Diện mạo mới của thị trường chứng khoán

Giáng Hương

(Tài chính) Một vấn đề được cộng đồng nhà đầu tư trong và ngoài nước đặc biệt quan tâm khi bước vào năm 2015 là những chính sách nào sẽ là điểm nhấn tạo nên diện mạo mới của thị trường chứng khoán trong năm mới? Dưới đây là một số “đáp án” cho câu hỏi đó.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Nền tảng “lõi” cho chứng khoán phái sinh

Theo Đề án đã được Chính phủ phê duyệt, việc xây dựng khung khổ pháp lý, hoàn thiện hạ tầng cơ sở vật chất, công nghệ… đối với thị trường chứng khoán (TTCK) phái sinh phải được hoàn thiện trong giai đoạn 2013-2015, để chính thức triển khai vào năm 2016. Nhằm đảm bảo tiến độ trên, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã xây dựng dự thảo Nghị định lấy ý kiến góp ý rộng rãi và trình Chính phủ ban hành trong năm 2015, đồng thời cơ bản hoàn thiện thông tư hướng dẫn trình Bộ Tài chính ban hành. Cũng trong năm 2015, UBCKNN sẽ tiến hành các khóa đào tạo chứng chỉ chuyên môn và các khóa phổ cập kiến thức về chứng khoán phái sinh và TTCK phái sinh cho các thành viên thị trường và công chúng đầu tư.

Một làn sóng cổ phiếu “khủng” đầy tiềm năng sẽ lên sàn trong năm 2015. Sự có mặt của các tên tuổi lớn như: Vietnam Airlines, Mobifone... sẽ tạo sự “kích thích” dòng vốn mới từ trong và ngoài nước cho thị trường.

Theo ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển Thị trường (UBCKNN), tại Việt Nam, dự kiến sản phẩm phái sinh đầu tiên sẽ là hợp đồng tương lai dựa trên trái phiếu Chính phủ và chỉ số chứng khoán và dự kiến sớm nhất là cuối năm 2015 hoặc đầu 2016 sẽ chính thức ra đời sản phẩm đầu tiên trên TTCK phái sinh.

Đề xuất nới “room”

Theo TS. Vũ Bằng, Chủ tịch UBCKNN, sau khi rà soát các quy định pháp lý và tính toán kỹ lưỡng lộ trình hội nhập cũng như các cam kết quốc tế, đề xuất mở room đối với các công ty niêm yết, nâng sở hữu cho nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài từ 49% lên 60% sẽ được trình lên Chính phủ vào tháng 10/2015. Sau khi Chính phủ cho phép tăng sở hữu của một NĐT chiến lược nước ngoài trong ngân hàng lên 20% từ đầu năm 2014 (so với quy định 15% trước đó), đây sẽ là bước đi tiếp theo của lộ trình hội nhập.

Hiện nay, UBCKNN đang làm việc với các bộ, ngành liên quan để điều chỉnh đề xuất và tháo gỡ các mâu thuẫn trong quy định hiện tại. Dù muộn hơn chờ đợi của một số NĐT nhưng gần như chắc chắn đây sẽ là một chính sách quan trọng đối với TTCK năm 2015.

“Hàng khủng” lên sàn

Một làn sóng cổ phiếu “khủng” đầy tiềm năng sẽ lên sàn trong năm 2015. Những DN đã và sẽ cổ phần

hóa tham gia TTCK tập trung, cung cấp cho TTCK những hàng hóa tốt như: MobiFone, Vietnam Airlines, Vinatex. Cơ sở để viễn cảnh này diễn ra là Quyết định 51/2014/ QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ: “Đối với các DN đã chính thức chuyển thành công ty cổ phần trước ngày 1/11/2014 thì phải có trách nhiện hoàn tất việc thực hiện đăng ký giao dịch và niêm yết theo quy định trong thời hạn tối đa một năm kể từ ngày Quyết định số 51/2014/QĐ-TTg có hiệu lực”.

