Điều chỉnh tỷ giá đến đâu là vừa?

Theo daibieunhandan.vn

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã phá giá đồng nhân dân tệ 4,6% - một tỷ lệ kỷ lục trong vòng 30 năm qua. Điều này đã gây tác động đến hoạt động kinh tế toàn cầu, trong đó có nước ta. Tuy nhiên, mức độ tác động và thời gian tác động của việc phá giá của đồng nhân dân tệ ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế nước ta như thế nào cần cân nhắc kỹ lưỡng.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Việc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc liên tiếp điều chỉnh tỷ giá đồng nội tệ đã gây tác động nhất thời đến nền kinh tế toàn cầu. Cơ quan điều hành tiền tệ của nước ta cũng ngay lập tức có phản ứng mau lẹ là điều chỉnh tăng biên độ tỷ giá thêm lên 1% so với trước. Sau động thái của Trung Quốc, các đồng tiền châu Á đồng loạt giảm giá khoảng 0,5 - 2% so với USD nhưng từ ngày 12.8 vừa qua, mức độ giảm giá chậm lại, đến chiều 13.8, hầu hết đã tăng giá trở lại so với đồng USD: Hong Kong (+0,04%), Đài Loan (+0,4%); Hàn Quốc (+1,41%); Philippines (+0,12%), Ấn Độ (+0,24%), Malaysia (+0,42%), Thái Lan (+0,25%) so với đồng USD.

Điều này cũng cho thấy thị trường quốc tế đang ổn định, bớt “sốc” trước biến động liên tiếp của đồng nhân dân tệ. Trong bối cảnh đó, việc Ngân hàng Nhà nước kiên trì với hành động chỉ nới rộng biên độ tỷ giá mà không thực hiện điều chỉnh tỷ giá trực tiếp, có mấy lý do sau:

Thứ nhất, tác động của việc Trung Quốc phá giá đồng nội tệ có thể gây ảnh hưởng đến xuất khẩu của nước ta. Đặc biệt đối với nhập khẩu. Nhưng mục tiêu của chúng ta là kéo khoảng cách thâm hụt thương mại gần lại, với đích là giảm nhập siêu, nên động thái mang lại lợi ích kép là phải cân đối giữa hỗ trợ xuất khẩu với việc duy trì các chỉ tiêu vĩ mô, chứ không thiên về một hoạt động xuất hay nhập khẩu.

Thứ hai, mục tiêu tìm hướng xuất khẩu mới với những thị trường mà ở đó chúng ta sẽ bớt phải chịu những áp lực trực tiếp, để cân bằng bản đồ xuất nhập khẩu trong dài hạn. Mặc dù các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước đang cho rằng mức điều chỉnh biên độ tỷ giá +/- 1% lên +/- 2% là chưa đủ mạnh để giúp xuất khẩu đối phó với tình trạng phá giá của đồng nhân dân tệ, hoặc lo ngại việc đồng nhân dân tệ xuống giá sẽ dẫn đến tình trạng hàng Trung Quốc giảm giá mạnh, sẽ tràn vào nước gây khó khăn cho sản xuất.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, việc Trung Quốc phá giá sâu đồng nội tệ sẽ chỉ diễn ra trong ngắn hạn do yêu cầu chuyển đổi cơ chế tính tỷ giá ngoại hối của Trung Quốc, chứ không thể là xu thế lâu dài. Thậm chí có chuyên gia còn nhận định: tỷ giá đồng nội tệ sẽ quay đầu tăng trong vòng 6 tháng tới.

Như vậy, thì không có lý do gì để cơ quan điều hành của Việt Nam phải điều chỉnh tỷ giá trực tiếp, vì lẽ: các đơn hàng xuất nhập khẩu thực hiện từ nay đến cuối năm đã được ký kết trước đó nửa năm hoặc 7, 8 tháng, nên trước mắt không phải chịu tác động của việc phá giá đồng nội tệ của Trung Quốc trong thời điểm hiện nay.

Trong 6 tháng nữa, nếu đồng nhân dân tệ lại phục hồi, thì cũng không cần điều chỉnh tỷ giá đồng Việt Nam, vì biên độ tỷ giá được nới rộng đã cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu có đủ không gian để xoay trở, phù hợp với mục tiêu sử dụng ngoại tệ của mình. Dự trữ ngoại hối dồi dào và luôn trong tình trạng sẵn sàng can thiệp, cũng là một tác nhân khiến nhà điều hành bình tĩnh trước những “sóng gió” bất ngờ nhưng được dự báo không kéo dài này. Đặc biệt với quyết định chỉ điều chỉnh biên độ tỷ giá, nhà điều hành đã đánh tan một giấc mơ của những nhà đầu cơ trước đó đã găm giữ USD để chờ thời!

Thông tin từ các nước láng giềng trong ASEAN cũng cho rằng, không cần phản ứng thái quá đối với việc điều chỉnh tỷ giá đồng nhân dân tệ vì động thái của nước này là phù hợp với bối cảnh kinh tế của họ, phù hợp với lộ trình chuyển đổi đồng nhân dân tệ thành đồng tiền tự do và có lợi trong điều kiện xuất khẩu của nước này đang sụt giảm mạnh. Nhưng nó chưa đủ uy lực để tác động lên đồng tiền trung gian lớn nhất thế giới là đồng USD, cho nên các nước đang dùng USD làm cơ sở tham chiếu cũng “chưa có gì phải ngại”.

Bản thân Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cũng đã có động thái để ổn định thị trường tiền tệ nước này và tuyên bố sẽ không để thị trường ngoại tệ biến động quá mức, cũng như đã “trấn an dư luận” rằng mức tỷ giá hiện nay của đồng nhân dân tệ là phù hợp với các yếu tố kinh tế vĩ mô của Trung Quốc. Thực tế là từ ngày 11.8 đến sáng 13.8, tỷ giá nhân dân tệ/USD tăng nhưng mức tăng chậm dần và đến chiều 13.8, nhân dân tệ phục hồi nhẹ, tỷ giá giao dịch lúc đóng cửa giảm khoảng 0,03% so với mức công bố đầu ngày. Thị trường chứng khoán các nước cũng diễn biến tích cực, sau hai ngày giảm thì đến ngày 13.8, cả chứng khoán châu Âu và châu Á đều tăng điểm trở lại.

Với những diễn biến và thông số “biết nói” ấy, càng chứng tỏ động tác chỉ điều chỉnh biên độ tỷ giá mà không điều chỉnh tăng tỷ giá trực tiếp, là một quyết định đúng và vừa phải trong bối cảnh nền kinh tế nước ta hiện nay.