Đến thời điểm huy động vàng chưa?

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Dù chưa có một điều tra cụ thể nào, nhưng các chuyên gia kinh tế đều khẳng định, lượng vàng trong dân vẫn còn lớn. Nhìn lại năm 2013, một năm thành công của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong việc siết chặt quản lý thị trường vàng, thì đến thời điểm này, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, có thể tính đến việc huy động vàng.

Đến thời điểm huy động vàng chưa?
Lượng vàng trong dân vẫn còn lớn. Nguồn: internet
Với thực tế người dân ưa giữ vàng làm tài sản dự trữ như nước ta, thì không phải cứ nói huy động vàng đưa vào sản xuất kinh doanh là làm được ngay. Những năm trước, khi lạm phát cao, khi đồng tiền mất giá, khi bong bóng bất động sản, thì vàng lại là nơi trú ẩn của nhiều tổ chức, cá nhân có tiền. Lúc đó, nếu nói câu chuyện huy động vàng đưa vào sản xuất, thực sự là rất khó khăn.

Nhìn lại năm 2013, một năm thành công của NHNN trong việc siết chặt quản lý thị trường vàng, thì đến thời điểm này, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, có thể tính đến việc huy động vàng.

Lý do trước hết là, thị trường vàng đã không còn sự lũng đoạn, thao túng giá cả. Năm 2013, NHNN đã chấm dứt việc huy động và cho vay bằng vàng, các ngân hàng thương mại phải hoàn thành việc tất toán vàng. NHNN trở thành tổ chức độc quyền nhập khẩu, sản xuất vàng miếng với thương hiệu quốc gia là SJC.

Bước đầu thực hiện, cũng có ý kiến nghi ngại về sự độc quyền của NHNN. Thế nhưng, đến thời điểm này, có thể nói tình trạng vàng hóa đã được kiểm soát. Theo Phó viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Võ Trí Thành, năm qua, NHNN đã loại trừ đáng kể sự lũng đoạn trong thị trường vàng. Và trong việc kiểm soát thị trường vàng, đã không để xảy ra các xáo trộn trong quá trình tái cấu trúc các ngân hàng thương mại.

Lý do thứ hai là năm 2013 và cả năm 2014, các chuyên gia dự báo, vàng vẫn không phải là một loại tài sản hấp dẫn để người dân nắm giữ. Lý do là tiền đồng Việt Nam đã và đang được NHNN cam kết giữ ổn định, với tỷ giá biến động trong mức nhất định. Trong khi đó, lãi suất tiết kiệm của tiền đồng luôn được NHNN khôn khéo điều chỉnh sao cho luôn hấp dẫn hơn so với lãi suất tiết kiệm ngoại tệ. Vì vậy, tiền đồng đang có ưu thế được người dân lựa chọn nắm giữ.

Theo TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế, điều kiện tiên quyết để huy động vàng là kinh tế vĩ mô phải ổn định. Hai yếu tố vừa phân tích cho thấy, điều kiện tiên quyết ấy đã bước đầu đạt được. Do đó, có thể nói, thời điểm tính toán chuyện huy động vàng đã tới. TS. Trần Du Lịch cho rằng, vai trò của NHNN trong huy động vàng rất quan trọng. NHNN cần đóng vai trò là người mua, bán cuối cùng. Công cụ NHNN có thể áp dụng đó là phát hành trái phiếu để huy động vàng, sau đó chuyển thành dự trữ và chuyển thành tiền để đưa ra nền kinh tế.

Thực tế cũng đã có nhiều gợi ý về câu chuyện huy động vàng, đó là phát hành chứng chỉ vàng, trái phiếu vàng. TS. Võ Trí Thành cho rằng, NHNN cũng có thể tính đến giải pháp thuế về vàng, sao cho sẽ hấp dẫn nếu người dân bán vàng ra hoặc kém hấp dẫn đôi chút nếu người dân mua vàng. Ông Thành cũng cho rằng, giải pháp vừa rồi một số ngân hàng giữ hộ vàng một cách nghiêm túc và cho phép người gửi có thể dùng vàng như một tài sản thế chấp để vay tiền đồng đưa vào sản xuất kinh doanh, cũng là một hình thức huy động.

Tuy nhiên, theo ông Thành, dù cách nào đi nữa, cũng phải triệt để kiểm soát việc huy động và cho vay bằng vàng. Thực tế hoạt động này trong một thời gian dài đã gây khó khăn không nhỏ đến điều hành chính sách tiền tệ. Khi NHNN kiên quyết trong việc chấm dứt huy động và cho vay bằng vàng; độc quyền nhập khẩu, sản xuất và đấu thầu vàng miếng… thì đã giảm hẳn các cú sốc về cung cầu ngoại tệ.

Ngoài ra, khi huy động vàng, cũng phải tính đến những biến số khác liên quan đến vàng, đặc biệt là sự biến động của giá vàng thế giới, vì giá vàng trong nước phụ thuộc lớn vào giá vàng thế giới. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh giá cũng phải cân đối với chính sách tỷ giá một cách nhịp nhàng.

Và một lưu ý nữa rất đáng chú ý, đó là một điều tra gần 550 người dân hồi tháng 9 năm 2013 của các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Tài chính - Marketing, cho thấy, đa số người dân giữ vàng tại nhà riêng là để đề phòng rủi ro trong tương lai. Cụ thể, chỉ có hơn 14% là có nhu cầu đầu tư kinh doanh vàng, còn lại gần 39% để dành cho tương lai, 14% thích giữ vàng, gần 13% muốn để vàng cho con cháu, trên 17% giữ vàng là tài sản an toàn… Do đó, các biện pháp huy động vàng phải đánh trúng tâm lý này của người dân, mới mong thành công.