Tín dụng tiêu dùng cá nhân:

Dịch vụ cần thiết đối với nền kinh tế Việt Nam

PV.

Vài năm trở lại đây, hoạt động tài chính tư nhân đang ngày càng nở rộ và sôi động với đa dạng các gói tín dụng tiêu dùng phục vụ nhu cầu tiêu dùng cá nhân. Sự lớn mạnh của mảng hoạt động này đã góp phần đẩy lùi hoạt động “tín dụng đen” đang hoành hành trên thị trường hiện nay.

Bệ đỡ hỗ trợ nền kinh tế

Báo cáo của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) mới đây đã đưa ra nhận định, tín dụng tiêu dùng cá nhân đang trở thành bệ đỡ, hỗ trợ cho nền kinh tế Việt Nam khởi sắc trong 6 tháng đầu năm 2015. Cùng chung nhận định, đại diện cao nhất của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) thuộc trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội - TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng đánh giá: “Dịch vụ tài chính tiêu dùng là một công cụ hỗ trợ rất tốt đối với nền kinh tế, nó là thành tố quan trọng, góp phần kích cầu và giải quyết an sinh xã hội trong thời gian qua”, khi nhận xét về tầm quan trọng của dịch vụ tín dụng tiêu dùng cá nhân.

Theo kết quả nghiên cứu của Viện Chiến lược Ngân hàng cho thấy, trong vòng 7 năm qua, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng ở Việt Nam đã tăng trưởng trung bình lên tới xấp xỉ 20%/năm. Tính đến cuối năm 2013, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng trong hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam đạt khoảng 188.000 tỷ đồng, tăng 12% so với cuối năm 2012 và chiếm 5,4% trong tổng dư nợ của toàn hệ thống, tương đương khoảng 5,2% GDP, và 7% tổng giá trị tiêu dùng cuối cùng.

Thực vậy, với đa dạng dịch vụ và phong phú về hình thức, từ dịch vụ cho vay mua xe máy trả góp, mua sắm đồ điện tử gia dụng… thông qua bảng lương, hóa đơn tiền điện, giấy phép đăng ký kinh doanh, hợp đồng tín dụng; đến cho vay tiền mặt tại quầy, cho vay tiền mặt tại bưu cục, cho vay du lịch trả góp, cho vay đám cưới… tín dụng tiêu dùng cá nhân đã và đang giúp nhiều khách hàng cá nhân giải tỏa được “cơn khát” về nhu cầu mua sắm, phục vụ nhu cầu cuộc sống hiện đại.

Nhờ ưu thế đó, hoạt động tín dụng tiêu cá nhân ngày càng trở thành nhu cầu thiết yếu không thể thiếu trong đời sống xã hội hiện nay, là công cụ thúc đẩy và hỗ trợ cho nền kinh tế phát triển. Theo TS Nguyễn Đức Thành, trong một nền kinh tế đang phát triển, việc vay mượn về cơ bản là hỗ trợ rất tốt đối với nền kinh tế, nó đáp ứng nhu cầu tất yếu và tức thì của người dân trong cuộc sống hiện đại. Chính vì vậy, thời gian tới chúng ta cần đẩy mạnh loại hình tín dụng này hơn nữa, có như vậy mới thúc đẩy phát triển tiêu dùng, đẩy mạnh sản xuất công nghiệp trong nước.

Góp phần đẩy lùi “tín dụng đen”

Theo một ước tính, thị trường “tín dụng đen” tại Việt Nam hiện vào khoảng 50 tỷ USD. Chỉ tính riêng trong 4 năm, từ 2010 đến 2014, lực lượng chức năng đã thụ lý 6.367 vụ việc, khởi tố gần 11.000 bị can liên quan đến “tín dụng đen”, trong đó có nhiều vụ án cực kỳ nghiêm trọng. Những thông số trên cho thấy, nạn ‘tín dụng đen” và những hệ lụy của nó không chỉ làm ảnh hưởng đến sự ổn định của hệ thống tài chính quốc gia mà còn gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho an ninh và trật tự xã hội. Áp lực trên đòi hỏi phải nhanh chóng tìm ra giải pháp đồng bộ, toàn diện nhằm hạn chế và khắc phục vấn nạn “tín dụng đen”.

“Nếu nhu cầu vay chính đáng của người dân được các tổ chức đáp ứng thì chắc chắn “tín dụng đen” sẽ không còn đất sống”, nhấn mạnh điều này, thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an cho rằng, “tín dụng đen” là sản phẩm của sự méo mó trong thị trường vốn còn tồn tại nhiều bất cập như hiện nay, như vấn đề trần lãi suất, mức chuẩn đủ điều kiện để vay vốn ngân hàng không phù hợp với đại bộ phận người dân, hay thiếu vắng bàn tay của cơ quan quản lý… Chính vì vậy, theo thượng tướng Lê Quý Vương, giải pháp phát triển thị trường tài chính tiêu dùng sẽ góp phần ngăn chặn nạn “tín dụng đen”. Và một khi thị trường này phát triển, người dân sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận nguồn vốn chính thống, có tính pháp lý cao, minh bạch và rõ ràng.

Không phải ngẫu nhiên mà các chuyên gia kinh tế cho rằng, phát triển tài chính tiêu dùng cho nhóm khách hàng dưới chuẩn cho vay của các ngân hàng thương mại là một nhu cầu tất yếu, là một giải pháp căn cơ cho việc phòng chống “tín dụng đen”. Thực tế đã chứng minh, ngoài kênh vốn từ ngân hàng, các công ty tài chính ra đời đã góp phần giải quyết nhu cầu lớn về vốn tiêu dùng của người dân, nhất là những người không đủ điều kiện tiếp cận với vốn vay ngân hàng. Dù xuất hiện chưa lâu nhưng rõ ràng, hoạt động cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính đã góp phần đắc lực vào việc đáp ứng các nhu cầu tài chính cá nhân của những người có thu nhập trung bình và thấp.

Với thủ tục vay nhanh gọn, dễ dàng, không cần tài sản thế chấp, linh hoạt lãi suất với từng đối tượng vay, hoạt động này không chỉ có ý nghĩa với từng cá nhân, mà còn mang lại những tác động tích cực cho toàn xã hội. Cùng với ý nghĩa nâng cao cơ hội tiếp cận tài chính cho nhóm khách hàng dưới chuẩn, hoạt động cho vay tiêu dùng phát triển còn làm giảm nhu cầu đối với các dịch vụ “tín dụng đen”; đồng thời góp phần kích cầu tiêu dùng, qua đó làm tăng sản lượng và tạo thêm các cơ hội việc làm, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của quốc gia.

“Khi có nhiều nguồn cung về tín dụng sẽ góp phần làm giảm “tín dụng đen”. Tín dụng tiêu dùng là công cụ mới trên thị trường tài chính được phát triển lành mạnh và minh bạch rõ ràng sẽ là đòn bẩy để thúc đẩy thị trường tín dụng phát triển tốt lên”, TS Nguyễn Đức Thành nhấn mạnh.