Bởi vậy, lượng hàng hóa dự kiến lên sàn trong năm 2015 là rất lớn, trong đó có rất nhiều “hàng khủng” của các tập đoàn, tổng công ty và cổ phần thoái vốn của các DNNN. Nhiều NĐT cũng như các nhà quản lý thị trường cho rằng, sự có mặt của các tên tuổi lớn như: Vietnam Airlines, Mobifone... sẽ tạo sự “kích thích” dòng vốn mới từ trong và ngoài nước cho thị trường.

Đối tượng được kỳ vọng sẽ niêm yết nhiều trong thời gian tới là khối ngân hàng thương mại (NHTM). Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cần nâng cao tính minh bạch cho khối ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản yêu cầu tất cả các NHTM cổ phần phải niêm yết cổ phiếu vào năm 2015 và đây đều là những “hàng khủng”. Dù để thực hiện được việc này còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố nhưng rất có khả năng thị trường năm 2015 sẽ đón những cổ phiếu đình đám của khối NHTM.

Nâng “chất” công bố thông tin

Cuối năm 2014, Bộ Tài chính đã ban hành dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 52/2012/TT - BTC, hướng dẫn về việc công bố thông tin trên thị trường chứng khoán nhằm nâng cao hơn nữa nghĩa vụ công bố thông tin của DN niêm yết. Theo đó, Sở Giao dịch Chứng khoán, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam, công ty niêm yết có vốn điều lệ thực góp lớn hơn 500 tỷ đồng, công ty niêm yết có sở hữu nước ngoài từ 20% trở lên liên tục trong vòng 1 năm, ngoài việc công bố thông tin bằng tiếng Việt như trước, phải công bố thêm cả bản tiếng Anh.

Ngoài ra, dự thảo bổ sung quy định trong báo cáo phải có thông tin về phát triển bền vững, như: môi trường, chính sách lao động, đào tạo, trách nhiệm đối với cộng đồng địa phương.

Các trường hợp công ty niêm yết, công ty đại chúng quy mô lớn có các công ty con, công ty liên kết thì phải lập và công bố thông tin báo cáo tài chính quý hợp nhất theo quy định. Công ty quản lý quỹ thực hiện công bố thông tin về báo cáo thay đổi giá trị tài sản ròng, báo cáo về hoạt động đầu tư của công ty đầu tư chứng khoán đại chúng...

Xuất hiện loại hình tổ chức đầu tư mới

Công ty Quản lý quỹ Sao Vàng (Savacap) đang hoàn tất hồ sơ và dự kiến sẽ nộp UBCKNN vào đầu 2015 xin phép thành lập công ty đầu tư chứng khoán. Đây là một dạng quỹ đầu tư hoàn toàn mới tại thị trường Việt Nam mà Savacap là đơn vị đầu tiên cho biết ý định thành lập tính đến thời điểm này. Theo ông Dương Thế Quang, Tổng giám đốc Savacap, đây sẽ là công ty đầu tư chứng khoán riêng lẻ, có chiến lược linh hoạt trong việc đầu tư và phù hợp cho cả tổ chức và cá nhân.

Theo quy định, điều kiện xin thành lập loại hình công ty đầu tư chứng khoán riêng lẻ không quá khắt khe: có tối đa 99 NĐT, không kể NĐT chuyên nghiệp; cá nhân tham gia ít nhất 1 tỷ đồng, còn tổ chức ít nhất 3 tỷ đồng; do một công ty quản lý quỹ quản lý; tài sản được lưu ký và giám sát bởi một ngân hàng giám sát; có công ty kiểm toán kiểm toán hàng năm. Hoạt động đầu tư đều được thông qua hoặc do HĐQT quyết định. HĐQT có ít nhất 2/3 thành viên không phải là người có liên quan đến công ty quản lý quỹ, ngân hàng giám sát và công ty kiểm toán, do Đại hội NĐT bầu chọn. Dự kiến, HĐQT SVF1 sẽ gồm 5 thành viên, trong đó 1 thành viên đại diện Savacap, 3 thành viên là các đại diện của NĐT tham gia vốn và 1 chuyên gia kinh tế độc lập. HĐQT sẽ do Đại hội NĐT bầu chọn với chiến lược chủ yếu đầu tư mua cổ phần và phần vốn góp của các doanh nghiệp mà Nhà nước dự định thoái vốn trong năm 2015.

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính và Đầu tư số 1+2-2015