Điều chỉnh tỷ giá và tác động với kinh tế vĩ mô

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Với quyết định điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa đồng Việt Nam và đô la Mỹ áp dụng từ ngày 19/6 từ mức 21.036 lên 21.246 VND/USD (tăng 1%), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang tích cực hỗ trợ cho xuất khẩu để qua đó thúc đẩy nền kinh tế. Tuy nhiên, dư luận băn khoăn, việc điều chỉnh tỷ giá ngoại hối vào thời điểm này có ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô hay không?

Điều chỉnh tỷ giá và tác động với kinh tế vĩ mô
NHNN đang tích cực hỗ trợ cho xuất khẩu để qua đó thúc đẩy nền kinh tế. Nguồn: internet

Thông tin về việc NHNN quyết định điều chỉnh tỷ giá ngoại hối liên ngân hàng được đưa ra trong bối cảnh kỳ vọng về tỷ giá đang gia tăng, vì đã hơn một năm tỷ giá đứng ở mức ổn định. Quyết định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước được đưa ra khá bất ngờ đã khiến thị trường ngoại hối lúng túng và rung rinh một chút về giá giao dịch ngoài chợ đen. Tuy nhiên, trong các ngân hàng thương mại thì giao dịch ngoại tệ vẫn diễn ra bình thường, các ngân hàng vẫn đáp ứng đủ nhu cầu của các tổ chức nhập khẩu cần ngoại tệ, kể cả nhu cầu ngoại tệ chính đáng của cá nhân. Trên bình diện vĩ mô, quyết định điều chỉnh tỷ giá không tác động nhiều đến việc điều hành các chỉ tiêu tăng trưởng hoặc kiểm soát.

Từ đầu năm đến nay, kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng có nhiều diễn biến tích cực. Mặt bằng lãi suất cả huy động lẫn cho vay tiếp tục giảm so với cuối năm 2013, ngay cả khi ngân hàng nhà nước bỏ trần lãi suất với kỳ hạn tiền gửi trên 6 tháng thì mặt bằng lãi suất huy động của các ngân hàng cũng vẫn rất ổn định, không có sự cạnh tranh lôi kéo người gửi tiền bằng các chiêu khuyến mãi hoặc lách trần. Những động thái điều hành chính sách tiền tệ  từ đầu năm đến nay đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát ở mức thấp, CPI tháng 5 chỉ tăng 0,2% so với tháng 4, tăng 1,08% so với cuối năm 2013, so với cùng kỳ năm ngoái, lạm phát tăng 4,72%.

Trên thị trường ngoại hối, cung cầu ngoại tệ được bảo đảm. Tỷ giá ngoại hối được ổn định trong suốt cả năm qua. 5 tháng đầu năm cả nước xuất siêu 1,6 tỷ USD, cán cân thanh toán tổng thể thặng dư trên 10 tỷ USD, điều đó cũng giúp cho Ngân hàng Nhà nước mua được một lượng ngoại tệ lớn nhằm tăng dự trữ ngoại hối lên mức kỷ lục là 35 tỷ USD. Về phía các ngân hàng thương mại, do đã được dự báo về diễn biến tình hình cung - cầu ngoại tệ, nên bản thân các doanh nghiệp cũng như các ngân hàng thương mại đã cân nhắc xây dựng kế hoạch kinh doanh của mình.

Trong những tháng đầu năm, các ngân hàng đã tăng cường bán ngoại tệ cho Ngân hàng Nhà nước. Vì vậy, chỉ riêng 5 tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã mua được trên 10 tỷ USD nhằm tăng dự trữ ngoại hối nhà nước. Vì thế, tuy điều chỉnh tỷ giá có thể tác động một chút tới hạch toán tài chính của các doanh nghiệp, kể cả của ngân hàng thương mại nhưng về cơ bản không gây ảnh hưởng lớn. Trong khi đó, mục tiêu chính của điều chỉnh tỷ giá là nhằm góp phần hỗ trợ xuất khẩu, qua đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, nhờ thế mà khơi thông tăng trưởng tín dụng. Theo tuyên bố của Thống đốc Ngân hàng hồi đầu năm, dư địa để điều chỉnh tỷ giá trong năm khoảng +-2% mà không gây quan ngại cho hoạt động kinh tế của cả nước. Vì thế, vào thời điểm tháng 6 này, Ngân hàng Nhà nước quyết định điều chỉnh tăng tỷ giá 1% là hoàn toàn phù hợp.

Trong bối cảnh nền kinh tế vẫn tiếp tục tăng trưởng chậm, tín dụng vẫn chưa được khơi thông đáng kể, cầu tiêu dùng vẫn thấp khiến chỉ số giá tiêu dùng được kiểm soát ở mức thấp trong 5 tháng đầu năm, thì điều chỉnh tỷ giá sẽ góp thêm chút sức sống cho hoạt động xuất khẩu, tạo ra những chuyển biến tích cực cho nền kinh tế. Vấn đề là, sau khi điều chỉnh, cần tiếp tục thực hiện các biện pháp và công cụ để ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối trên mặt bằng giá mới, đặc biệt kiểm soát thị trường ngoại tệ chợ đen để tránh sự làm giá, lũng đoạn thị trường, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước về ngoại hối.