản tái cấp vốn; (4) thanh toán với Nhà nước và ngân sách nhà nước; (5) các khoản phải thu khác; (6) các khoản tổn thất trong hoạt động thanh toán, ngân quỹ, quản lý dự trữ ngoại hối và can thiệp bình ổn thị trường vàng trong nước; (7) các trường hợp khác theo quyết định của Thống đốc NHNN.

Thông tư này thay thế cho Quyết định 41/2007/QĐ-NHNN ban hành ngày 6/11/2007. So với Quyết định 41, quy định tại Thông tư 32 đã có chi tiết hơn và bổ sung thêm một số khoản mục khoản tái cấp vốn và thua lỗ từ bình ổn thị trường vàng.

Ngoài ra, các điều kiện phân loại và tỷ lệ trích lập dự phòng cũng được quy định khá chi tiết tại Thông tư 32, thay vì chung chung như quy định trước đó. Cụ thể, các nhóm tài sản đều được phân thành từng loại và có tiêu chí khá rõ ràng, mỗi loại tương ứng với một tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro nhất định. Việc trích lập này tương tự như quy định về trích lập dự phòng rủi ro đối với các tổ chức tín dụng (TCTD) và những doanh nghiệp theo tiêu chuẩn kế toán. Chẳng hạn, đối với các khoản tái cấp vốn được phân loại từ 1-5 tùy theo thời gian quá hạn thanh toán, tỷ lệ trích lập dự phòng cũng dao động từ 0-100% sau khi khấu trừ giá trị tài sản đảm bảo.

Để có được nguồn vốn bù đắp cho việc trích lập dự phòng thì hàng năm NHNN trích lập dự phòng rủi ro và hạch toán vào chi phí bằng 10% chênh lệch thu, chi chưa bao gồm khoản chi dự phòng rủi ro. Khoản dự phòng rủi ro này được sử dụng để bù đắp những tổn thất, thiệt hại về tài sản xảy ra trong quá trình hoạt động.

Tại sao NHNN lại lo trích lập dự phòng, xử lý tổn thất?

Cũng giống như TCTD hoặc các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, NHNN cũng có các hoạt động “kinh doanh” và được hạch toán theo tiêu chuẩn kế toán. Do vậy, những tổn thất xảy ra trong quá trình hoạt động là không thể tránh khỏi, do đó để đảm bảo an toàn, NHNN cũng phải dự phòng và xử lý những mất mát đó.

Những quy định trước đó về dự phòng và tổn thất khá chung chung nên chủ yếu việc trích lập và xử lý tổn thất là “theo quyết định của Thống đốc hoặc Thủ tướng”. Những quy định tại Thông tư 32 là một bước tiến bộ lớn của NHNN. Ngoài ra, trên thực tế hoạt động của NHNN trong thời gian qua cũng nảy sinh nhiều vấn đề chưa có tiền lệ trước đó và tính rủi ro cũng tăng lên khá nhiều.

Điểm đáng chú ý trong các hoạt động rủi ro của NHNN chính là việc bình ổn thị trường vàng của NHNN. Năm 2013, NHNN đã thu được hàng ngàn tỉ đồng từ việc bán vàng ra. Tuy nhiên, với vai trò chưa có trong tiền lệ là bình ổn thị trường vàng thì NHNN hoàn toàn có thể bị tổn thất nếu mua vàng vào nhưng sau đó giá vàng giảm.

Bên cạnh đó, hoạt động tái cấp vốn của NHNN cũng đã có nhiều thay đổi cơ bản so với trước. Trước đây quy định về điều kiện để NHNN tái cấp vốn cho các TCTD là nhằm để bù đắp khả năng thanh khoản, thời hạn tái cấp vốn dưới 12 tháng và tài sản thế chấp là những hồ sơ tín dụng loại tốt và còn trong thời hạn cho vay. Tuy nhiên, trong thời gian qua nhiều quy định mới khiến tiêu chuẩn “an toàn” không còn được tuân thủ nghiêm ngặt.

Cụ thể, NHNN phải tái cấp vốn cho những ngân hàng mua trái phiếu đặc biệt của VAMC. Trong khi đó, trái phiếu này được “đảm bảo” bằng những khoản nợ xấu dưới chuẩn và khả năng thu hồi rất thấp. Bên cạnh đó, NHNN cũng phải tái cấp vốn cho những ngân hàng cho vay trong gói hỗ trợ thị trường bất động sản 30.000 tỉ đồng. Khả năng tổn thất từ những hoạt động này không phải là không có.

Những rủi ro liên quan đến các hoạt động trên không hề nhỏ, do đó cần thiết phải có một cơ chế dự phòng và xử lý tổn thất.

Tóm lại, Thông tư 39 là bước tiến lớn của NHNN trong việc xử lý nợ xấu, dự phòng tổn thất của mình. Đây là điều cần thiết để NHNN có hành lang pháp lý thực hiện tốt hơn chức năng của mình trong bối cảnh hoạt động của NHNN ngày càng phức tạp. Tuy nhiên, nó cũng ẩn chứa những điều đáng ngại nếu việc phân loại rủi ro, trích lập, xóa nợ không được tuân thủ quy trình một cách chặt chẽ và bị lạm dụng.