Điều chỉnh tỷ giá phải đặt trong bối cảnh tổng thể

Theo Báo Đại biểu Nhân dân

Trước kiến nghị của một số chuyên gia về việc nên nới tỷ giá khoảng 4% nhằm hỗ trợ xuất khẩu, Ngân hàng Nhà nước cho biết, điều chỉnh tỷ giá phải đặt trong bối cảnh tổng thể của việc điều chỉnh chính sách tiền tệ. Hiện nay chưa nên đặt vấn đề tăng tỷ giá trong bối cảnh còn nhiều yếu tố tạo áp lực gia tăng lạm phát trong thời gian tới.

Điều chỉnh tỷ giá phải đặt trong bối cảnh tổng thể
Ảnh minh họa. Nguồn:Internet

Theo một số chuyên gia, trong năm 2013, kinh tế sẽ phục hồi vào nửa cuối năm, với khả năng sản xuất, kinh doanh, đầu tư, tiêu dùng tăng trở lại. Do đó, nhu cầu nhập khẩu sẽ tăng vượt trội nhu cầu xuất khẩu và đưa nền kinh tế chuyển dần từ thặng dư thương mại đến thâm hụt thương mại. Bức tranh tỷ giá sẽ theo chiều hướng tăng, nhất là khi các nhà nhập khẩu cần ngoại tệ nhiều hơn. Cán cân thanh toán có thể chuyển dịch theo hướng thâm hụt mạnh.

Bên cạnh đó, một số thị trường như Mỹ cũng đã nới lỏng tiền tệ bằng nhiều gói cứu trợ có tác động tích cực cho xuất khẩu của các nước, trong đó có nước ta. Vì vậy, Chính phủ nên chủ động điều chỉnh tăng tỷ giá thêm ở mức khoảng 4% trong năm nay để hỗ trợ xuất khẩu, tăng sức cạnh tranh của hàng Việt Nam trên thị trường thế giới. Điều này cũng giúp hạn chế nhu cầu nhập khẩu, nhất là các mặt hàng tiêu dùng xa xỉ.

Không thể phủ nhận những tín hiệu tích cực của việc điều chỉnh tỷ giá mang lại. Tuy nhiên, điều chỉnh tỷ giá phải đặt trong bối cảnh tổng thể của việc điều chỉnh chính sách tiền tệ năm 2013. Trước hết, việc điều hành tỷ giá cũng phải chịu chi phối của quy luật cung – cầu, nếu dự trữ ngoại hối không đủ khả năng đáp ứng nhu cầu của thị trường thì sẽ khó tránh khỏi tăng giá đồng Việt Nam. Song có thể thấy, trong năm 2012, Ngân hàng Nhà nước đã mua vào gần 20 tỷ USD, làm tăng dự trữ ngoại hối trên 30 tỷ USD (khoảng trên 14 tuần nhập khẩu) góp phần bảo đảm an ninh tài chính quốc gia. Do đó, trong tình hình hiện nay không có lý do gì phá giá đồng Việt Nam.

Cần cân nhắc việc điều chỉnh tỷ giá không chỉ bởi đòi hỏi này chưa thật cấp bách, mà còn vì có thể tác động xấu đến kinh tế vĩ mô. Theo Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, sản xuất trong nước hiện còn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nguyên vật liệu nên điều chỉnh tỷ giá sẽ làm giá mặt hàng xuất khẩu tính bằng VNđ gia tăng, góp phần tạo lạm phát.

Trong khi đó, mục tiêu của Chính phủ trong năm nay là ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát, đặc biệt riêng chỉ tiêu lạm phát năm 2013 phải thấp hơn mức 6,81% của năm 2012. Ngoài ra, khi điều chỉnh một số vấn đề như nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của ngân sách tính bằng VNĐ sẽ tạo khó khăn thêm cho ngân sách. Đặc biệt, một trong những tác động của việc nâng tỷ giá đó là người dân sẽ chạy theo việc chuyển VNĐ sang nắm giữ đồng USD. Nếu động thái này xảy ra thì cũng sẽ ảnh hưởng tới lãi suất của VNĐ.

Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, lựa chọn việc tăng tỷ giá hay giữ ổn định phải được thực hiện theo động thái thị trường. Tỷ giá ổn định trong thời gian khá dài có lợi cho nhập khẩu nhưng lại gây bất lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Tỷ giá ổn định cũng giúp tạo lòng tin của người dân vào sự ổn định của đồng tiền Việt Nam. Đây là điều rất quan trọng trong nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh số doanh nghiệp giải thể lên tới 50.000 đơn vị, số doanh nghiệp gặp khó khăn do không tiếp cận được vốn rất lớn, lao động thất nghiệp tăng cao.

Năm 2013, dự báo kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, tăng trưởng kinh tế không cao hơn nhiều so với năm 2012. Ở trong nước, bên cạnh những kết quả đạt được, nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn. Do vậy, ngân hàng Nhà nước sẽ phải thực hiện các biện pháp điều hành tỷ giá và thị trường ngoại hối theo tín hiệu thị trường, phù hợp với cung cầu ngoại tệ và các cân đối vĩ mô như lãi suất, lạm phạt, cán cân thanh toán nhằm hướng tới mục tiêu ổn định giá trị của đồng Việt Nam trong dài hạn.